Nhắc đến chuyện mua bán nhà cửa đất đai, ai cũng nghĩ người mua mới dễ bị hớ, chứ người bán thì không. Hiếm có trường hợp nào người bán bị thiệt thòi, mất trắng lắm.
Vậy đó mà ở đời vẫn có thể xảy ra những chuyện trớ trêu, như câu chuyện em sắp kể dưới đây nè. Bà con xem để có bài học cảnh giác cho mình. Ai lần đầu tiên giao dịch mua bán đất đai thì càng phải cẩn trọng nhiều hơn.
Qua lời kể lại của anh N.V.M. sống tại Lâm Đồng, chuyện là gia đình anh sở hữu một mảnh đất rộng 2.900m2, trong đó có khoảng 400m2 đất thổ cư, còn lại là đất nông nghiệp. Do có lợi thế từ thiên nhiên nên mảnh đất của anh rất phù hợp để xây dựng homestay là xu hướng du lịch của giới trẻ hiện nay. Do để lâu mà không có nhu cầu dùng tới nên khoảng đầu tháng 7 vừa qua, anh rao bán mảnh đất này với giá 3 tỷ đồng.
Rao bán được vài ngày thì có 2 người đến hỏi mua, như thường lệ, anh dẫn họ đến xem mảnh đất và sổ đỏ, rồi họ đề nghị chụp ảnh sổ đỏ để về nhà xem. Mấy ngày sau, họ quay lại thương lượng và anh chốt bán mảnh đất này với giá 2,9 tỷ đồng. Khi đó, họ yêu cầu làm hợp đồng đặt cọc 500 triệu đồng, có công chứng và hẹn 2 tuần nữa sẽ tới thanh toán phần còn lại.
Vì là lần đầu bán đất, cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, anh M. cứ nghĩ bên mua có thiện chí nên mới đặt cọc nhiều. Nhưng kể từ lúc đó, vấn đề bắt đầu xảy ra, đúng ngày hẹn giao dịch nốt phần còn lại thì họ dẫn thêm người tới đo đạc lại diện tích mảnh đất. Bất ngờ là diện tích thực tế chỉ khoảng 2.500m2.
Anh M.nói anh thấy trên sổ đỏ ghi bao nhiêu thì rao bán như thế, vả lại, anh cũng chủ quan không đo lại trước khi rao bán. Thế rồi, người mua này yêu cầu anh bồi thường tiền đặt cọc, lúc này anh mới té ngửa vì phát hiện trong hợp đồng mua bán có cam kết nếu diện tích không đủ sẽ phải bồi thường cho người mua bằng số tiền họ đã đặt cọc. Do đó, anh M. phải bồi thường cho họ 500 triệu đồng, nhưng sau khi thương thảo thì họ đồng ý nhận bồi thường mức 300 triệu đồng và ký hủy hợp đồng với anh M. Nếu không bồi thường thì mảnh đất này thuộc đất tranh chấp và anh M. sẽ không bán được cho ai nữa, vì khi ký hợp đồng mua bán đã có công chứng hết rồi.
Nghe vậy lo sợ nên anh đồng ý. Những ngày tiếp theo anh M. được hàng xóm kể, trước ngày họ đặt cọc đã thấy một nhóm người tới mảnh đất của anh để đo đạc diện tích, lúc này, anh mới biết mình đã bị gài bẫy, nhưng không thể kiện tụng hay làm gì được họ.
Theo lời của anh Nguyễn Mạnh là môi giới bất động sản ở Lâm Đồng kể, thực tế chỉ bằng chiêu thức đơn giản này đã có rất nhiều chủ đất phải ngậm ngùi đền cọc cho người mua, tương tự anh M. Có rất nhiều trường hợp người bán phải đền cọc vì diện tích thực tế thiếu so với diện tích trên sổ, nhất là ở vùng nông thôn, thông thường việc sử dụng đất có thể bị chênh lệch do đất bị lấn chiếm hoặc vì lý do khác dẫn đến mất đất mà người bán không phát hiện ra. Thêm nữa, người chưa từng giao dịch mua bán bất động sản bao giờ rất dễ gặp tình huống bị gài bẫy thế này do chưa am hiểu và có kinh nghiệm.
Vậy nên, bà con xem vụ việc nêu trên để cảnh giác cho mình nếu có nhu cầu bán nhà cửa, đất đai. Trong thời gian qua đã có một số trường hợp người bán thiệt thòi, thậm chí phải ròng rã nhiều năm lên xuống Tòa án để đòi lại công lý, rất vất vả. Cho nên, bà con cần chú ý một số điều sau đây:
– Xem kỹ hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán khi giao kết mua bán bất động sản là nhà cửa, đất đai. Đặc biệt ở phần nội dung quyền, nghĩa vụ của 2 bên. Nếu chưa có kinh nghiệm, bà con nên hỏi thêm người đi trước để tham vấn ý kiến.
– Vì mua bán nhà cửa, đất đai có giá trị lớn, do vậy mọi thứ cần cẩn trọng, chậm rãi. Đừng vì thấy người mua đưa ra món hời cao hơn mà vội chấp nhận. Đó có thể là cái bẫy bà con có thể bị sập bất cứ lúc nào.
– Nên kiểm tra lại hiện trạng nhà cửa, đất đai trước khi bán. Xem có trùng khớp với các nội dung thông tin trên sổ đỏ hay không, để tránh gặp tình huống như anh M. nêu trên. Hiện nay, việc đo đạc đất đai để thực hiện các thủ tục sang tên, công chứng cũng cần được thực hiện bởi người có thẩm quyền.