Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
115 lượt xem

7 bí mật của những bà mẹ nhàn: Thay vì hy sinh quá nhiều, hãy yêu thương bản thân mình đúng cách

Không đòi hỏi bé phải đạt được thành tựu quá khả năng của bé, dành cho bé những không gian riêng, đôi khi để bé tự mắc sai lầm… chính là những bí quyết giúp bạn nhàn hạ khi nuôi con.

Bản năng của một người mẹ nói rằng bạn cần cẩn thận hơn, chu đáo hơn và thậm chí phản ứng nhanh nhẹn hơn, tuy nhiên, những gì bạn thực sự cần làm là thư giãn. Theo các chuyên gia về nuôi dạy trẻ của trang The Bump, thư giãn không hề khiến bạn trở thành một người mẹ tồi, thậm chí còn giúp bạn có thêm năng lượng để nhanh chóng đáp ứng những đòi hỏi của việc nuôi dạy con.

1. Tin tưởng em bé có thể cho bạn biết những gì bé muốn, kể cả trẻ sơ sinh

Thực tế, trẻ sơ sinh có thể giao tiếp thông qua cử chỉ, tiếng kêu và tiếng khóc. Theo nhà tâm lý học David Chamberlain, trẻ sơ sinh có thể cho bạn biết những gì bé đang suy nghĩ trước khi bé biết nói thông qua hành động. Ví dụ, bé vươn ra cánh tay có nghĩa là “Bế con đi”, bé chằm chằm nhìn bạn có nghĩa là muốn biết rõ hơn về điều bạn đang làm hay đang nói, bé nhăn nhó hay la hét có nghĩa là “Con không thích điều đó” hoặc “Con cần cái đó”, bé thở hổn hển có nghĩa là vui mừng…

2. Không để bé làm những việc vượt quá khả năng của mình

Bạn và bé không tham gia một cuộc thi nên nếu bé không vượt qua được một số cột mốc quan trọng cũng không nên quá lo lắng. Điều đó có nghĩa là bé chưa sẵn sàng để hoàn thành. Nếu bây giờ bé chưa thể ra dấu hiệu khi muốn đi bô thì sau này sẽ biết. Theo Solomon, tác giả cuốn Baby Knows Best, “sớm hơn không hẳn đã là tốt hơn”. Tất nhiên, một số trẻ cần được hỗ trợ thì mới có thể làm được việc gì đó, nhưng hãy để bé tự thể hiện mong muốn được hỗ trợ trước.

Thực tế, bạn rất dễ bị áp lực khi thấy bé có vẻ phát triển chậm, đặc biệt là khi nghe các bà mẹ khác khoe về con của họ. Tuy nhiên, bạn nên bình tĩnh, hãy phân biệt giữa việc bạn đang lo lắng thái quá với việc bạn phải đưa bé đi gặp bác sĩ. Nếu đã hai tháng tuổi mà bé vẫn chưa biết cười với bạn, 6 tháng bé chưa biết lật, 12 tháng chưa biết cầm những miếng thức ăn thì lúc đó bạn mới cần phải đưa bé đi gặp bác sĩ nhi.

3. Hãy cho trẻ một vài không gian cá nhân

Bạn hãy quên đi nỗi lo lắng rằng hôm nay đã không dành đủ thời gian để chơi với con. Bạn nghĩ rằng mình có rất nhiều việc phải làm, thực ra không hẳn thế. Bé vừa mới ra khỏi bụng mẹ và tất cả những gì bé cần chỉ là một cái chuông nhỏ thì thầm bên tai hay những chiếc lá rung rinh trước mặt để bé ngắm. Mọi thứ với bé đều rất mới mẻ. Được trải qua thời gian một mình nằm trong cũi hay trong chăn để lặng lẽ trải nghiệm thế giới xung quanh, bé sẽ tích lũy được khả năng độc lập và cũng biết cách tập trung chú ý lâu hơn, còn bạn thì được nghỉ ngơi.

4. Hãy để bé mắc sai lầm (đôi khi bé có thể bị ngã)

Khi đứa trẻ chập chững bước đi đầu tiên, chắc chắn nó sẽ ngã. Solomon lưu ý: “Bạn có thể nghĩ rằng bé sẽ rất đau khi bị ngã, nhưng thực tế có khi bé chỉ giật mình”. Nếu bạn lo lắng hét lên “Không, không”, bé sẽ sợ hãi vì điệu bộ của bạn. Tốt hơn, bạn hãy bình tĩnh và tỏ ra thông cảm khi nói về những gì vừa xảy ra: “Ôi con ngã à. Mẹ đoán là con rất bất ngờ vì bị ngã” và chờ xem phản ứng của bé. Nếu thực sự đau, bé sẽ cho bạn biết bé cần được xoa dịu.

5. Nói với bé về những gì đang xảy ra

Hãy tưởng tượng nếu bạn đi khám bệnh và bác sĩ chỉ kê đơn thuốc mà không nói về những gì đang xảy ra với sức khỏe của bạn, bạn có thấy lo lắng không? Chúng ta luôn muốn biết những gì đang xảy ra với mình và bé cũng thế. Khi bạn nói cho bé biết bạn đang làm gì (Nào bây giờ mẹ thay bỉm cho con, con sẽ thấy dễ chịu hơn hẳn), bé sẽ lớn lên với ít nỗi lo lắng hơn, vì bé có thể dự đoán được những gì sắp xảy ra. Khả năng ngôn ngữ của bé cũng phát triển hơn khi bé được nghe bạn miêu tả những gì đang xảy ra. Bạn không cần băn khoăn rằng bé không thể hiểu hết những gì bạn nói.

6. Hãy dành thời gian để hiểu em bé

Đừng nghĩ rằng vì bé là con của bạn nên bạn có thể hiểu tất cả những gì đang xảy ra với bé. Đúng là bé đã ở trong tử cung của bạn suốt 9 tháng qua nhưng bé vẫn là một con người hoàn toàn khác với bạn, và điều này là rất bình thường.

Bạn không thể biết tất cả vì bạn mới bắt đầu công việc làm mẹ được một thời gian rất ngắn. Khi bé khóc, có thể bạn không biết bé muốn gì. Nhiều cha mẹ vội vàng dỗ dành khi thấy con khóc nhưng như thế là bạn đã mất điểm. Hãy thay đổi mục đích, từ cố gắng làm nín em bé sang tìm hiểu tại sao bé khóc. Bạn sẽ có một danh sách nguyên nhân: có thể bé đói, bé mệt, nóng quá hoặc lạnh quá, bị kích thích quá mức (xung quanh quá ồn), bé muốn được thay bỉm, bé cảm thấy không được khỏe… Đừng bao giờ sử dụng núm vú giả để kiềm chế nhu cầu cho mẹ biết những gì đang xảy ra của em bé.

7. Hãy dành thời gian cho bạn

Chăm sóc một em bé mới sinh là 24h/7. Đôi khi bạn cảm thấy có lỗi nếu nhờ ai đó trông hộ bé. Tuy nhiên, nếu cuộc sống cả ngày chỉ là trông em bé, cha mẹ sẽ nhanh chóng cảm thấy kiệt sức và chán nản, thậm chí bực bội.

Vì thế hãy tự làm một hiệp ước với bản thân, bạn cũng phải có thời gian nghỉ ngơi. Thời gian này sẽ giúp bạn được trẻ hóa về tinh thần cũng như lấy lại năng lượng để có thể đáp ứng những đòi hỏi của việc chăm sóc em bé. Có cơ hội ra khỏi nhà sẽ giúp bạn trở thành một người mẹ ân cần với con và kiên nhẫn hơn.

Bài viết cùng chủ đề: