Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
130 lượt xem

Ai chơi với nông dân đều giàu lên, trong khi đời sống người nông dân vẫn rất khó khăn

Nghịch lý “ai chơi với nông dân cũng giàu”: Từ người cung cấp vật tư nông nghiệp, giống phân bón thuốc trừ sâu đến công ty lương thực… trong khi người nông dân đời sống vẫn còn khó khăn.

Đó là lời tâm sự gần đây của một Chủ tịch tập đoàn lúa gạo tại An Giang. Ông chỉ rõ nguyên nhân tại sao người trồng lúa đời sống vẫn khó khăn. Việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi lúa gạo chưa hợp lý, công bằng, chưa đạo lý.

Tương tự như vậy, những người nông dân trồng mía ở các tỉnh phía Nam cũng thốt lên: “Nhà máy mía đường ép chúng tôi đủ các loại, như không minh bạch về việc chữ đường của cây mía, thu mua mía không ổn định, giá cả không hợp lý…”. Hiệp hội mía đường Việt Nam năm 2021 cũng kiến nghị phải phân phối lại lợi nhuận hợp lý cho người nông dân trồng mía, hiện họ chỉ hưởng 10-20%, còn lại 80-90% lợi nhuận là của nhà máy và hệ thống phân phối, các trung gian cho đến bán lẻ ra thị trường.

Chính vì vậy mới có nhận xét: “Ai chơi với nông dân đều giàu lên, từ người cung cấp vật tư nông nghiệp , giống phân bón thuốc trừ sâu đến công ty lương thực… trong khi người nông dân đời sống vẫn còn khó khăn”.

Đây là một nghịch lý, một mâu thuẫn cần phải sớm nghiên cứu, có những chính sách hữu hiệu nhằm đem lại lợi ích chính đáng hợp lý cho người nông dân Việt Nam.

Nêu ví dụ rất điển hình của hai mặt hàng chính trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam cho ta thấy không phải chỉ riêng hai mặt hàng này, mà còn nhiều sản phẩm nông nghiệp khác như hoa quả, thịt lợn, thuỷ, hải sản… đều diễn ra tình trạng tương tự.

Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, tuy diễn biến ở các mức độ khác nhau và một vài năm nay đã có tiến bộ hơn những năm trước. Song, nhìn chung những người làm ra của cải vật chất xã hội, làm bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế ở bất kỳ thời điểm nào vẫn bị thiệt thòi và luôn gặp khó khăn.

Họ có thu nhập bình quân khoảng 3,1 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng, đây là mức thu nhập khiêm tốn và thấp nhất trong thu nhập bình quân của các lực lượng sản xuất xã hội.

Từ đó đã dẫn đến tình trạng bỏ ruộng đi xuất khẩu lao động, ra thành phố làm ăn khá phổ biến. Bởi hạt lúa, củ khoai, cân cam, con cá… khi bán ra không đủ bù đắp chi phí sản xuất, chăn nuôi, đánh bắt, nuôi trồng và không thu được lợi nhuận hợp lý vì nhiều nguyên nhân.

Chính vì vậy, họ chủ yếu “nghèo vẫn hoàn nghèo” nếu không có sự thay đổi căn bản tình trạng này, để thu hút họ gắn bó với công việc nhà nông thì kinh tế nông nghiệp Việt Nam không có thể phát triển nhanh và bền vững được.

Việt Nam đang vận hành nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Gần đây, người đứng đầu Chính phủ có nhấn mạnh: “Rủi ro chia sẻ, lợi nhuận hài hoà”. Đây là một định hướng nhân văn, mang tính chiến lược để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phân phối kết quả lao động của các chuỗi giá trị một cách hợp lý, công bằng.

Mọi người trong xã hội nếu lao động chân chính đều phải được hưởng thụ xứng đáng với những gì đã cống hiến cho xã hội, đó là điều mà lãnh đạo và mọi người dân lao động chân chính luôn mong muốn.

Ở Việt Nam vẫn còn tình trạng như đã nói ở trên. Vậy ở một số nước Đông Nam Á và một số nước khác phát triển kinh tế trước Việt Nam thì sao? Ví dụ, ở Thái Lan được sự quan tâm của chính phủ, họ đã có luật mía đường theo luật đó thì người nông dân trồng mía được hưởng 60-65% lợi nhuận của 1kg đường bán ra, 35%-40% còn lại là các khâu khác như nhà máy đường, hệ thống phân phối bán lẻ được hưởng.

Ở Hàn Quốc do có nhiều hệ thống sàn giao dịch hàng hoá nông sản phát triển nhiều năm nay, nên giá bán ra trên sàn của các sản phẩm nông nghiệp được định giá công khai minh bạch, từ đó đem lại lợi nhuận hợp lý cho người nông dân Hàn Quốc.

Qua 2 ví dụ trên cho ta thấy, nếu được sự quan tâm thực sự thì những bất hợp lý trong thu nhập của giai cấp nông dân Việt Nam sẽ được gỡ bỏ.

Và đây chính là động lực quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh. Bởi suy cho cùng, chính lợi ích hợp lý đem lại cho người lao động là bài toán khôn ngoan nhất của những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất và lưu thông phân phối ở mỗi quốc gia.

Để giải bài toán này chúng ta cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau.

1. Nhà nước cần có những chính sách phát triển nông nghiệp, nhằm hỗ trợ cho sản xuất chăn nuôi từ đầu vào đến đầu ra. Bà con nông dân từng bước được tập hợp lại vào các hợp tác xã để làm ăn có bài bản, có thương hiệu, kịp thời nắm bắt thông tin thị trường.

Có vị thế đàm phán khi mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, cũng có vị thế đàm phán để tiêu thụ sản phẩm làm ra trên thị trường thông qua các sàn giao dịch hàng hoá được thiết lập tại các chợ đầu mối vùng ở các địa phương.

2. Đầu tư cơ sở hạ tầng chính, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp và lưu thông hàng hoá phát triển, giảm tối đa các chi phí kể cả chi phí trung gian, chi phí chiết khấu quá cao ở khâu bán lẻ, góp phần đem lại lợi nhuận hợp lý cho nông dân hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, tăng cường khâu dự trữ, chế biến sâu các sản phẩm làm tăng thêm giá trị của các mặt hàng.

3. Có chính sách phát triển hệ thống phân phối, bao gồm chợ, siêu thị, TTTM, cửa hàng tự chọn, siêu thị mini, hình thành các tập đoàn bán lẻ Việt đủ sức dẫn dắt thị trường mở cửa rộng thuận tiện để tiêu thụ các sản phẩm Việt một cách ổn định, hiệu quả, người sản xuất và người làm bán lẻ phân phối đều có lợi.

Thiết lập sớm các chuỗi cung ứng ngắn trong toàn quốc để từng bước hình thành việc sản xuất tiêu thụ sản phẩm một cách khoa học, hiệu quả, ít chi phí nhất, điều mà các nước phát triển đã đi trước chúng ta hàng chục năm nay.

4. Tăng cường kiểm soát thị trường, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường nội địa

5. Xây dựng các chính sách bảo hiểm nông nghiệp giảm bớt rủi ro cho người sản xuất. Tạo điều kiện cho việc mở rộng sản xuất theo hướng hàng hoá, tiếp cận và mở rộng đất đai thuận tiện, cung cấp tín dụng cho sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia.

Làm được những điều cơ bản trên chính là từng bước làm cho người sản xuất nông nghiệp có thu nhập hợp lý, tái sản xuất mở rộng. Việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị nông sản thực phẩm ngày càng hợp lý hơn, mọi chủ thể trong đó có người nông dân một khi kinh tế nông nghiệp phát triển đều ngày càng giàu lên một cách chính đáng, thực hiện “không ai bị bỏ lại phía sau” mà Nghị quyết của Đảng đã khẳng định với toàn dân tộc.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Bài viết cùng chủ đề: