Tình trạng tắc đường tại Hà Nội ngày càng trở nên trầm trọng, chán nản trước cảnh này, nhiều người quyết định bán nhà ven đô để mua nhà nội thành.
Năm 2016, gia đình chị Nguyễn Thị Nhung (quê Hưng Yên) mua căn hộ chung cư tại An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) với giá 1,8 tỷ đồng. Thời điểm chị Nhung mua căn hộ này, khu vực Đại lộ Thăng Long chưa có nhiều dự án triển khai, tuyến đường vì vậy cũng khá thông thoáng. Mặc dù nhà cách nơi làm việc khoảng 20 km nhưng chị Nhung chỉ di chuyển mất khoảng 30 – 40 phút.
”Thời điểm đó, tôi thấy lựa chọn nhà ven đô rất phù hợp, vì giao thông thuận tiện, đi lại không mất nhiều thời gian. Trong khi đó, nhà ven đô lại có không gian thoáng đãng, ít dân cư, trẻ con có nhiều chỗ chơi”, chị Nhung nói.
Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, con đường Đại lộ Thăng Long đã trở thành nỗi ám ảnh với vợ chồng chị Nhung khi liên tục bị tắc, nhất là vào giờ cao điểm.
”Có những hôm vợ chồng tôi phải đi hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới được cơ quan. Còn bình thường ngày nào cũng mất 1,5 tiếng để đi quãng đường 15 km”, chị Nhung chia sẻ.
Do quá mệt mỏi với tình trạng tắc đường, nên chị Nhung đã quyết định rao bán nhà để mua một căn chung cư hoặc tập thể cũ trong nội đô.
Tương tự, anh Trần Văn Tiến (quê Thanh Hoá) cũng chia sẻ, năm 2017, anh mua nhà tại khu đô thị Thanh Hà (quận Hà Đông, Hà Nội), trong khi cơ quan anh làm lại ở Trần Phú (quận Ba Đình). Lúc mua nhà, do không có điều kiện kinh tế nên anh Tiến chấp nhận mua nhà xa.
Nhưng với việc ngày nào cũng phải di chuyển quá nhiều để đi làm trong nội thành vì tắc đường, vợ chồng anh cảm thấy mệt mỏi. Do chật vật thường xuyên với cảnh tắc đường, lại phải hít khói bụi, cộng thêm tuổi tác ngày một nhiều, sức khỏe của vợ chồng anh Tiến xuống cấp thấy rõ.
Anh Tiến nói: “Có 24 giờ trong ngày, nhưng vợ chồng tôi đã mất 2-3 giờ trên đường chỉ để lái xe và hít khói bụi. Tính ra thời gian này quá lãng phí và gây hại”.
Chưa kể, việc tắc đường khiến công việc của anh Tiến cũng bị ảnh hưởng. Thứ 2 đầu tuần nào anh cũng đi họp muộn. Có những hôm anh đi sớm hơn bình thường 30 phút nhưng vẫn bị muộn.
Vì quá bất tiện, nên anh Tiến đã quyết định rao bán căn nhà với giá giảm 200 triệu đồng để mua căn nhà nằm trong ngõ ở nội thành.
”Dù ở trong nội thành không gian sẽ chật chội, căn nhà diện tích nhỏ cũng sẽ có nhiều hạn chế trong sinh hoạt hơn nhưng ít nhất đó là khu trung tâm, đi lại thuận tiện và nhiều dịch vụ tốt”, anh Tiến giải thích về quyết định của mình.
Theo anh Nguyễn Văn Toản, một môi giới nhà đất lâu năm ở Hà Nội, thực tế lâu nay nhà nội đô luôn có sức hút với khách mua bởi vị trí thuận tiện, hạ tầng và dịch vụ tốt. Tuy nhiên, xu hướng chuyển nhà từ ven đô về nội đô chỉ diễn ra trong bộ phận người dân, chủ yếu là những người đi làm ở khu vực nội thành. Còn những người làm ở khu vực ven đô, họ đương nhiên thích ở nhà ven đô hơn.
”Nhà nội đô nguồn cung rất ít, vì vậy, giá luôn cao. Đa số các hộ gia đình trẻ, sau vài năm ở ngoại thành sẽ chuyển về gần trung tâm ở do các dịch vụ tiện ích tốt, giao thông cũng tốt”, anh Toản nói.
- Bỏ chung cư, về sống vườn 3.000 m2 ngoại thành Hà Nội?
- Chùa Hương tăng giá vé, khách phàn nàn ‘có tiền triệu mới dám đi lễ chùa’
- Huyền Lizzie chia sẻ cuộc sống hiện tại và không hối hận vì hôn nhân tan vỡ
- Hà Nội dồn lực cho loạt dự án trọng điểm, vốn đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng
- Ninh Bình: Chỉ nuôi vịt đẻ, một ngày nhặt 8.000 quả trứng, anh nông dân đổi đời thành triệu phú