Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
94 lượt xem

5 năm sống cảnh “nhà rỗng” khi liều mua nhà với 200 triệu trong tay

Vợ chồng tôi đã có 5 năm ngủ dưới sàn nhà, ôm đống nợ chưa từng có khi quyết định mua nhà chỉ với 200 triệu, nhưng chúng tôi đã vượt qua được tất cả….

Vợ chồng can đảm nhất năm: có 200 triệu dám đi mua nhà

Cách đây 5 năm, tôi khi ấy mới tròn 24 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học được một năm và quyết định lập gia đình sớm để có thời gian chuẩn bị tài chính cho việc sinh con sau này. Hai vợ chồng cũng dự định là sẽ mua nhà ở Tp. Hồ Chí Minh để sinh sống hẳn ở đây.

Ở quê, ba mẹ chúng tôi đều làm vườn, quanh năm sống nhờ vườn tược, con cá, con tôm nên khi nghe đến chuyện mua nhà Sài Gòn phải bỏ ra tiền tỷ thì ai cũng phản đối. Thậm chí, còn cho là hai đứa bị “ảo tưởng”, họ hàng có người nặng lời hơn thì nói chúng tôi là “ngựa non háu đá”, mới kiếm được chút tiền ở Sài thành đã tưởng mình hay; rồi nào là thích ăn ở sang chảnh… Bởi lẽ trong tay chúng tôi lúc đó chỉ có 50 triệu tiền đám cưới lãi ra và 3 cây vàng ông bà hai bên cho làm vốn.

Hai đứa tôi đều từ miền Tây lên Sài Gòn học đại học, cả thời sinh viên đứa thì ở ký túc xá, đứa thì ở mấy căn phòng trọ 8 – 9m2, mưa dột đủ chỗ, nắng thì oi bức đến mức không ngủ được. Vì thế, vợ chồng tôi luôn ao ước có được một căn nhà ở Sài Gòn của riêng mình, dù nhỏ cũng được.

Cưới nhau xong chúng tôi đều có việc làm ổn định, còn chờ gì nữa mà không tính đến chuyện mua nhà. Qua khảo sát ở nhiều nơi, chúng tôi ưu tiên những địa điểm phù hợp với khả năng chi trả, sau đó mới đến chỉ tiêu gần khu vực làm việc, nhưng nói chung cũng khoanh vùng trong bán kính không quá 10km từ công ty của hai vợ chồng.

Khảo sát cả tháng trời vẫn chưa có được chỗ nào ưng ý, nhưng cũng nhận thấy được một số vấn đề. Tài chính hai vợ chồng chỉ cho phép mua những bất động sản trị giá tầm 1 tỷ đổ lại. Với mức giá này thì không khó để kiếm nhà đất nhưng đa phần những địa điểm chúng tôi đến xem đều không có sổ đỏ, hoặc nằm sâu tận 3,4 con hẻm nhỏ. Nếu mua chung cư giá rẻ thì căn 50m2 cũng tầm 1,2 tỷ, chưa có nội thất. Số tiền này có hơi vượt quá ngân sách dự định của hai đứa nhưng lại nghĩ cố thêm tí nữa sẽ có nhà ưng ý để ở. Căn hộ này sẽ được bàn giao ngay, nếu mua thì có thể dọn khỏi nhà trọ ngay lập tức, số tiền thuê trọ có thể bù qua để đóng tiền nhà.

Với số tiền khoảng 200 triệu đồng (tính luôn cả vốn hai vợ chồng có và tiền lương thưởng công ty), nếu chọn căn hộ như trên, chúng tôi sẽ phải vay thêm tầm 1 tỷ nữa. Thu nhập của tôi được 7 triệu một tháng, chồng tôi được 12 triệu, nếu có nhà thì không phải trả tiền thuê trọ. Tiền ăn và sinh hoạt cả tháng cũng cỡ 6 triệu, còn dư được khoảng 13 triệu mỗi tháng. Cùng với đó là tiền thưởng lễ tết, đạt KPI nói chung cũng có thể dành dụm được khoảng 180 – 200 triệu mỗi năm để trả nợ.

Thay vì lấy giấy tờ nhà vay ngân hàng, hai vợ chồng tôi quyết định sẽ vay họ hàng và các mối quan hệ thân thiết bên ngoài. Bởi vì lương tôi khá thấp và là nguồn chính để chi tiêu hàng tháng. Còn chồng tôi thì làm kỹ sư công trình xây dựng, lương trả theo công trình hoặc dự án, thường thì 2-3 tháng mới nhận lương một lần. Nếu vay ngân hàng, hàng tháng sẽ không đủ khả năng thanh toán.

Chồng và tôi hỏi vay cha mẹ hai bên, anh chị em ruột, cô dì chú bác cả thảy được tầm khoảng 10 cây vàng, thời điểm đó quy ra tiền là khoảng 450 triệu đồng. Cha mẹ chồng tôi thế chấp 2 miếng đất vườn ở quê vay thêm 400 triệu nữa với lãi suất 10%/năm. Số còn lại thì bạn bè hai bên cho mượn.

Theo dự tính thì những khoản vay có lãi sẽ được ưu tiên trả trước, sau đó đến tiền vay của bạn bè rồi mới đến khoản vay bằng vàng. Riêng vàng thì hễ gom tiền được đến đâu mua trả đến đó, tức là đủ mua 1 cây thì trả trước 1 cây. Vì là họ hàng với nhau nên việc trả “lắt nhắt” không đáng ngại và mọi người cũng thông cảm. Ngoài ra, năm đầu có thể hơi chật vật nhưng các năm sau thì sẽ dễ thở hơn vì sẽ được tăng lương, cải thiện thu nhập. Nhất là khi chồng tôi là kỹ sư xây dựng, khi có nhiều năm kinh nghiệm rồi thì lương chắc chắn sẽ cao hơn.

Thấy kế hoạch khá là khả thi, chúng tôi mua ngay căn hộ đó. Một tháng sau, chính thức chuyển về ở.

Chuỗi ngày sống trong “nhà trống” chính thức bắt đầu
Ngày xưa nhà Trần đánh giặc có kế “vườn không nhà trống”, ngày nay có vợ chồng tôi dùng chiêu “nhà trống” trong thời gian đầu mua nhà ở Sài Gòn. “Nhà trống” đúng nghĩa, không có lấy một món nội thất, đồ dùng y như ở phòng trọ, có chăng là nó rộng rãi hơn nhiều thôi. Chồng tôi hay nói vui là mở luôn sân chơi xe điện đụng cho trẻ em cùng khu chung cư trong nhà luôn cũng được, vì căn nhà trống hoác từ trong ra ngoài.

Hai vợ chồng mới 24 tuổi đầu đã gánh trên vai khoảng nợ cả tỷ bạc, nghe thôi cũng đủ rùng mình. Một khoản nợ lớn nhất trong cuộc đời hai đứa mà chắc có lẽ từ đây về sau cũng sẽ không bao giờ dám lặp lại.

Mua nhà xong nợ nần chồng chất nên cả hai cố gắng chi tiêu chắt bóp từng đồng, ngoài trừ tiền đi chợ nấu cơm ra thì không dám mua sắm thêm gì, quần áo đến tận nửa năm mới dám mua một lần. Hết năm đầu, chúng tôi trả được tiền lãi cho cha mẹ vay ở quê và 150 triệu đồng tiền gốc, khoản nợ giảm xuống còn 250 triệu đồng. Năm thứ 2 cũng trả được tầm 180 triệu nên khoản nợ phải chịu lãi suất chỉ còn khoảng 70 triệu đồng.

Đến đây thì hai bạn trẻ đang hí hửng vì lộ trình trả nợ khá suôn sẻ và nằm trong dự tính, khoảng tiền 400 triệu cha mẹ vay sắp trả hết, cuối năm sẽ có tiền mua sắm nội thất cơ bản cho căn nhà. Tuy nhiên, đùng một cái cha tôi dưới quê đổ bệnh nặng, phải mổ và điều trị theo liệu trình lâu dài ở Sài Gòn. Kế hoạch bắt đầu “trật đường ray” khi mọi việc chi tiêu, chữa bệnh cho cha tốn kém hơn. Song đó, một vài người cho vay vàng cũng bắt đầu đòi lại vì họ cần dùng đến. Thế là vợ chồng tôi lao đao, xoay hết chỗ này đắp chỗ kia từng tháng một.

Cha bệnh, mẹ tôi phải bỏ công ăn việc làm dưới quê lên Sài Gòn trông ông. Tiền ăn uống cho cả 4 người, tiền thuốc thang, bồi bổ cho cha tốn kém vô cùng, thâm hụt cả vào khoản để dành trả nợ. Nhưng biết làm sao được, cha đổ bệnh đã đáng thương lắm rồi, nếu mình còn than vãn thì chẳng phải là bất hiếu tử hay sao.

Thay vì dư được 13 triệu mỗi tháng như trước đây, từ khi có thêm người, nhà tôi chỉ còn để dành được khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng, thậm chí có thời điểm mỗi tháng chỉ dư được 5 triệu đồng. Áp lực lúc đó lớn đến nỗi chúng tôi không khi nào ngủ yên giấc, đã có lúc còn hối hận vì lỡ mua nhà mà không dự phòng tài chính.

Không thể để mình sống túng quẫn hằng ngày như vậy được, chúng tôi quyết định tìm việc làm thêm buổi tối để tăng thu nhập. Mẹ tôi nghe thế cũng đòi tham gia vì bà không chịu được cảnh thấy con cái lao đao. Vậy là anh chồng nhận lắp ráp tủ điện buổi tối, nghề này vốn dĩ anh đã làm khi còn là sinh viên được bạn cùng phòng chỉ dạy. Mẹ tôi thì nhận đính phụ kiện hoa, hạt vào áo dài. Còn tôi thì nhận bán hàng ban đêm cho chị bạn chung công ty, cách nhà độ 3 km.

Thế là cả nhà 3 người cũng lao vào làm việc miệt mài, mẹ và anh thay phiên nhau trông cha và cho ông uống thuốc. Có hôm, tôi đi làm về tầm 11h đêm vẫn thấy anh lọ mọ ráp tủ điện, mẹ vẫn khâu đến tận 1-2 giờ sáng. Mỗi tháng như vậy cũng kiếm được thêm 6-8 triệu đồng. Khoản tiền này chủ yếu dùng mua thuốc thang cho cha, bồi bổ cho mẹ, còn dư khoảng 2-3 triệu thì hùn vô trả nợ. Cùng lúc đó, chồng tôi được tăng lương, mỗi tháng có thêm 1 triệu đồng nữa.

Gom góp tiền mua từng cây vàng để trả nợ, gặp may lúc đó vàng xuống giá, chỉ tầm 35-38 triệu đồng 1 cây nên cũng “nhẹ gánh”. Trả hết số vàng và tiền nợ bạn bè, vợ chồng tôi cũng mất luôn 5 năm thanh xuân. Nhưng có điều cả hai không cảm thấy hối tiếc, đôi lúc chúng tôi còn tự khâm phục mình, chẳng biết sao lúc ấy lại giỏi chịu đựng đến vậy.

5 năm trời, trong khi bạn bè người mua sắm thứ này, thứ nọ, người đi du lịch vi vu, thì tôi và cả gia đình ngủ dưới sàn nhà, chỉ có mỗi tấm nệm mỏng ten mua từ hồi sinh viên. Tủ quần áo cũng xài tủ vải, tủ để chén bằng nhựa, không gian bếp cũng chỉ có mỗi cái bàn con
(kiểu người ta bán nước mía) đặt cái bếp gas. Một căn chung cư không bàn ghế, không giường tủ, không tivi, không tủ lạnh, máy giặt… nơi duy nhất đầy đủ nhất chính là nhà vệ sinh vì nó vốn dĩ được chủ đầu tư trang bị.

Thực ra nói là không hối tiếc là vì mọi chuyện đã êm đẹp, tôi không muốn nhìn về quá khứ với cái nhìn ân hận hay nhếch vai chê trách bản thân. Người trẻ mua nhà thì ai cũng phải nợ, trừ khi cha mẹ bạn thực sự giàu có. Nhưng nếu phải nợ, hãy chọn cách nợ an toàn, có khoảng nửa tỷ rồi hãy mua, đừng liều mình mà thách thức khả năng “chạy đua” với nợ của bản thân. Cuộc sống vốn dĩ sẽ có giai đoạn thăng trầm, bất trắc, chỉ là chúng ta không thể tiên lượng trước được nên hãy cứ dự phòng tài chính cho chắc ăn.

Cũng may mọi chuyện giờ đã ổn, 29 tuổi có nhà ở Sài Gòn rồi sắp sửa đón con đầu lòng, tôi nhẹ cả người. Cuối năm nay, chúng tôi sẽ sắm sửa đầy đủ nội thất để ổn định cuộc sống.

Bài viết cùng chủ đề: