Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
140 lượt xem

Tỷ phú nuôi bò, vắt sữa làm sữa chua thu hơn 2 tỷ/năm được bình chọn danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022

Từ cái khó ló cái khôn, thấy sữa bò bị đơn vị thu mua ép giá, kén mua nên ông Nguyễn Văn Nhiệm tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã lấy sữa bò của gia đình ủ thành sữa chua. Hiện nay thương hiệu sữa chua Ông Nhiệm do lão nông này sản xuất đang “làm mưa làm gió” trên thị trường.

Nuôi bò tự ủ sữa chua, nông dân thành tỷ phú

Những năm gần đây, người dân Bà Rịa – Vũng Tàu và nhiều địa phương khác đang chuyển hướng sang sử dụng sữa thanh trùng, sữa chua Ông Nhiệm của lão nông Nguyễn Văn Nhiệm (xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Trang trại bò sữa của ông Nguyễn Văn Nhiệm hiện nay có 30 con bò sữa. 

Thương hiệu sữa thanh trùng, sữa chua Ông Nhiệm do lão nông Nguyễn Văn Nhiệm tự tìm tòi, nghiên cứu và dùng chính sữa bò của gia đình tự nuôi để sản xuất.

Cũng nhờ vào mô hình sản xuất kinh doanh khép kín này mà gia đình ông Nhiệm từ một hộ có hoàn cảnh kinh tế bình thường đến nay đã khấm khá với thu nhập trên vài tỷ đồng mỗi năm.

Trước tiếng lành về ông Nhiệm, một ngày cuối tháng 9, phóng viên Báo Dân Việt đã tìm về trang trại bò sữa của ông đóng ở thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha để được tận mắt chiêm ngưỡng quy trình nuôi bò và sản xuất sữa chua.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nhiệm cho biết năm 1990 ông rời quê Hải Dương vào Bà Rịa – Vũng Tàu lập nghiệp. Tới vùng đất mới, ông Nhiệm xin vào làm ở xí nghiệp vật liệu xây dựng còn gia đình lúc này tham gia canh tác rau, hoa.

Sau đó tích góp được chút vốn, ông liền chuyển sang chạy xe chở hàng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mặc dù cả nhà ai cũng chịu thương chịu khó, chăm làm nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, không mấy dư giả.

Ông Nhiệm tự trồng cỏ để nuôi bò sữa.

Cũng trong thời gian này, khi lái xe đưa hàng đến nhiều nơi cũng như theo dõi trên truyền hình, ông Nhiệm phát hiện thị trường nội địa thiếu sữa bò trầm trọng, đa số doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu lượng lớn sữa về để phục vụ sản xuất. Ngoài ra chung thời điểm thì Phòng NNPTNT huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) đang vận động bà con nông dân tham gia mô hình nuôi bò sữa.

Nhận thấy cơ hội trước mắt nên vào năm 2003 ông Nhiệm đã quyết định chí lớn để nuôi 5 con bò sữa. Ban đầu khi mới nuôi bò sữa, việc bán sữa diễn ra thuận lợi, có bao nhiêu sữa đều được công ty thu mua với giá cao.

Những năm về sau giá sữa ngày càng thấp, công ty thu mua ép giá khiến bà con bức xúc nhưng vẫn phải chấp nhận bán rẻ vì nếu giữ lại chỉ có thể đổ đi. Theo ông Nhiệm, có những thời điểm 1 con bò sữa cho khoảng 20-30kg sữa/ngày nên lượng sữa của các hộ nuôi bò là rất lớn, nếu đầu ra không ổn định thì bà con nông dân sẽ chịu thua thiệt rất nhiều.

“Mấy năm đầu nuôi bò sữa bà con ở đây ai cũng vui vì giá sữa ổn định. Tuy nhiên khoảng từ năm 2016 giá sữa thấp dần, công ty thu mua lẻ tẻ nên ai cũng chán, nhiều người muốn bán hết bò, chuyển hướng sang làm ngành nghề khác. Riêng bản thân tôi nghĩ nghề nào cũng khó và muốn gắn bó lâu dài với bò sữa nên bắt đầu tìm tòi nghiên cứu để tìm cách tiêu thụ sữa”, ông Nhiệm nói.

Sau khi tìm hiểu trên mạng, ông Nhiệm khăn gói lên đường đến các vùng chăn nuôi bò sữa lớn như Cần Thơ, Củ Chi, Sơn La,… để học hỏi thêm kinh nghiệm làm ra các sản phẩm từ sữa bò. Năm 2017 khi đã có “một bụng kinh nghiệm” ông Nhiệm trở về, chi trên 2 tỷ đồng đầu tư máy nấu, máy ủ, máy làm lạnh, kho chứa, bồn chứa… để thử nghiệm làm sữa chua và sữa thanh trùng.

“Ban đầu mới làm cũng thất bại nhiều lắm, đa phần phải mang đổ đi, hư hỏng không ăn được. Nhưng sau đó làm nhiều thành quen, cứ đúc rút được thêm kinh nghiệm, sửa chữa được thất bại rồi cuối cùng tôi đã có công thức chuẩn để tạo ra các sản phẩm sữa chua dẻo, sữa chua nếp cẩm, sữa chua trân châu và sữa bò thanh trùng được bà con đón nhận. Mới đầu tôi đi quảng cáo nhiều nơi lắm, cho họ ăn thử miễn phí, thấy ai cũng khen khi đó mới mang nhập cho các tiệm tạp hóa, các cửa hàng”, ông Nhiệm kể lại.

Cũng theo ông Nhiệm, sản phẩm sữa làm ra mang thương hiệu “Sữa chua Ông Nhiệm – sữa bò Ông Nhiệm” và các sản phẩm này được bà con đón nhận tích cực. Từ đó ông càng tâm niệm phải làm thật tốt để bà con luôn tin dùng sản phẩm của mình. Giờ đây mỗi ngày ông Nhiệm cung cấp ra thị trường từ khoảng 300 – 400kg sữa chua. Sau nhiều năm hiện đã có 6 cửa hàng sữa trong đó gia đình ông quản lý 1 cửa hàng, số còn lại là nhượng quyền.

Ông Nhiệm chia sẻ: “Đỉnh điểm nhất là năm 2018 – 2019 lúc này số bò sữa trong trang trại của tôi lên đến 60 con, lượng sữa vắt được mỗi ngày rất nhiều. Tuy nhiên sau đó việc làm sữa chua cũng ổn định dần nên số bò trên được bán bớt. Hiện tại trong trang trại của tôi còn 30 con bò sữa nên khi làm sữa chua tôi đã nhập thêm sữa của bà con trong vùng, giúp họ có đầu ra ổn định nên cũng vui”.

Để bò luôn cho sữa chất lượng, ông Nhiệm áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và sản xuất hàng hóa bền vững, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, không ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm với người tiêu dùng. Đến nay, trang trại chăn nuôi và sản xuất của gia đình ông Nhiệm đã được chứng nhận sản phẩm VietGAP.

“Nuôi bò sữa khó hơn nuôi bò vàng vì phải hiểu được đặc tính của bò, nhu cầu ăn uống của bò thì mới cho ra lượng sữa tốt, đủ hàm lượng dinh dưỡng. Khi nuôi bò sữa, gia đình ông Nhiệm chỉ cho bò ăn cám, cỏ, bắp để sữa nhiều, sữa tốt và tạo ra sản phẩm sữa sạch. Trung bình mỗi con bò sẽ hết cho sữa, phải thải sau khi nuôi từ 5 – 7 năm nhưng có nhiều con bò chỉ cho sữa được khoảng 1 – 2 lứa là khoảng 2 – 3 năm là thải”, ông Nhiệm chia sẻ.

Giúp bà con nông dân nuôi bò cùng phát triển kinh tế

Khi nói về quy trình vắt sữa, ông Nhiệm nói rằng để có lượng sữa đạt cả về chất lượng và số lượng, gia đình ông và nhân công phải vắt sữa bò ngày hai lần vào buổi sáng và buổi chiều. Trước khi vắt, máy vắt và bầu sữa của bò được vệ sinh sạch sẽ. Sữa sau khi thu, được thanh trùng ngay ở nhiệt độ 75-80 độ sau đó đem đóng chai hoặc chế biến thành các sản phẩm sữa chua.

Được biết đến nay một tháng cơ sở sản xuất sữa chua, sữa thanh trùng của gia đình ông Nhiệm sản xuất ra 10 tấn sản phẩm. Tất cả đều đạt chứng nhận VietGAP. Các sản phẩm sữa chua, sữa thanh trùng Ông Nhiệm được thị trường từ miền Nam ra miền Bắc ưa chuộng và cả ngàn cửa hàng trên toàn quốc đã nhập các loại sữa của ông.

Với cách làm này mỗi năm cho gia đình ông có thu nhập trên vài tỷ đồng và giải quyết việc làm cho khoảng 10 công nhân là thanh niên tại địa phương (nuôi bò, làm sữa chua) và rất nhiều người khác tham gia chở hàng, bán sữa chua,…

Trong năm 2020 ông được Thủ Tướng Chính phủ tặng bằng khen Nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, sản xuất kinh doanh góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.

Ngoài ra ông còn vinh dự là một trong 4 nông dân của tiêu biểu xuất sắc trong phong trào giai đoạn 2017-2022 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được nhận Huân chương lao động hạng Ba.

Đặc biệt sản phẩm “Sữa chua dẻo” và “Sữa chua trân châu giòn” của ông được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2020.

Ông Nhiệm còn trở thành một trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước được Hội đồng Bình chọn Chung khảo Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”.

Bài viết cùng chủ đề: