Những ngày tháng mười, ngồi trong văn phòng nhìn xuống phố xá, tôi lại nhớ đến Hận – người bạn thời thơ ấu ở quê. Nhà nó ở giữa ruộng mênh mông như cái ốc đảo. Mùa lúa chín, xung quanh chỉ thấy một màu vàng rực rỡ, xa xa bốn bề là dải xanh xanh những hàng cây bạch đàn.
Thuở ấy, nhà nó ở xóm Gò, nhà tôi thì xóm Giữa, dọc theo một nhánh sông Tiền xa xôi địa phận tỉnh Tiền Giang. Ngày chỉ một buổi học, tôi hay đạp xe vào nhà nó chơi vào buổi còn lại trong ngày. Trong số những người bạn thuở nhỏ, tôi thân với nó nhất. Tình bạn của chúng tôi cũng yên bình như biết bao đứa trẻ ở làng…
Thập niên 90, quê tôi còn hoang sơ lắm. Mỗi sáng đi học, tôi đều chờ đợi bên bờ sông cho đến khi thấy bóng dáng nhỏ bé của Hận chạy như bay giữa cánh đồng lúa mênh mông. Chúng tôi chia nhau khúc bánh tét, cái bánh chuối, củ khoai… Tôi cho nó bơm mực ké, cho nó chép bài. Nó hay trả công cho tôi bằng cách chìa cho tôi mấy trái me keo hái được ở một cái gò nào đó.
Một lần được người ta cho một chiếc bánh ngon, tôi vội vã đạp xe đến tìm nó. Khi gần tới nhà nó, tôi không may té lọt thỏm xuống cánh đồng làm một khoảnh lúa ngã nát bươm. Sợ người ta mắng, tôi lồm cồm leo lên bờ đê. Cái niềng xe xiêu vẹo. Thằng Hận ở phía sau vội vã đẩy xe cho tôi cứ sợ người ta bắt được. Hai đứa chạy ngả nghiêng giữa bóng chiều vàng rực. Chiếc bánh lấm lem bẹp dí đất bùn. Hai đứa tôi không nỡ bỏ đi mà ngồi bóc sạch lớp bùn, chia nhau. Chúng tôi làm diều làm bằng trang vở ô ly với nan chổi, lén lấy cuộn chỉ của mẹ làm dây diều. Vậy mà diều bay rất cao…
Nhà Hận nghèo nhất xóm. Cha nó bỏ đi theo người đàn bà khác từ khi nó chưa sinh ra và không bao giờ trở về. Mẹ của nó ôm nỗi hận dài nên ban cái tên lạ lùng cho nó là Trường Hận. Ngày nào người bà ấy cũng uống rượu say rồi lại liêu xiêu về nhà lôi thằng Hận ra đánh. Khi tỉnh rượu lại xoa dịu nó như chẳng có chuyện gì. Nhiều lần nhìn những vết bầm tím, tôi hỏi nó có đau không? Thằng Hận chỉ cười, cái đầu lúc nào cũng trụi tóc của nó lắc lắc ra vẻ không có chuyện gì dù trên tay nó vẫn còn hằn đó những vết roi…
Thằng Hận gầy nhom, đen thủi. Có lần tôi bắt gặp nó ngồi trong vườn thanh long của người ta, quần áo tả tơi xơ xác. Nó ít khi nào được no, cũng chẳng bao giờ có quần áo mới. Nó đang ăn những trái thanh long cuối mùa bị chim ăn. Tôi thương nó. Những ngày sau ấy, tôi thường lặng lẽ gói cho nó một nắm cơm trong lá chuối và ít cá khô rang. Nó cầm lấy nắm cơm, chẳng bao giờ từ chối. Nó ăn ngấu nghiến. Tôi nhìn theo bóng dáng của nó xa mãi trên đê.
Những kỷ niệm vui về chúng tôi có nhiều lắm nhưng đáng nhớ nhất chuyện đi bắt cua. Thuở ấy mùa mưa cua trên đồng nhiều lắm. Sau một đêm mưa lớn, cua không biết ở đâu bò ra trên rạ rơm thênh thang xâm xấp nước. Tôi với nó rủ nhau đi bắt cua. Chúng tôi làm cái que sắt cuộn tròn ở đầu, đẩy sâu vào hang. Từng con cua ngoe nguẩy nhanh chóng bám vào cái que sắt, cứ thế lôi ra.
Buổi sáng trời mù mưa lạnh buốt, hai chúng tôi bắt được một xô cua đầy. Thằng Hận không khéo bị một con cua đực kẹp vào ngón tay út. Tay nó chảy máu ròng ròng nhưng nói thế nào nó cũng cười bảo không đau. Nó chỉ hái lá cỏ hôi nhai đắp vào vết thương. Chúng tôi đem xô cua đứng bên đường tỉnh lộ. Gió thốc vào người hai đứa đang ướt sũng. Thằng Hận ngồi run rẩy trong manh áo ướt đã rách lỗ chỗ từ lâu, môi nó tím tái nhưng vẫn nhe răng cười. Chẳng mấy chốc, hai đứa đã bán hết được xô cua nhưng cũng chẳng được bao nhiêu tiền. Ngày ấy cua rẻ lắm!
Có tiền, ngày nào hai đứa cũng ngóng ông thợ chụp ảnh vẫn thường đi ngang qua xóm. Chúng tôi muốn có với nhau vài tấm hình để làm kỷ niệm. Đợi mãi mới thấy ông ấy xuất hiện. Hai đứa tôi cười toe toét, tạo dáng đủ kiểu nhưng không ngờ cuối cùng lại chẳng có tấm hình nào. Ông thợ chụp ảnh một đi không trở lại. Một thời gian sau khi gặp lại ông ấy, ông ấy mới thú thật là trong máy ảnh không có film, vì túng mới phải làm liều. Vì thế chúng tôi chẳng có lấy một bức ảnh nào của những ngày vui năm cũ.
Năm sau, thằng Hận cũng nghỉ học. Nó còn nhỏ đã phải đi làm thuê làm mướn. Mùa gặt, tôi đi học về ngang. Nó cầm bó lúa đang cắt dở, người nó nhễ nhại mồ hôi đứng ở giữa đồng xa tít gọi tên tôi. Tôi cười với nó. Nó chạy băng băng đến dúi vào tay tôi mấy con dế mèn nó vừa bắt được. Tôi cầm lấy mấy con dế rồi nhìn nó chạy đi. Nó gầy và đen thui thủi. Bàn tay nhỏ bé của nó cứ cầm lấy những bó lúa gặt thoăn thoắt trên đồng…
Trong một lần chơi đá bóng với tôi, thằng Hận đột nhiên ngất đi. Khi đưa nó lên trạm xá và sau đó là bệnh viện mới biết thằng Hận bị bệnh tim. Một mình tôi đứng ở bờ đê chiều gió chướng, nhìn cái nhà tạm bợ của nó bấy lâu buồn hiu hắt. Ngôi nhà như cái chòi chắp vá bằng tôn rách rưới, tối om. Tôi để trái ổi chín mang theo lên khung cửa sổ nhà nó rồi buồn bã đạp xe về. Tôi thật sự mong rằng nó sẽ trở lại mạnh khỏe như xưa.
Rồi thằng Hận cũng rời bỏ xóm nghèo. Mẹ nó sẽ dắt nó về quê ngoại tận một nơi rất xa ở Vĩnh Long. Bà ấy nói sẽ làm lại cuộc đời và chữa bệnh cho nó. Ngày cuối cùng nó vẫn đón tôi ở trên đê, nó lại chia tôi nửa chiếc bánh mì. Tôi ngỡ ngàng cầm lấy bánh, mắt tôi cay xè như sắp mất một thứ gì quý giá trên đời. Tôi tần ngần nhìn bóng nó khẳng khiu đi lọt thỏm giữa mênh mông cánh đồng quen thuộc. Tôi muốn nói với nó rằng, tôi sẽ luôn xem nó là bạn thân của tôi…
Buổi sáng thằng Hận rời đi là một ngày giáp Tết năm 2005. Tôi đạp xe đi học thật sớm, cố đứng chờ ở đường tỉnh lộ. Khi chiếc xe đò chở khách chạy ngang qua. Tôi cố gắng nhìn những ô cửa xe xem có thấy thằng Hận không nhưng không thấy. Chiếc xe vút qua rất nhanh, để lại trong tôi nỗi buồn chênh vênh xa vắng. Trong lòng biết bao điều lẫn lộn. Tôi có cảm giác sau này mình sẽ không còn gặp lại Hận.
Và từ đó đến nay, rất nhiều năm ròng rã trôi, tôi chưa bao giờ gặp lại nó lần nữa. Sau những ngày bộn bề công việc chốn thị thành, tôi lại thi thoảng nhớ về Hận, nhớ về cánh đồng quê xa ngái đầy cua ốc năm nào. Tôi chỉ mong những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với nó. Giá như năm đó, tôi với nó có một tấm hình chụp chung thì hay biết mấy. Gần hai mươi năm trôi qua, tôi luôn tự hỏi không biết nó có bao giờ nhớ người bạn là tôi không?
- 4 lý do vì sao cần làm ‘chuyện ấy’ ngay cả khi không có nhu cầu
- 3 bộ phận cơ thể “bị đen” là dấu hiệu của gan yếu, biết sớm đi khám sớm kẻo bệnh nặng hối không kịp
- ‘Khi phát hiện vụ việc của Angela Phương Trinh, tài sản trong nhà đã không còn’
- Bà ngoại trông cháu nhưng lại 2 lần “để quên”: Mẹ quẫn trí vì 2 con lần lượt ra đi trong chưa đầy 1 năm
- Bia Hà Nội lần đầu báo lỗ sau 12 quý, chủ Vodka Hà Nội nối dài thua lỗ