Chán ghét nhịp sống hối hả, ồn ào và xô bồ của phố thị, anh Linh bỏ phố về quê, sống cùng ông bà ở bìa rừng, vượt qua những thách thức để thích nghi và tận hưởng cuộc sống mới.
Nguyễn Văn Linh, 31 tuổi, từng làm việc cho một cửa hàng điện tử ở Hà Nội, thu nhập từ 9 – 10 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cuộc sống độc thân. Thế nhưng, không còn hào hứng như những ngày đầu mới lên Thủ đô, anh dần chán ghét nhịp sống xô bồ nơi đây.
Từ cuộc điện thoại của bà nội báo ông ốm giữa những ngày giãn cách xã hội, “đêm nào cũng ho nhiều” khiến anh trăn trở, nhen nhóm ý định bỏ phố về quê. “Tôi vừa lo sợ dịch bệnh, vừa muốn chăm sóc ông bà nên dự tính về quê”, Linh nói. Đến tháng 3/2020, anh xin nghỉ việc, quyết định về quê sống cùng ông bà ở bìa rừng thuộc xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Bức tranh đồng quê bình yên và giản dị của Linh và ông bà nội. (Ảnh: NVCC)
Trước “tuyên bố” của Linh, bố mẹ phản đối vì lo lắng tương lai của con trai, còn ông Nguyễn Văn Năng, 80 tuổi, không tin anh có thể trụ được lâu cuộc sống thiếu thốn ở vùng quê, “chắc chỉ về chơi vài ngày rồi lại đi”.
Những ngày đầu về rừng, anh phải đối mặt với những khó khăn khi thích nghi với môi trường mới. Căn nhà nhỏ cạnh bìa rừng của ông Năng gần như tách biệt với khu dân cư, thiếu điện, thiếu nước sạch, tự cung tự cấp về lương thực. Mọi sinh hoạt của ông bà nguyên sơ như ngày xưa, thời giếng nước, bờ ao, gian bếp. Nhiều lần, con cháu muốn đón ông bà về sống chung nhưng bị từ chối. Cặp vợ chồng già không muốn xa mảnh đất từ xưa, tiếc ruộng vườn, ao cá.
Chàng trai vốn quen công việc, giờ giấc ở thành phố, giờ tập làm và phụ giúp ông bà chuyện đồng áng. Anh được ông chỉ bảo và hướng dẫn từ việc trồng rau, cấy cày, kinh nghiệm đi rừng, tìm ong, hái nấm. Mỗi sáng, Linh dậy sớm, cùng ông bà quét dọn nhà cửa, băm chuối cho gà vịt, rồi theo chân ông ra đồng trồng rau, làm cỏ lúa. Bà dắt trâu đi ăn, vạt cỏ cho cá. Trang trại nhỏ giúp họ tự cung tự cấp lương thực. Sau bữa trưa, hai ông cháu tranh thủ vào khu rừng nằm ngay phía sau căn nhà kiếm mật ong khoái mang xuống thị trấn bán kiếm tiền.
Hành trình vào rừng leo qua những con dốc, thường sẽ mất nửa ngày, có lúc cả ngày trời. Nhiều hôm, họ trắng tay trở về vì theo dấu đàn ong qua mấy ngọn núi nhưng không tìm thấy tổ.
Cũng có nhiều hôm đi rừng họ trắng tay trở về. (Ảnh: NVCC)
Anh chia sẻ, có lần hai ông cháu may mắn gặp một tổ ong khá to, làm tổ trên một cây cao, rất nhiều dây leo bao quanh. Trong khi ông Năng phụ làm nứa và chẻ lạt, thì Linh lấy lá cây tươi về tạo khói. Chàng trai trèo lên cây lấy mật, cắt phần bầu mật (bên phải), phần ong non bên trái.
“Quê tôi có một quy luật bất thành văn khi lấy mật, là không được cắt tầng con non và phải để lại một ít tầng mật cho đàn ong khoái rừng tiếp tục phát triển. Năm sau chúng lại quay về đúng cây này, hoặc các cây bên cạnh làm tổ”, Linh cho biết.
Một lần vào rừng lấy mật của hai ông cháu. (Ảnh: NVCC)
Linh lên rừng tìm dẫn nguồn nước suối về khi thấy ông bà phải dùng nước trong giếng đào cạnh ao, đục ngầu bùn đất. Anh xây thêm cầu ao trước nhà để ông bà thuận tiện tắm rửa, làm cổng tre, dựng hàng rào.
“Tôi mong muốn thay đổi không gian sống cho ông bà, tốt hơn, xanh hơn. Mọi công việc hoạt động hằng ngày đều gắn liền và sống hòa hợp với thiên nhiên”, anh nói.
Linh làm thêm cầu ao cho ông bà thuận tiện tắm táp, rửa ráy. (Ảnh: NVCC)
Ông bà Năng vui và cười nhiều hơn, cuộc sống đỡ cô quạnh từ ngày cháu trai về sống cùng. Những công việc nặng nhọc Linh đều gánh vác, giúp ông bà đỡ mệt. Bản thân anh trải nghiệm một cuộc sống mới: Chậm rãi, dễ chịu, trong lành và thoải mái, khác xa thành phố ngột ngạt, khói bụi. Mỗi khi đêm xuống, chỉ có tiếng dế mèn, ếch nhái kêu ngoài bờ ao.
“Tôi cảm nhận được tình thân của ông bà, tiếc rằng đáng lẽ nên về quê sớm hơn”, anh tâm sự.
Linh thừa nhận từng hối hận, chán nản trong tuần đầu tiên về quê. Thời tiết nắng nóng và công việc đồng áng mệt mỏi khiến anh “tỉnh ngộ”, rằng “bỏ phố về quê” không như một giấc mơ màu hồng. Anh có ý định quay lại thành phố, nhưng tiếng ho của ông, sự lo lắng của bà, thúc giục anh quyết tâm thích nghi, ở lại phụng dưỡng ông bà.
Bữa cơm nông thôn giản dị của gia đình nhỏ. (Ảnh: NVCC)
Không biết mọi người như nào nhưng đối với Linh, bỏ phố về rừng, được nhiều hơn là mất. Anh đón nhận những bài học, nhất là kinh nghiệm sinh tồn, mà nếu ở thành phố sẽ không bao giờ biết. Anh gọi đây là một trang mới của cuộc đời, mà trong đó, những hoạt động làm trang trại, trồng rau, chăn nuôi, đi rừng, giúp anh trân trọng sức lao động hơn.
“Tôi học được cách phân biệt nấm độc, nấm ăn được, cách tiếp cận tổ ong, trèo cây, tìm kiếm thức ăn trong rừng”, Linh hào hứng.
Nếu như nhiều người bỏ phố về quê với tài chính vững vàng, thì hành trang của Linh chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng, cùng chiếc máy quay phim đời cũ mua trả góp từ lâu. Anh xác định về quê để lao động, cùng ông bà tạo ra những giá trị, chứ không phải hưởng thụ.
Với Linh, bỏ phố về rừng, được nhiều hơn là mất. (Ảnh: NVCC)
Được bạn bè động viên và hỗ trợ, Linh tự đặt máy quay ghi lại cuộc sống dân dã bên bìa rừng, lập kênh Youtube – nơi lưu giữ hình ảnh và kỷ niệm. Anh hi vọng, một ngày nào đó, nếu ông bà không còn nữa, thì nụ cười hiền hậu và khuôn mặt chất phác của ông bà vẫn còn mãi.
Điều anh không ngờ, những đoạn clip bình yên và giản dị ở vùng quê, được khán giả trong và ngoài nước đón nhận nhiệt tình.
Nụ cười ấm áp, chất phác của bà nội Linh. (Ảnh: NVCC)
“Không phải ai cũng có thể bỏ phố về quê!” – nam thanh niên 31 tuổi chia sẻ. Nếu không có kinh nghiệm, không kiên trì và bền bỉ, thì rất nhanh chán nản và quay lại thành phố.
“Nếu không vì ông bà, có lẽ mình cũng buông xuôi lâu rồi”, Linh nói động lực lớn nhất giúp anh bám trụ và chiến thắng suy nghĩ buông bỏ, chính là tình thân gia đình.
Sau hai năm, anh thích nghi và “nghiện” cuộc sống bình dị ở quê nhà. Nếu hai ngày không vào rừng, anh khó chịu và “ngứa ngáy” chân tay.
Anh khuyên rằng, nếu muốn bỏ phố về quê, hãy chuẩn bị tinh thần, nhiệt huyết và đặc biệt là tình yêu: Yêu quê hương, yêu cuộc sống lao động, yêu thương người thân.
“Chúng ta có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để trở về, đó là quê hương. Dù đi tới đâu thì quê hương vẫn là nơi mà ai cũng muốn quay lại. Dù nghèo khó đi chăng nữa nhưng đó là nơi chứa đựng nhiều tình thương, tình cảm của gia đình”, Linh nói.
- Ôm "mộng làm giàu", 2 năm mua 3 mảnh đất, cặp vợ chồng phải bán nhà trả nợ mỗi tháng 38 triệu
- Nghiên cứu từ Mỹ: Mẹ mang nhóm máu O, con sinh ra đã có 3 lợi thế hơn người
- Đổi iPhone 14 vì "tiết kiệm cũng chẳng mua được nhà"
- Ôm tiền về quê săn đất hàng nghìn m2, đại gia ngao ngán bán cả dinh thự
- Thanh niên gọi Grab đẩy xe máy vừa ăn trộm được đi tẩu tán