Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
102 lượt xem

Thợ xe “mách” những dấu hiệu nhận biết ô tô bị ngập nước để tránh mua phải

Xe bị ngập nước là một trong những vấn đề mà người mua ô tô cũ cần lưu ý để tránh chọn phải.

Nhìn những chiếc xe ngâm trong nước tại nhiều địa phương trong những ngày mưa lớn vừa qua, nhiều người không khỏi liên tưởng thị trường xẻ cũ tới đây liệu có xuất hiện những chiếc xe này.

Ô tô là sản phẩm thường được sử dụng lâu dài, đóng vai trò quan trọng trong mỗi gia đình cả trên phương diện đi lại, an toàn, sức khỏe cho mọi người cũng như là món tài sản lớn. Khi mua xe cũ, người dùng nên tránh chọn những chiếc bị ngập nước, nhất là xe ngập nước dẫn tới thủy kích.

Tùy theo mức độ, xe bị ngập nước có thể khiến nhiều bộ phận hư hỏng hoặc xuống cấp như hệ thống điện, gầm và sàn xe, thậm chí là cụm điều hòa và động cơ… Ngay cả khi được khắc phục, các bộ phận này có thể không hoạt động tốt như nguyên bản hoặc đơn giản là sẽ bị mất giá so với xe “zin”.

Dưới đây là những dấu hiệu mà một số thợ xe gợi ý để người dùng “soi”, từ đó có thể phát hiện chiếc xe mình định mua đã bị ngập nước chưa.

Kiểm tra bên ngoài

Một số chi tiết về ngoại thất xe sẽ hé lộ về tình trạng của nó. Nếu chiếc xe từng bị ngập trong nước thì phần đèn chiếu sáng có thể để lại các vết ố vàng. Hoặc nếu đèn có dấu hiệu trầy xước, cạy mở, hãy hỏi rõ nguyên nhân vì không loại trừ đèn đã được lau để xóa vết tích.

Một số chi tiết khó “soi” cũng là những khu vực khó vệ sinh, sẽ để lại đất cát hoặc bị rỉ sét. Mở nắp ca-pô và kiểm tra các ốc bắt vào thân máy, tháo tấm chắn để quan sát. Lật tấm thảm ở cốp xe, có thể tháo cả lốp dự phòng ra để xem xét thật kỹ. Đừng quên mang theo một chiếc đèn pin nhỏ hoặc dùng đèn flash của điện thoại để quan sát được dễ dàng hơn.

Dấu hiệu bên trong xe

Thông thường, xe bị ngập nước khi bán lại đều sẽ được dọn dẹp trước đó. Vì vậy, một chiếc xe quá thơm tho hoặc chỗ này rất sạch và mới nhưng lại không đồng đều thì nên đặt dấu hỏi. Còn đương nhiên, nếu xe bị mốc bên trong thì vì lý do nào cũng cần cân nhắc, chẳng ngập nước thì chủ cũ cũng không giữ gìn.

Hãy lật thảm sàn xe và soi các ngóc ngách, những chi tiết đáng chú ý bao gồm dây đai an toàn, chân phanh, chân ga, gầm ghế… Lớp nỉ dưới sàn xe nếu từng bị ngâm trong nước trông cũng sẽ “lì” hơn. Một số chi tiết bằng nỉ hoặc vải sẽ rất khó vệ sinh và nếu để lại vết loang chạy ngang thì chiếc xe rất có thể đã bị ngập nước.

Quan sát khoang động cơ

Một trong những nỗi lo lớn nhất khi mua xe cũ là gặp phải những chiếc đã can thiệp vào động cơ. Việc quan sát các bộ ốc bắt chân máy, trên thân máy sẽ giúp phát hiện vấn đề này. Nếu bộ ốc có dấu hiệu bị xước, có vết của việc dùng dụng cụ xiết vặn thì không loại trừ khả năng xe đã bị “cẩu máy” ra khỏi khung xe để sửa chữa.

Cũng không quên kiểm tra các ốc trên thân động cơ, các đường ống dẫn nhiên liệu, dây điện… Mở nắp hộp cầu chì để kiểm tra, rất có thể dấu hiệu của đất cát vẫn còn đọng lại. Tương tự như đã nêu ở trên, nếu bộ phận ấy lại quá mới so với các phần còn lại của xe thì cũng cần đặt dấu hỏi.

Lái thử và kiểm tra chéo

Ngoài quan sát hình thức bên trong và bên ngoài xe, việc lái thử là không thể thiếu. Hãy đề nổ và để xe chạy không tải, lắng nghe tiếng động cơ để phát hiện nếu có vấn đề bất thường. Tiếng máy phải “tròn”, tức động cơ chạy trơn tru và êm. Khi tăng ga (không tải), vòng tua lên đều và ổn định.

Cho xe lái thử trên đường và đừng ngại đi khoảng vài km. Tại những đoạn đường vắng, hãy hạ kính để nghe tiếng động cơ được rõ hơn.

Nếu không tự tin với khả năng của mình, hãy chọn những bên thứ 3 để giúp bạn thẩm định. Hiện nay có một số đơn vị làm dịch vụ kiểm tra xe đã qua sử dụng, sẽ thông báo chính xác cho bạn về tình trạng của chiếc ô tô đó với hàng trăm hạng mục khác nhau. Mức phí một vài triệu đồng cho việc này, đổi lại là sự an tâm cho người dùng khi bỏ ra khoản tiền lớn mua xe.

Theo dantri.vn

Bài viết cùng chủ đề: