Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
113 lượt xem

"Bí quyết" tiêu tiền của cặp vợ chồng 7 tháng mua 2 mảnh đất

Mua miếng đất có giá trị thực tế lớn hơn giá trị giao dịch nên vợ chồng chị Thùy dễ dàng vay ngân hàng số tiền lớn.

Sau bài “Liều vay ngân hàng, vợ chồng tôi có 2 mảnh đất trong 7 tháng”, chị Thùy (ở Bình Dương) nhận được nhiều ý kiến phản hồi, nghi ngờ tại sao chị lại được vay nhiều đến vậy. Chị Thùy đã chia sẻ rõ hơn về quá trình mua 2 mảnh đất này.

Vợ chồng tôi cưới nhau cuối năm 2015, tôi làm việc ở Bình Dương còn chồng làm ở TP HCM, hàng ngày vẫn đi về. Chúng tôi đã mua 2 miếng đất ở Bình Dương:

– Miếng đầu tiên 150m2 mua với giá 280 triệu vào tháng 11/2015, vay ngân hàng 280 triệu. Tôi vay được số tiền lớn như vậy là vì mảnh đất tái định cư này thực tế được định giá theo khung đất của tỉnh là 420 triệu, ngân hàng định giá 360 triệu. Khi cán bộ tín dụng thẩm định giá đất và kiểm tra tài khoản của vợ chồng tôi để xem xét khả năng trả, họ đã đồng ý cho vay mức tiền trên.

– Miếng đất thứ hai 152 m2 trị giá 730 triệu, mua tháng 7/2016. Chúng tôi đã vay ngân hàng 660 triệu. Để được vay nhiều như vậy, tôi đã phải thế chấp mảnh đất cũ và xin vay thời hạn 15 năm ở cùng ngân hàng ban đầu. Ngoài ra, lịch sử trả nợ của tôi rất tốt, sao kê tiền lương và chi tiêu đều ổn định.

Để có thể trả nợ nhanh chóng, tôi nghĩ, cách tính toán chi tiêu trong gia đình là rất quan trọng.

– Thứ nhất, tôi luôn tính các khoản thu ở mức tối thiểu: lương của tôi là 4,5 – 4,8 triệu tùy tháng. Lương của chồng tôi là 14 – 14,3 triệu/tháng, tùy tháng. Thu nhập từ nhà trọ trên mảnh đất thứ hai gồm 8 phòng, mỗi phòng 700.000, cộng điện nước dôi dư, có tháng lên đến 5,8 triệu, nhưng có lúc trống phòng. Vì thế, tối thiểu khoản thu cố định là 4,5 + 14 + 5 = 23,5 triệu. Ngoài ra, tôi còn có khoản thu không cố định 2-3 triệu/tháng.

– Thứ hai, đối với khoản chi, tôi luôn tính mức tối đa: Số tiền thu được từ phòng trọ gần đủ để trả lãi cả hai khoản vay mua đất, nhưng tôi luôn dự tính mình phải bù vào đây 1,5 triệu. Ngoài ra, tiền trả gốc cố định 9 – 10 triệu/tháng.

Biếu cha mẹ hai bên 2 triệu/tháng, tháng nào không chi thì tháng sau tôi sẽ chi bù. Mỗi năm, tính cả lễ Tết, giỗ chạp, chúng tôi sẽ chi khoảng 30 triệu nhưng Tết thì chúng tôi có thêm khoản thưởng Tết.

– Tôi luôn cố gắng tăng thu trong mọi khả năng có thể. Quan điểm của vợ chồng tôi, bất cứ việc gì có tiền và không phạm tội thì chúng tôi sẽ làm. Khoản thu được không cố định sẽ dùng mua đồ dùng trong nhà hoặc trả nợ vay, tùy số tiền nhỏ hay lớn. Khoản thu này còn để giao lưu với bạn bè.

– Ngoài ra, khi lựa chọn các dịch vụ, chúng tôi luôn chọn loại dịch vụ mà trong quá trình sử dụng không bị phát sinh tiền ngoài dự kiến, ví dụ khi làm đám cưới, chúng tôi chọn dịch vụ trọn gói.

Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng tôi đồng lòng chia sẻ công việc, tiết kiệm, tận dụng tối đa.

1. Cả hai vợ chồng đều làm việc nhà, không cần phân công mà ai rảnh thì làm. Không có cảnh vợ nấu ăn, rửa chén mà chồng lướt mạng hay xem ti vi.

2. Tận dụng rác hữu cơ để trồng rau tại nhà.

3. Sử dụng mảnh đất 150m2 (mua đầu tiên) để tăng gia sản xuất. Rào 60m2 để nuôi hơn 20 con gà mái đẻ. Ngoài có trứng ăn, chúng tôi còn dư trứng gà để bán. Số tiền bán trứng đủ để mua thóc nuôi lại gà. Diện tích đất còn lại, chúng tôi trồng gần 20 loại rau.

4. Cuối tuần, chúng tôi không đi chơi xa, chỉ đi uống cà phê rồi đi lấy mùn cưa, tro than ở gần nhà để trộn đất, trồng rau. Trên đường đi làm về, tôi xin rau bỏ đi ở cửa hàng rau về cho gà ăn, chồng tôi cũng sẵn sàng lấy cỏ về bằm nhỏ cho gà.

5. Mỗi khi về quê, tôi đều mua tôm, tép, cá sông, tự chế biến ngay tại quê rồi mang lên thành phố cất vào tủ đông ăn dần. Vợ chồng tôi ăn sáng và tối tại nhà. Mỗi bữa ăn của hai vợ chồng hết khoảng 50.000, rau không phải mua.

6. Quần áo vợ chồng tôi không chọn loại rẻ tiền mà chọn hàng hiệu trong nước vì dễ sử dụng cũng như phối đồ. Một cái có thể mặc đi họp, đi ăn tiệc, đi chơi đều được nên rất tiết kiệm.

7. Chúng tôi kết hôn muộn, khi còn độc thân đã mua đồ dùng nên khi về ở chung, chúng tôi không cần mua sắm gì thêm, đã có đủ máy giặt, lò vi sóng, bếp ga đôi, nồi áp suất…

Chúng tôi đang nuôi ước mơ có thể “nghỉ hưu sớm” như cách của người nước ngoài khi tôi 45 tuổi và anh 50 tuổi. Tức là từ lúc đó, chúng tôi sẽ không phải làm việc vì mưu sinh nữa mà chỉ làm vì sở thích của mình.

Điều may mắn và tốt nhất mà chúng tôi đang có chính là vợ chồng cùng suy nghĩ, cùng chí hướng, cùng ý thức chi tiêu như nhau.

Bài viết cùng chủ đề: