Ngôi nhà đá vôi nặng khoảng 300 tấn thuộc sở hữu của ông Lương Hồng Văn xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Ngôi nhà này xây dựng từ đá vôi nguyên khối, được thiết kế độc đáo bởi không gian rộng 100 m2, cao khoảng 4 mét…công trình có “một không hai” ở tỉnh Ninh Bình, thậm chí cả nước.
Ngôi nhà đá vôi có “một không hai” ở Ninh Bình
Ngôi nhà đá vôi nặng khoảng 300 tấn.
Ngôi nhà đá vôi của gia đình ông Lương Hồng Văn (50 tuổi, thôn Đồng Quan, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) được xây dựng gần 10 năm nay. Ngôi nhà thiết kế 3 gian, 2 chái toàn bằng đá vôi, các khối đá kết dính với nhau bằng bột xi măng.
Ông Lương Hồng Văn chia sẻ: “Tôi đã 21 năm làm nghề chế tác đá mỹ nghệ, từ người làm thuê bôn ba khắp các tỉnh thành để tìm mua đá về bán và chế tác…Cuối cùng, sau nhiều năm “lăn lộn”, tôi đã mở xưởng đá và làm ông chủ”.
“Ngôi nhà đá của tôi giờ chỉ còn lợp ngói là hoàn thiện, giá trị toàn ngôi nhà ước khoảng 3 tỉ đồng”, ông Lương Hồng Văn cho biết thêm.
Ngôi nhà đá vôi trị giá tiền tỉ của ông Văn.
Được biết, ngôi nhà đá của gia đình ông Văn là ngôi nhà đá có diện tích lớn nhất ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Từ móng nhà đến 24 cột, tường bao quanh, kèo,…đều làm bằng đá nguyên khối. Đá để làm nhà được nhập từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình…
Nhờ có đôi bàn tay khéo léo của những người thợ đá xã Ninh Vân đã tạo nên ngôi nhà “độc nhất vô nhị” ở tỉnh Ninh Bình này.
Dấu ấn để lại cho muôn đời sau
Nói về kỹ thuật làm nhà đá, ông Lương Hồng Văn cho biết: “Làm nhà đá lưu ý trọng lực đá đè xuống rất nặng, không cẩn trọng là đổ sập bất cứ lúc nào, nên khâu đầu tiên là phải kiên cố phần móng thật đảm bảo”.
“Phải chọn vị trí đất “lành”, không bị lún, khi lắp ghép các khối đá với nhau có một đầu khóa (mộng) để đảm bảo các cột, kèo không di chuyển. Và dùng bột xi măng (xì dầu), thêm chút bột vôi để kết dính các khối đá lại với nhau là tốt nhất”, ông Lương Hồng Văn chia sẻ.
Cũng theo ông Văn, ưu điểm của nhà đá là trường tồn cùng thời gian, nhà càng để lâu thì càng có giá trị bởi sự rêu phong “nhuộm màu thời gian”, ngôi nhà đá càng cổ kính hơn. Đặc biệt, nhà đá luôn tạo nên sự mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông…
Ngôi nhà đá vôi của gia đình ông Văn được thiết kế về hướng Tây, các hoa văn như: Vì, kèo,…được chạm khắc tỉ mỉ.
Ngôi nhà đá vôi này có 24 cột, đây là bộ phận để gối đỡ các đầu dầm chịu lực, cũng là bộ phận nhận tải trọng từ các bộ phận ở phía trên, qua cột sẽ truyền lực nén thẳng đứng xuống móng, tạo nên kết cấu chịu lực chắc chắn và đứng đắn cho toàn bộ ngôi nhà.
Ngoài ngôi nhà đá vôi nặng khoảng 300 tấn, cổng vào của ngôi nhà cũng được được ông Văn làm bằng đá nguyên khối và được chạm trổ hoa văn vô cùng bắt mắt.
Có thể nói, ngôi nhà đá vôi hộ gia đình ông Lương Hồng Văn là công trình “đặc biệt” ở tỉnh Ninh Bình. Đây cũng là ý tưởng suốt nhiều năm ông Văn làm nghề đá muốn để lại cho đời sau. Ông Văn nói, tương lai ông còn muốn làm những công trình mang dấu ấn về nghề và để đời cho thế hệ sau.
- Bố mẹ hiện đại nên nắm vững 5 quy tắc này, để trẻ tự tin thành người xuất sắc
- Quả chanh pha nước uống xưa rồi, để đông lạnh trong ngăn đá mang nhiều lợi ích bất ngờ hơn
- 5 hành vi xấu của con cái không thể bỏ qua, dù là việc nhỏ cha mẹ cũng nên sửa chữa kịp thời
- 10 bí quyết khiến phụ nữ đẹp đến say đắm mà không cần dùng tới hàng hiệu
- Ứng xử thế nào khi hàng xóm đòi kiện vì "xây nhà ám phong thủy"