Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
66 lượt xem

10 cách “hành xử” của cha mẹ khiến trẻ cảm thấy tội lỗi

Rất nhiều trường hợp, phản ứng của cha mẹ làm trẻ cảm thấy xấu hổ, tội lỗi và gây ra tổn thương lòng cho con mà chính họ cũng không nhận ra.

Dưới đây là 10 tình huống khiến trẻ cảm thấy tội lỗi cha mẹ nên tránh.

Đánh đồng hành động với bản chất con người

“Điều quan trọng là phải tách đứa trẻ khỏi hành động của chúng. Bởi một khi bạn gộp chung, có thể gây ra cảm giác tội lỗi”, Keneisha Sinclair-McBride, nhà tâm lý học lâm sàng tại Bệnh viện nhi Boston, ở Massachusetts (Mỹ) nói.

Rất nhiều cha mẹ nói các câu: “Con cẩu thả quá”, “Lúc nào con cũng chậm như rùa”… mà không nhận ra sẽ làm tổn thương hoặc “dán nhãn” lên con người của trẻ. Tốt hơn hết bạn nên hít thở sâu, sau đó chỉ nói về hành động đó và mọi hậu quả có thể xảy ra. Ví dụ: “Mẹ đã yêu cầu con dọn phòng mà sao vẫn vương vãi đồ chơi khắp nơi. Ngay bây giờ con dọn sạch rồi mới được đi ngủ”.

Thay vì đưa ra những nhận xét mang tính cảm xúc, phán xét, hãy đưa con bạn vào chế độ giải quyết vấn đề. Sai lầm là cơ hội để học hỏi, không đáng xấu hổ.

Khiến trẻ thấy mình phải chịu trách nhiệm với tâm trạng của cha mẹ

Theo nhà trị liệu Sinclair-McBride, về bản chất trẻ tự coi mình là trung tâm vì phù hợp với sự phát triển của chúng. “Điều này có nghĩa trẻ có thể nhận tội về những việc mà chúng thực sự không phải chịu trách nhiệm. Trẻ cũng rất dễ ảnh hưởng bởi tâm trạng và hành vi của người chăm sóc, nên sẽ cảm thấy có lỗi khi nhận thấy cha mẹ đang buồn”, Sinclair-McBride lưu ý.

“Trẻ thường tin mình là nguyên nhân gây ra sự đau khổ của cha mẹ và có cảm giác mạnh mẽ và khuếch đại về điều đó”, nhà trị liệu tâm lý Noel McDermott nói thêm.
Chuyên gia này đề nghị nên ôm và thể hiện tình cảm để trấn an con, rằng con được yêu thương. Với trẻ lớn, hãy nói rằng nỗi buồn của bạn không liên quan đến con, nhưng đừng đi vào chi tiết.

Tranh cãi trước mặt con

Bởi vì bản chất trẻ em là trung tâm nên có thể tin rằng mình là nguyên nhân gây ra những bất đồng của cha mẹ. Vì vậy, tốt nhất là tránh tranh cãi trước mặt con.
Ví dụ khi lên kế hoạch tổ chức tiệc sinh nhật cho con, cha mẹ có thể nhận ra chi phí vượt quá ngân sách nên khó chịu với nhau. Điều này khiến đứa trẻ nghĩ chúng gây ra vấn đề vì đó là bữa tiệc của chúng.

“Bạn phải nhớ rằng trẻ em không thể hiểu được sự phức tạp của các mối quan hệ và cảm xúc của người lớn. Thay vì hiểu cha mẹ đang căng thẳng, trẻ lại cho rằng chính mình là nguyên nhân của sự đau khổ và cảm thấy tội lỗi”, Knippenberg nói. Chuyên gia khuyên nên thảo luận riêng trước khi thảo luận công khai có con ở đó.

Nói trẻ bằng các từ “hư”, “ngoan”

“Một số trẻ khuyếch đại cảm giác tội lỗi, cho rằng chúng sẽ trở thành một đứa trẻ hư. Và theo thời gian nó có thể phát triển thành sự xấu hổ, tự ti”, nhà giáo dục nuôi dạy con cái Laura Linn Knight, nói.

Chuyên gia khuyên cha mẹ nên chú ý đến từ ngữ mình sử dụng. Dùng các từ như “trai/gái hư” hoặc “trai/gái ngoan” có thể vô tình tạo ra những lối mòn trong não trẻ, nơi chúng liên tục đánh giá bản thân tốt hay xấu.

“Khi một đứa trẻ có thói quen nghĩ mình hư hay ngoan, điều đó có thể dẫn đến cảm giác tội lỗi, cầu toàn cao hơn và tạo ra các chiến lược đối phó không lành mạnh để giữ được mình ‘ngoan’ trong mắt cha mẹ. Mặt khác, khi một đứa trẻ cảm thấy bị coi là “xấu”, chúng có thể chấp nhận bị dán nhãn và cư xử không đúng mực”, nhà tâm lý nói.

Để tránh việc này, cha mẹ nên cố gắng dùng ngôn ngữ rõ ràng. Ví dụ nếu nếu con la hét với bạn, thay vì nói: “Con là đứa hư đốn vì la mắng với mẹ”, hãy nói: “Mẹ quan tâm tới con, tuy nhiên hành vi la hét với người lớn là không ổn”. Sau đó, khi con bạn đã bình tĩnh lại, bạn có thể nói về việc mọi người đều phạm sai lầm và tất cả chúng ta đều có những điều cần cố gắng khắc phục. Giúp con bạn học những hành vi mới bằng cách tập trung vào các giải pháp”, Knigh nói.

Không cho cơ hội chuộc lỗi

Khi đứa trẻ phạm lỗi, điều quan trọng là cho cơ hội để sửa sai. Cha mẹ nên cố gắng xử lý cảm giác bị tổn thương, thất vọng và cởi mở đón nhận lời xin lỗi của con. “Nếu cha mẹ sẵn sàng chấp nhận sự chuộc lỗi của con bằng những cái ôm, hôn, món quà, bức tranh, mà không oán giận thì tội lỗi sẽ được hóa giải”, Beresin nói.

Mặt khác nếu cha mẹ phản ứng lại hành động xấu của trẻ bằng sự tức giận, bỏ rơi, trả đũa, sẽ chỉ làm tăng thêm sự lo lắng, cảm giác tội lỗi và ngăn cản vấn đề được giải quyết.

“Cha mẹ có thể trừng phạt con cái, nhưng quan trọng nhất là phải sẵn sàng chấp nhận sự xin lỗi, sửa đổi của con. Khi làm được điều này, bạn đang giúp con học được bài học từ sai lầm”, Beresin nói.

Hình phạt khắc nghiệt

Các hình phạt phải phù hợp với tội lỗi. Beresin khuyên nên sử dụng thời gian trừng phạt đó để nói về những gì đã xảy ra và thể hiện sự cởi mở trong việc giải quyết tình huống và sửa đổi.

“Các hình phạt quá mức là không cần thiết, có thể khiến trẻ nghĩ không công bằng, gây ra cảm giác tội lỗi cho trẻ”, Beresin nói.

Tránh đối thoại cảm xúc

Các chuyên gia đề nghị thường xuyên trò chuyện. Chúng ta càng ngồi lại với nhau sau một sự cố, càng có thể xử lý những gì đã xảy ra. Đặt câu hỏi mở kiểu như “Con cảm thấy sao khi mẹ hét lên như vậy?”, “Việc mẹ làm khiến con cảm thấy thế nào?”.

Thay vì lờ đi, hãy lắng nghe con, cảm nhận cảm xúc của con. “Hãy nhớ rằng tất cả trẻ em đều muốn được chấp thuận. Một khi biết những gì cha mẹ đánh giá cao và hy vọng, chúng sẽ biết cách làm những điều đúng đắn”, Beresin nói.

Áp đặt mục tiêu của mình lên con

Không có gì lạ khi cha mẹ cho con tham gia các hoạt động mà họ ước được làm thờ thơ ấu. Song trước khi cho con học, hãy hỏi con xem có thích không và hỏi chính bạn làm vậy là vì con hay vì mình. Tránh đặt ước mơ, mục tiêu của bạn lên con. Nếu không, có thể khiến con cảm thấy như chúng đang làm gì cực sai trái.

“Một cái bẫy phổ biến là cha mẹ vượt quá những gì thực sự muốn cho con, nên khi con phản ứng tiêu cực, bạn sẽ cho rằng chúng vô ơn với những gì mình đã làm cho”, Knippenberg nói.

Khen con người khác

Hãy chú ý đến cách bạn nói về những đứa trẻ khác. Nhiều bậc cha mẹ thường xuyên khiến con cảm thấy bị so sánh và kém cỏi.

“Em Khoai làm cái gì cũng gọn gàng, còn con đi đến đâu là đồ đạc tung đến đấy”. “Bạn Sò đã biết làm đồ ăn sáng, cuối tuần mẹ bạn ấy chỉ việc nằm trên giường đã được phục vụ”… Các câu đại loại như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy tổn thương.

“Hãy kiềm chế không chia sẻ điều này và suy nghĩ kỹ xem lý do thực sự bạn chia sẻ là gì. Rất có thể bạn đang so sánh”, Knippenberg nói.

Người lớn không xin lỗi hoặc thừa nhận sai lầm

Beresin khuyên luôn xin lỗi và sửa đổi nếu bạn đi quá giới hạn. Ví dụ, nếu chúng ta la mắng một đứa trẻ vì quá ồn ào khi chơi đùa, cần lưu ý chúng chỉ là những đứa trẻ, chơi đùa quá khích là bình thường.

Nếu bạn cảm thấy mình đã đi quá xa, hãy dành thời gian để xin lỗi. Các bậc cha mẹ đôi khi sợ rằng việc xin lỗi con sẽ làm giảm uy quyền của mình. Song thực tế khi cha mẹ thừa nhận mình sai, sẽ gieo rắc sự tôn trọng và xây dựng hình mẫu về lòng can đảm cho trẻ.

Bài viết cùng chủ đề: