Anh Trần Thanh Tùng (SN 1998), trú tại xã Thăng Long, huyện Đông Hưng (Thái Bình) từng học tại trường Cao Đẳng Y tại Hà Nội. Từ năm thứ 2, anh đã bắt đầu đi làm thêm tại một cơ sở y tế với mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng.
“Cứ tối tối, tôi đi phụ việc ở phòng khám, được hỗ trợ ăn, ngủ. Sáng hôm sau lại đến lớp học bình thường. Tốt nghiệp, tôi cũng xin được việc làm ở một phòng khám khác, nhưng mức lương quá thấp cho một công việc toàn thời gian nên tôi xin nghỉ”, anh Tùng nói.
Tích góp được một số tiền nho nhỏ trong thời gian đi làm thêm thời sinh viên, anh Tùng góp vốn cùng một người anh mở quán cà phê vào năm 2020. Tổng số vốn đầu tư quán cà phê là 600 triệu đồng. Trong đó, anh Tùng chỉ có một phần nhỏ góp vào, chủ yếu là phụ trách thêm phần quản lý quán. Thời gian mở quán cà phê cũng là thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Quán liên tục phải đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội. Lỗ, gồng lỗ, để có tiền trang trải, thời gian rảnh, anh làm thêm công việc mua bán chim cảnh.
“Bố tôi ngày xưa cũng mê chim cảnh lắm nên từ năm học lớp 6, tôi đã thích ngắm nhìn những con chim bố nuôi với tiếng hót líu lo khắp nhà. Lớn lên, từ khi học Cao Đẳng, tôi cũng nhiều lần cùng bạn bè lên các vùng Tây Bắc săn tìm những chú chim đẹp, độc đáo để sưu tầm và mua đi bán lại cho những người cùng đam mê rồi”, anh Tùng chia sẻ.
Tìm được hướng đi vừa thoả mãn đam mê từ thủa nhỏ vừa có thể làm ra kinh tế, anh Tùng vay mượn thêm để mua một đôi chào mào xám đột biến với giá 100 triệu đồng để về nhân giống, nuôi sinh sản.
Khởi nghiệp với công việc không giống ai, anh Tùng gặp phải không ít sự phản đối của người thân trong gia đình. Hơn nữa, nuôi chim cảnh đã không dễ, nuôi chim đột biến lại càng khó khăn hơn.
Gặp không ít khó khăn, áp lực từ tài chính cùng với sự thiếu kinh nghiệm trong việc nuôi, nhân giống nhưng anh Tùng không nản lòng. Vừa làm vừa nghiên cứu tài liệu, đúc rút từ thực tiễn, những lứa chim đầu tiên thành công với kết quả bất ngờ.
“Những con chim non đột biến được tôi cho ấp nở thành công từ 12 ngày trở lên đã được săn đón mua với giá từ 15-30 triệu đồng/con. Chim bố mẹ cũng được nhiều người hỏi mua với giá từ 50-200 triệu đồng/cặp”, anh Tùng nói.
Sau khi có thành công bước đầu, anh Tùng quyết định xây dựng trang trại nuôi chim đột biến với quy mô 25 lồng chim sinh sản sau 4 tháng về quê.
Hiện tại, anh Tùng sở hữu trang trại nuôi chim đột biến với 50 lồng chim sinh sản trên diện tích 100m2 với nhiều loại chim đột biến như chào mào bạch tạch chân chi, mỏ chì, chào mào xám, Hoàng Mào xanh đột biến vàng…
“Mỗi năm, trang trại của tôi có thể cho ấp nở và cung cấp ra thị trường trên 200-300 con chim con từ 10 ngày tuổi với giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng/con; từ 40-50 cặp chim bố mẹ sinh sản với giá từ 50-200 triệu đồng/cặp”, anh Tùng cho biết.
Từ đầu năm 2022 đến nay, anh Tùng đã bán được khoảng 50 cặp chim sinh sản và hàng trăm cặp chim con, doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng. Riêng cặp chào mào Hoàng Mào xanh đột biến vàng đã có người trả 200 triệu đồng nhưng anh Tùng nhất định không bán.
Nguồn: nguoiduatin.vn
- Chuyện nhà đầu tư thắng đậm tiền tỷ khi đi “săn” đất tỉnh đã là quá khứ
- Nữ luật sư 60 tuổi hy vọng làm nên lịch sử tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ
- 5 cách làm đàn ông lên đỉnh để chàng luôn thèm muốn bạn
- Cha mẹ ở quê bán dần vì "sốt giá": Con từ thành phố về không mua nổi miếng đất làm nhà.
- Cổng nhà đang đi gần 40 năm bất ngờ bị hàng xóm bịt lối đi!