Khi chọn nhà, tôi tính đến thì tương lai. Lúc này nhà có thể xấu, nhưng tương lai nó có đẹp không mới là quan trọng.
Nhà báo Thu Hà, một blogger khá nổi tiếng với những bài viết về nuôi dạy trẻ, tác giả của cuốn sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết!” đã kể lại kinh nghiệm chọn nhà đất sau khá nhiều lần chuyển nhà.
Năm 2000, tôi vào TP HCM lập nghiệp, tài sản chỉ là một chiếc xe đạp. Tôi thuê phòng ở ghép. Hồi đó, sự nghiệp để dành tiền của tôi thật khó khăn. Chính quan niệm “Nhà là để ở, không phải để chứng tỏ” của người Sài Gòn đã khích lệ tôi tiết kiệm, mua nhà.
Năm 2003, lúc chuẩn bị lập gia đình, có được 80 triệu, chúng tôi dũng cảm đi tìm nhà. Chúng tôi dự tính sẽ mua căn khoảng 200 triệu, bằng cách vay thêm bạn bè một phần và một phần vay ngân hàng.
Thế là cứ cuối tuần, tôi lại rót một chai nước, đeo lủng lẳng trên xe và đi tìm đất. Có lần gặp một miếng đất vuông vắn đẹp đẽ, giá rẻ, tôi mừng húm. Thế nhưng chính bác cò đất khuyên tôi đừng mua ngay: “Hỏi lại trên phường cho kỹ đi”. Tôi mang bản photo giấy tờ tới gặp cán bộ địa chính. Mấy cán bộ địa chính nhiệt tình dò trên bản đồ quy hoạch. Miếng đất xinh đẹp đó nằm trọn trong lộ giới một con đường sắp mở, giải tỏa trắng chả còn gì! Hú hồn!
Sau 4 tháng tìm kiếm, xem tới vài chục miếng đất, từ quận Thủ Đức qua quận 2, tôi cũng kiếm được một miếng rộng 83m2 ở quận 2, giá 283 triệu. Miếng đất không ngập nước, đường đang đổ sỏi, xa trung tâm, cách chỗ làm của tôi 16km.
Tôi vay bạn bè nhiều nguồn, danh sách nợ dài ngoằng, người 5, người 3, người 2 triệu. Phần tôi bắt đầu tiết kiệm, nấu cơm ở nhà, cắt bớt quán xá. Nguyên vật liệu thì mua trước, trả tiền sau. Quá trình làm giấy tờ mua bán khá lâu, từ lúc tôi đặt cọc 10% cho tới khi ra sổ đỏ mang tên tôi mất sáu tháng, nhưng nhờ thế mà tôi càng có thời gian lo tiền. Tôi mạnh dạn xây nhà hết 140 triệu vào năm 2004.
Các dịch vụ trong TP HCM rất tốt. Thấy tôi rục rịch làm nhà, người ta đã tới tiếp thị đủ thứ, nào nguyên vật liệu, đồ gia dụng, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, tới rèm cửa, tủ giường, bàn ghế… tất cả đều có thể mua trước trả sau. Thế nên nhà tôi chỉ vài ngày là đầy đủ đồ, còn danh sách chủ nợ của tôi thì tăng lên.
Cũng từ đó, cứ tối tôi đi làm về là thường xuyên có người tìm tới hỏi thăm: “Có tiền chưa?”. Tôi có bao nhiêu trả bấy nhiêu, thiếu lại khất tiếp. Có món nợ treo trên đầu, nên tôi làm việc nhiều hơn, tiêu xài ít hơn, danh sách nợ cứ gạch dần gạch dần, mỗi tháng gạch được một, hai cái tên, thấy mừng rơn trong lòng.
Căn nhà đầu tiên là thế!
Những lần sau tôi chuyển nhà (cả thuê và mua) đều do việc học của con, từ quận 3, rồi sang Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Chánh. Hồi đầu, tôi mua nhà đất để không bị mất giá. Sau này, thích gió và không khí sạch, sợ trộm, chuột, muỗi, nên tôi toàn chọn ở căn hộ chung cư.
Kinh nghiệm của tôi khi mua nhà là đừng ham những món hời quá hậu hĩnh và dễ dàng. Và đừng ngại hỏi. Thông tin là tiền bạc, cứ nhào vào mà hỏi! Nên hỏi những người giàu hơn mình, giỏi hơn mình. Rồi lắng nghe, quan sát những người hàng xóm nữa. Đôi khi cả khu nhà có thể mất giá hay lên giá do dân trí hàng xóm thôi đó.
Và đừng ngại đi lại nhiều lần, sáng, trưa, chiều tối, lúc mưa, lúc nắng coi có kẹt xe không, có ngập nước không, nắng chiếu vào nhà thế nào…
Đừng vội mua ngay! Mua chậm có thể bị lỡ nhưng mua nhầm là chết. Nhớ có lần tôi mê một căn hộ 137m2 ở quận 3. Tôi đi lại tới cả chục lần, cứ cố trả giá xuống cho vừa với số tiền của mình. Sau 3 tháng, chủ nhà tự nhiên nâng giá. Đêm đó tôi tiếc mất ngủ. Nhưng giờ nghĩ lại, thấy thật may mắn, nếu cố vay tiền mua căn đó, tôi không biết có gồng nổi mình không.
Khi chọn nhà, tôi tính đến thì tương lai. Lúc này nhà có thể xấu, nhưng tương lai nó có đẹp không mới là quan trọng. Ví dụ căn tôi mua trong hẻm ở Phú Nhuận có nguyên một cái kho đồ cũ bên hông nhà. Mua xong, tôi đập bỏ hết, mở một cái cửa sổ rộng, trồng một hàng trúc xanh ngắt và treo rất nhiều giỏ hoa. Hẻm nhỏ, tôi xây nhà lùi vào 70cm. Mấy người bảo dại thế, đất nhà mình, lùi vào là thiệt. Nhưng không, sau khi lùi vào thì cái hẻm đẹp lên mấy phần, và dĩ nhiên căn nhà của tôi cũng có giá hơn, sau này tôi bán dư ra được mấy trăm triệu.
Tôi làm nghề biên tập viên, 17 năm “cầm kéo” cắt bài, nên tôi biết rất nhiều thứ trong cuộc đời này, khi mình cắt bớt đi thì mình lại được thêm lên.
Ví dụ, căn hộ ở Gò Vấp rất chật chội, bà chủ tiếc đồ cũ, ai cho gì cũng lấy, trong nhà có tới hai bộ sofa, hai cái bàn phấn. Tôi mua xong, phá một số bức tường, bỏ hết những đồ ít dùng tới. Tôi tính, mỗi mét khối không khí mua cũng giá mấy chục triệu, cớ sao lại tiếc một món đồ vài trăm ngàn để choán chỗ? Căn hộ sửa xong ai cũng ngạc nhiên, không hiểu tại sao nó trở nên rộng thế.
Nhiều bạn trẻ kêu “không biết bao giờ mới mua được nhà!”. Tôi nghĩ nếu thực sự muốn thì vẫn có thể được.
- Sự thật phía sau sở thích HÔN V.ÙNG K.ÍN phụ nữ của đàn ông, đọc mà rùng mình
- Bố mẹ sẵn sàng "ép" trẻ làm 3 điều này, con cái lớn lên tự lập, trưởng thành
- Nghịch lý: Chung cư vùng ven…đắt hơn khu trung tâm thành phố
- Làm sao để nói cho chồng biết : chồng kém khoản ấy
- Đại học Bách khoa lý giải sao việc hai thủ khoa cùng trượt ngành “hot”?