Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
115 lượt xem

Hà Giang: Cựu học sinh miền núi bắc giàn nuôi gà khiến cả làng kinh ngạc

Lương Văn Nam, ở xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đã lựa chọn nuôi gà để khởi nghiệp sau khi học hết THPT. Từ việc chọn giống gà độc, lạ đến cách nuôi chẳng giống ai khiến nhiều người kinh ngạc. Mọi người còn ngạc nhiên hơn khi mỗi lứa gà Nam bỏ túi khoảng 100 triệu đồng.

Hai năm học cách nuôi gà đặc sản

Sau khi tốt nghiệp THPT, Nam quyết định không tiếp tục theo học chuyên nghiệp mà lựa chọn cho mình một hướng đi, đó là phát triển kinh tế với mô hình nuôi gà tại địa phương.

Với mong muốn phát triển trang trại gà, ban đầu Nam đã dành 2 năm đi học hỏi kinh nghiệm nuôi gà tại các trang trại lớn trên địa bàn tỉnh Hà Giang và ngoài tỉnh. Đến năm 2018, anh Nam quay về quê và quyết định những bước đầu tiên trong việc hình thành trang trại chăn nuôi gà đặc sản tại gia đình.

Gặp không ít khó khăn ngay từ lúc khởi nghiệp, chàng trai 21 tuổi Lương Văn Nam luôn không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm với mong muốn nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi gà đặc sản.

Nhận thấy nguồn cung cấp gà sạch tại địa phương vẫn còn thiếu và không thường xuyên, do vậy không ngần ngại anh Nam đã bắt tay vào thực hiện mô hình trang trại gà mía và gà đen.

Để có nguồn vốn đầu tư, Nam đã vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và với số vốn ít ỏi của gia đình, ban đầu Nam nuôi 500 con gà mía và gà đen. Tuy nhiên, không như mong muốn, đàn gà của anh bị dịch bệnh, không ngại khó khăn anh Nam tiếp tục đầu từ và được học các lớp tập huấn về phòng, chống dịch bệnh thú y của xã, huyện.

Cách nuôi gà đặc biệt

Tìm tòi, học hỏi không ngừng, giúp Lương Văn Nam “bỏ túi” vốn ký thuật nuôi gà phong phú. Không chỉ tuân thủ các quy trình kỹ thuật, trại gà của Nam còn được nuôi bằng những phương pháp đặc biệt.

Trong quá trình nuôi gà, anh Nam luôn tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi gà, thường xuyên vệ sinh chuồng trại để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Anh còn làm giàn để cho gà vận động, bay nhảy như trong môi trường tự nhiên. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi gà, sau một thời gian đàn gà của Nam phát triển tốt, khỏe mạnh, lớn nhanh và không mắc bệnh.

Đến nay, đàn gà đen của gia đình Nam lên đến 1.400 con, đã bán được 2 lứa gà với giá 120.000 đồng/kg, ước tính lãi thu về cũng gần trăm triệu đồng/lứa.

Anh Lương Văn Nam chia sẻ: “Bản thân mình xuất phát từ nhà nông và có ý định chăn nuôi từ lúc nhỏ. Nếu gặp những khó khăn như ban đầu về dịch bệnh thì tôi nghĩ nhiều người sẽ chán nản và từ bỏ, nhưng bản thân tôi luôn được gia đình, bạn bè động viên và giúp đỡ. Với những đồng vốn lãi tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào chuồng trại và tăng số lượng đàn gà lên thêm nữa”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Nam còn là một đoàn viên năng động, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đi đầu trong mọi hoạt động tại cơ sở. Cùng với đó, anh luôn giúp đỡ thanh niên trong xã về kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển nông nghiệp sạch để các thanh niên có thêm ý chí vươn lên thoát nghèo.

Những bạn trẻ không chọn đại học là con đường duy nhất đã mạnh dạn khởi nghiệp từ nghề nông. Mô hình nuôi gà đặc sản của Lương Văn Nam là minh chứng cho sự táo bạo, dám nghĩ dám dân thân của lớp thanh niên khởi nghiệp. Không chỉ làm giàu cho bản thân, đây còn là nơi để chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho người dân địa phương.

Bài viết cùng chủ đề: