Lồng ghép những câu hỏi sau vào các cuộc trò chuyện hàng ngày sẽ khuyến khích hành vi tích cực ở trẻ, đồng thời giúp cha mẹ sẽ hiểu con cái hơn.
Một trong những cách để khuyến khích trẻ phát triển tư duy tích cực là nói chuyện và đặt câu hỏi cho chúng. Những câu hỏi này có thể không nói cho đứa trẻ biết chúng phải làm gì; tuy nhiên nó sẽ đem lại cho trẻ biết về những giá trị sống tích cực và khả năng của bản thân chúng.
Hỏi con những câu hỏi sau trong quá trình trò chuyện sẽ giúp cha mẹ dạy con phát triển tư duy lành mạnh, đồng thời gắn kết mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Con biết ơn điều gì nhất?
Câu hỏi này nhằm hướng sự tập trung của trẻ đến những điều chúng cảm thấy thích thú. Từ đó, trẻ sẽ theo đuổi hoạt động, sở thích của mình. Thông qua câu hỏi, bố mẹ cũng xác định được đam mê của trẻ để định hướng nghề nghiệp cho chúng trong tương lai.
Con sẽ hướng dẫn điều này cho người khác như thế nào?
Câu hỏi này sẽ giúp trẻ cảm nhận được chúng có năng lực và được mọi người đánh giá cao. Thông qua đó, trẻ sẽ rèn được sự tự tin vào khả năng và giá trị của bản thân. Mặt khác, câu hỏi này cũng là cách khuyến khích trẻ học tập không ngừng và luôn biết cách giúp đỡ, chia sẻ với mọi người.
Điều tuyệt vời nhất con từng trải qua là gì?
Hỏi con về những điều tuyệt vời hay tồi tệ để khiến trẻ hiểu rằng, mọi thứ trong cuộc sống không phải đều diễn ra dễ dàng nhưng cũng không kéo dài mãi những sự tồi tệ. Trẻ cần biết điều này sớm để có tinh thần tốt hơn khi đối diện với mọi chuyện.
Con học được những gì từ điều tuyệt vời đó?
Trẻ cần tự rút ra bài học kinh nghiệm từ những thành công hay thất bại của chính mình và những người xung quanh. Đó là cách tốt nhất giúp trẻ nhanh tiến bộ và sẽ không lặp lại những sai lầm tương tự trong tương lai.
Con thấy bài học nào hữu ích khi con trưởng thành?
Câu hỏi này nhắc nhở đứa trẻ rằng chúng sẽ sớm trưởng thành chứ không thể mãi là những đứa trẻ. Vì vậy, trẻ cần chuẩn bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho tương lai.
Nếu quay lại thười gian con sẽ thay đổi điều gì?
Ngoài thêm phần thú vị cho cuộc trò chuyện, câu hỏi này còn giúp cha mẹ tìm hiểu những vấn đề đã gây tổn thương cho trẻ trong quá khứ. Qua đó, cha mẹ có thể lồng ghép bài học về việc đối mặt với thất vọng và sai lầm.
Con biết hơn điều gì nhất?
Câu hỏi này khuyến khích trẻ bày tỏ lòng biết ơn và sự tôn trọng với những người đã giúp đỡ mình. Những điều tươi sáng này còn giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống.
Con nghĩ ai đó sẽ cảm thấy thế nào?
Để giúp con tránh những xung đột không đáng có trong cuộc sống, cha mẹ dạy trẻ tìm hiểu cách nghĩ và đặt mình vào cảm xúc của người khác để thể hiện sự đồng cảm. Cha mẹ hãy thường xuyên hỏi câu này để trẻ có một trái tim nhân ái, bao dung, luôn thấu hiểu và giúp đỡ người khác.
Con nghĩ cuộc sống của con trong tương lai sẽ như thế nào?
Câu hỏi này hướng trẻ suy nghĩ đến tương lai và lên kế hoạch cho nó. Việc hiểu những điều mình muốn khi trưởng thành sẽ giúp trẻ sớm xác định được những việc cần làm.
Con quý mến những người bạn nào nhất? Tại sao?
Bạn bè luôn là những người gây ảnh hưởng đến thái độ và tính cách của trẻ. Hỏi trẻ câu này cha mẹ sẽ tìm ra người bạn nào ảnh hưởng nhất đến trẻ và có sự điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên tự phán xét hay buộc con ngừng chơi với ai đó mà nên chỉ cho con thấy rõ những điểm tích cực hoặc tiêu cực từ bạn bè của con.
Nếu thành người nổi tiếng, con muốn mình nổi tiếng vì điều gì?
Câu hỏi này sẽ giúp trẻ hình dung ra hình tượng chúng muốn hướng đến và hướng trẻ suy nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa của sự thành công.
Con sẽ làm gì để thay đổi thế giới?
Cha mẹ có thể đặt câu hỏi này để giúp con nảy sinh hoài bão, phấn đấu làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Hôm nay con đã giúp đỡ ai?
Hãy dạy con biết quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh. Trẻ cần có một trái tim nhân ái, sẵn sàng sẻ chia với người khác.
Nếu được tạo ra một quy tắc cho mọi người tuân theo, con sẽ tạo ra điều gì?
Câu hỏi này làm trẻ chú ý đến thực tế mọi người đang sống trong một thế giới với những quy tắc và quy định mà ai cũng phải làm theo để đảm bảo trật tự. Các quy tắc đặt ra không có nghĩa là để trừng phạt. Điều này giúp mọi người sống và tương tác với nhau một cách tốt hơn. Một đứa trẻ biết tôn trọng các quy tắc thường làm tròn trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội.