Có lẽ khi hồi tưởng đến những món ăn bình dị ở làng quê khi xưa mà không nhớ món châu chấu rang thì quả thật là thiếu sót. Cũng bởi, châu chấu là một thức ăn đơn giản, rẻ tiền nhưng lại phải theo mùa, chẳng phải cứ muốn ăn bất cứ thời điểm nào cũng có.
Bọn trẻ ở làng tôi khi xưa hay nói đùa rằng châu chấu là lộc “trời cho”, có nhiều tiền cũng chưa chắc mua được. Chắc cũng do sự hiếm hoi đó châu chấu rang trở thành món ăn mang đến vô số háo hức cho trẻ em ở các vùng nông thôn Việt Nam xưa.
Thông thường, mùa châu chấu không có quanh năm, mà chỉ xuất hiện vào các vụ gặt. Thời điểm khi những cánh đồng quê tôi bắt đầu chuyển từ màu xanh sang màu vàng như những tấm thảm khổng lồ thì “mùa vui” của bọn trẻ con chúng tôi cũng bắt đầu khi tha hồ ra đồng tìm bắt các loại châu chấu, cào cào, muồm muỗm.
Chẳng rõ các loại châu chấu, cào cào, muồm muỗm từ đâu đến nhưng có lẽ hương lúa chín cũng khiến chúng xốn xang theo bước chân người nông dân thì phải. Chắc cũng do đó mà châu chấu, cào cào, muồm muỗm cứ quẩn quanh khắp các cánh đồng kể từ khi lúa bắt đầu trổ đòng đòng cho đến tận khi những cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ.
Mặc dù thân hình châu chấu có phần tương đồng giống như màu cỏ, màu lá lúa nhưng vẫn không làm khó được chúng tôi. Cách bắt châu chấu thông thường không khó, chúng ta có thể dựng cọc, căng màn rồi dùng gậy lùa chúng vào. Theo kinh nghiệm của nhiều người lớn trong làng thì những con châu chấu vào mùa gặt bao giờ cũng béo tròn, da căng bóng bẩy. Để bắt được châu chấu ngon, chúng ta nên chọn những con đầu nhỏ, bụng nhiều trứng hoặc có màu xanh mạ non.
Tôi nhớ như in những buổi trưa sau giờ tan trường, tôi và lũ trẻ trong làng lại rủ nhau đi bắt châu chấu. Chúng tôi háo hức đến độ ăn vội vàng vữa cơm trưa, rồi mặc kệ trời trưa nắng nóng, lon ton chạy ra cánh đồng, quần xắn tận bẹn, tay cầm chiếc chai to hoặc tận dụng cái bao tay của mẹ, chầm chậm lội hết ruộng trên đến ruộng dưới để đuổi bắt châu chấu. Thậm chí, có hôm say mê đến độ cả bọn bị lá lúa cứa sướt cả chân, tứa máu mà cũng không để ý.
Điều vui hơn là trong thời điểm ấy không chỉ lũ trẻ con, mà những người lớn trong làng cũng rất ưa thích việc bắt châu chấu. Vào buổi chiều, khi bóng hoàng hôn dần phủ kín cánh đồng là thời điểm thích hợp nhất để bắt châu chấu. Châu chấu vào buổi sáng sẽ oanh tạc khắp đồng trên, ruộng dưới, nhảy tanh tách, sạt qua chân người làm ruộng. Nhưng cứ chiều đến, lũ châu chấu đều thấm mệt, chúng thường đậu trên những cành lá lúa, khi ấy, có khi rón được chứ không cần vợt.
Dụng cụ bắt châu chấu cũng được tận dụng từ túi ni lông, nẹp bằng khung dây thép uốn tròn, buộc thêm cái cán dài để dễ cầm, thế là đã có một đồ nghề bắt chấu hữu hiệu. Hoặc đơn giản như anh tôi thích đan những vỉ tre để bắt châu chấu. Thậm chí tía tôi có khi tiện đi làm đồng, chỉ cần dùng tay không, một lúc đã vồ được cả một xà cạp châu chấu.
Hoặc dùng vợt thì mỗi lần vợt được cả dăm, bảy, thậm chí cả chục con. Châu chấu thấy động thì bay xào xạc, nhưng do trời nhá nhem tối, châu chấu không thể bay được xa. Chỉ một đoạn chúng lại dừng lại và nép mình trên lá lúa. Người đi bắt, nếu cần mẫn, chỉ một vài tiếng là được cả cân châu chấu.
Và đương nhiên, sau những buổi cần mẫn ngoài đồng ấy, “chiến lợi phẩm” chúng tôi mang về sẽ được mẹ nhặt nhạnh, chọn lựa để chế biến thành phẩm thưởng thức mỗi ngày. Rồi mùa gặt qua mau, châu chấu, cào cào cũng hết, bọn trẻ con lại nôn nao chờ đợi mùa gặt sau.
Theo tìm hiểu của tôi thì châu chấu có rất nhiều loại, nhưng tại quê tôi chỉ phổ biến hai loại là chấu chấu lúa và châu chấu tre. Châu chấu lúa tuy thân hình nhỏ nhưng đanh, ngon, rắn thịt và rất thơm. Châu chấu tre thì ít khi được người khác tìm bắt để chế biến món ăn, chỉ đôi khi có vài con lẫn vào cùng với châu chấu lúa. Châu chấu tre thân mình to nhưng rỗng, khi rang lên thì có vị giòn tan.
Mỗi khi tôi đem châu chấu về, mẹ tôi thường chuẩn bị một nồi nước sôi, rồi khéo léo luồn cả bao, đổ cả túi vào nồi nước để trần qua. Sau đó, chúng được mang ra nhặt hết cánh, chân, tiến hành rút ruột, bỏ đầu, rửa sạch và đem rang. Trước khi rang châu chấu, chúng ta phải chuẩn bị tí lá chanh và nước dưa chua thì mới hợp vị.
Mẹ tôi thường có thói quen cho luôn nước dưa vào từ đầu để đun cùng châu chấu cho đến khi nước cạn thì cho thêm chút mỡ vào đảo qua lại cho săn. Cuối cùng, mẹ nêm thêm ít gia vị như tương, nước mắm vào đảo cho ngấm. Nếu muốn món ăn ngon hơn thì trước khi bắc ra nên rắc ít mì chính và rải lá chanh vào đảo qua rồi dọn ra đĩa. Tôi thích nhất cảm giác sau một ngày mệt mỏi, cả gia đình cùng quây quần quanh mâm cơm chiều, với tô canh tập tàng, ít rau sống quanh vườn và một đĩa châu chấu rang. Cứ thế, cả nhà vừa ăn vừa râm ran trò chuyện đủ mọi điều từ chuyện ruộng đồng đến nhà cửa, cảm giác ấm áp vô kể.
Đặc biệt là khi tìm được trong đĩa một con châu chấu cái, với cái đuôi to đùng, béo bùi toàn trứng, anh em tôi lại tranh nhau chí choé. Cũng bởi trong suy nghĩ non nớt của tuổi thơ hay tưởng tượng đến mấy món cao lương mĩ vị của vua chúa được ngắm nhìn trên ti vi hay đọc trong truyện cổ tích cũng chỉ ngon lành đến như vậy là cùng.
Đến tận bây giờ, khi đã trưởng thành, nếm nhưng tôi vẫn chẳng thể nào quên được vị ngon béo bùi của món châu chấu… đặc trưng mùi vị mưa nắng đồng quê, của hương lúa mới. Có đôi lần vào mùa châu chấu, mỗi khi ngang qua chợ làng, bản thân thường rẽ vào mua một vài lạng về ăn như muốn tìm lại chút hương vị của tuổi thơ. Dù thế, vẫn cảm thấy châu chấu bây giờ dường như không được ngon như châu chấu của ngày xưa, dẫu vẫn chế biến theo cách cũ với đủ đầy gia vị mà không sao tìm lại được đúng hương vị đã từng ăn, hương vị của những con châu chấu một thời tuổi thơ mình tự tay đi bắt.
- Mua căn nhà đất trung tâm Hà Nội 2,2 tỷ, 10 năm sau rao bán gần 2,6 tỷ vẫn không ai mua, bất ngờ vì lý do khó bán
- Cần Thơ: Sinh viên đại học mê làm nông, trồng loại cây quả hót như sầu riêng, soái ca Tây Đô thu nửa tỷ mỗi vụ
- Đà Nẵng: Theo đuổi nghề trồng hoa 30 năm, bà nông dân lãi hàng trăm triệu, kinh tế ổn định
- Hàng xóm thân thiết kéo nhau ra tòa vì 1,6m2 đất tường rào?
- Tâm sự của đàn ông ngoại tình: Hé lộ tâm lý thực sự của đàn ông sau khi phản bội, rất thực tế!