Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
104 lượt xem

Bỏ phố về quê cô gái trẻ làm "đại gia" cuộc đời mình với số vốn 50 triệu

Bỏ phố về quê khởi nghiệp, Võ Thị Minh Nga (SN 1988) giờ đây là người sáng lập của thương hiệu gạo lứt Bh.nong, mỗi năm tạo sinh kế cho hàng chục lao động.

12h trưa, dưới cái nắng oi của vùng trung du Quảng Nam, Minh Nga chăm chú giám sát quá trình xây dựng xưởng sản xuất 600m2. Trước đó, Đà Nẵng – Quảng Nam mưa rích từ đầu tháng 10, một số công đoạn xây dựng phải tạm dừng. Đầu tháng 11, mưa ngớt, hai chiếc máy xúc, ba xe tải hoạt động hết công suất đáp ứng tiến độ thi công để sản xuất hàng cho mùa cao điểm Tết.

Từng khởi nghiệp với số vốn 50 triệu trong phòng ngủ vỏn vẹn 15m2, sau 7 năm bỏ phố về quê, ít người nghĩ, cô gái trẻ với xuất phát từ số không, không có kiến thức về kinh doanh, không có sự hỗ trợ từ gia đình có thể mở xưởng sản xuất rộng 600m2, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động.

Bỏ phố về quê

Sinh ra tại huyện vùng cao nghèo ở Quảng Nam, năm 18 tuổi, Minh Nga lên TP HCM học, chở theo cả mong ước thoát nghèo của bố mẹ. “Như bao bạn trẻ ở quê khác, tôi được rót vào tai mộng đổi đời ở thành phố lớn, tuyệt đối không phải quê mình. Cách đây 10-15 năm, người dân quê tôi chỉ có hai lựa chọn: một là cam phận nhà nông lay lắt, hai là ly hương phố thị biền biệt”, Nga kể. Thế nên, khi có cơ hội theo đuổi chuyên ngành báo chí tại TP HCM, cô gái 18 tuổi khi ấy chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở về quê, nơi “chó ăn đá, gà ăn muối”.

Ra trường, cơ duyên đưa Nga vào công tác tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM, nơi cô được làm chương trình về những người xa quê có hoàn cảnh khó khăn. Gặp gỡ những người bán từng tờ vé số, từng tô mỳ hủ tiếu gõ trên phố Sài Gòn, Nga nhận ra khao khát hồi hương của những người sống chênh vênh, lang bạt nơi thị thành.

Là người con xa quê, hơn ai hết cô đồng cảm với họ và nhen nhóm ước mơ có thể làm chủ doanh nghiệp ở quê để tạo ra thật nhiều công ăn việc làm cho những mảnh đời gian khó. Tuy nhiên, khi ấy, Nga chỉ là cô gái mới ra trường, đi làm với mức lương đủ sống nên không dám nghĩ xa.

Đến năm 2012, khi chuyển sang công tác tại báo Người lao động, nữ nhà báo trẻ được tiếp xúc với nhiều văn nghệ sĩ trong giới showbiz. Trò chuyện với họ thường xuyên, cô cũng nhận thấy họ có nhu cầu sử dụng nông sản địa phương nhưng ít có cơ hội tiếp cận loại sản phẩm này. Ý tưởng kinh doanh thực phẩm sạch bắt đầu xuất hiện trong cô khi ấy.

“Khoảnh khắc bước ngoặt đến vào giữa năm 2016 khi tôi có cơ hội là một trong những người đầu tiên đọc Tony Buổi sáng. Đọc những câu chuyện người trẻ trở về xây dựng quê hương từ kiến thức, kỹ năng ở thành phố, tôi thấy chung lý tưởng”, Nga kể. Bản ngã trong cô gái trẻ trỗi dậy, một ngày nắng hè oi ả tháng 5/2016, Nga nhảy tàu trở về quê Quảng Nam.

Bố mẹ Nga lúc đó nghĩ, chuyến trở về này của con gái cũng giống nhiều lần về thăm nhà khác. Thế nhưng, khi nghe Nga nói “Đợt này con về hẳn”, bố mẹ cô không giấu được nỗi thất vọng. Nhớ lại khoảng thời gian đó, cô tâm sự: “Mẹ bắt tôi lựa chọn. Một là tôi cầm balo và trở lại thành phố. Hai là mẹ sẽ chết”.

Đêm đó, Nga khóc nhiều vì không biết đã làm sai điều gì. Sau khi ổn định ra trường, cô đã giúp gia đình có cuộc sống đầy đủ hơn, nuôi em trai ăn học. Đến giờ khi muốn được sống với lý tưởng của mình nhưng không được phép. “Lúc đó, tôi vừa buồn, vừa tủi thân, vừa giận”, cô nhớ lại.

Sau phản ứng dữ dội từ gia đình, sáng hôm sau, Nga xách balo lên và đi. Nhưng chuyến hành trình lần này không phải trở về thành phố, cô quyết định lên rẫy sống cùng bà con người đồng bào dân tộc Bh.nong.

Giấc mơ tạo sinh kế cho 100 người phụ nữ

Rút hết 50 triệu tiền tiết kiệm sau 6 năm làm báo, cô gái trẻ bắt đầu khởi nghiệp với đặc sản địa phương. Nửa trong số đó, Nga mua một chiếc xe máy làm phương tiện di chuyển. Nửa còn lại, cô đi lên vùng cao nguyên “khảo sát” xem các mặt hàng kinh doanh.

Bỏ váy áo, giày cao, bỏ lớp trang điểm để trở về với hình ảnh sinh ra từ gian khó, Nga đến các buôn làng, nơi nghèo nhất heo hút nhất ở Quảng Nam để sống một cuộc đời khác. “Với một chiếc balo, cái điện thoại và chiếc xe máy, tôi chơi với trẻ con, lên nương cùng người lớn, uống rượu với người già, ngủ dưới sàn nhà, ăn ngoài rẫy, uống nước khe. Thời điểm đó, tôi cũng ngó nghiêng xem vùng cao có gì hay ho để mang về bán trên mạng xã hội”, Nga kể.

Sau gần nửa tháng, sống cùng bà con, Nga giải tỏa được phần nào cảm giác tiêu cực với gia đình và cũng tìm được những sản phẩm cô muốn kinh doanh. Thời điểm đó, bố mẹ cô cũng dần nguôi giận khi biết Nga kiên định với lý tưởng của mình, hành động trở về quê là ước mong ấp ủ chứ không phải hành động bộc phát.

Cô gái trẻ cũng nói chuyện với mẹ về ý tưởng kinh doanh của mình, xin một góc nhỏ trong nhà vừa làm phòng ngủ, vừa làm nơi khởi nghiệp. Thời gian đầu, facebook cá nhân của Nga như một tiệm tạp hóa, bán tất cả những gì bà con sản xuất ra như gạo, gừng, nghệ, mật ong, sâm..

Ý tưởng kinh doanh các sản phẩm từ gạo lứt bắt nguồn từ sự gắn bó của Nga với các bữa cơm của người đồng bào. Thấy hạt gạo lạ, ăn ngon qua tìm hiểu thấy hàm lượng dinh dưỡng cao cô gái trẻ hy vọng có thể tạo ra các sản phẩm kinh doanh gắn với hạt gạo này.

Khi có ý tưởng, việc kinh doanh chưa thể bắt đầu ngay vì gạo lứt trong văn hóa của người dân tộc thiểu số ở Quảng Nam là một loại hạt quý, không sản xuất đại trà, chỉ để ăn chứ không đem bán. Để kinh doanh, Nga đi xe máy hàng chục cây số lên vùng nguyên liệu của bà con từ sớm tinh mơ, thuyết phục từng người có thể cung cấp nguyên liệu cho mình. Ban đầu, bà con không đồng ý. Dần dần, thấy cô gái trẻ chân thành, lại có thiện cảm với những chuyến tình nguyện của Nga vào bản nên đã cho phép cho cô mang gạo về sản xuất.

Có những ngày mưa gió, cô gái trẻ phải vượt cả quãng đường xa lên rẫy để đèo những bao gạo nặng 50 kg. Đường trơn trượt, Nga phải mím môi, gồng mình để không bị ngã. Nhưng khó khăn trong hành trình khởi nghiệp chưa dừng lại.

Nga cho biết: “Do không nghiên cứu thị trường, nên mình chỉ làm các sản phẩm mình thích chứ thị trường không cần. Rồi mình lại vấp phải khó khăn khi đem hạt gạo lứt sản xuất với các công thức của hạt gạo thường”.

Đỉnh điểm, lần thất bại ám ảnh nhất với cô là việc phải “đổ sông, đổ biển” hơn 200 kg gạo lứt do không thể tìm ra công thức sản xuất. Thất bại đến dồn dập khiến cô gái trẻ nhiều lần nghĩ đến việc sẽ bỏ tất cả để về lại TP HCM làm báo. Nhưng với bản tính kiên trì, cô không cho phép mình bỏ cuộc.

Những sản phẩm đầu tiên cũng được ra đời sau thời gian dài thử nghiệm và thay đổi công thức. Nga xuất xưởng được những đơn hàng đầu tiên và có những khách hàng trung thành. Sau gần 7 năm khởi nghiệp, công ty “một cổ đông” duy nhất là bản thân của Nga vẫn đảm bảo lợi nhuận tăng 20%/năm với 200 đại lý và nhà phân phối trên khắp cả nước. Từ không gian phòng ngủ 15m2, xưởng được mở rộng hơn nhờ cải tạo góc chuồng heo của ba mẹ. Giờ đây, Nga có cơ sản xuất riêng với công xưởng sắp hoàn thành rộng 600m2.

Hiện, xưởng sản xuất của cô 100% công nhân đều là người dân tộc thiểu số, trong đó hơn 50% là những người có hoàn cảnh khó khăn và từng được cô giúp đỡ. Trong tương lai, cô gái trẻ hy vọng có thể đưa mô hình sản xuất của mình vào khu công nghiệp để tạo thêm sinh kế cho hàng chục người dân quê mình. Đó cũng là lý do, Minh Nga quyết định lên Shark Tank gọi vốn và được chấp thuận với deal 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần từ “cá mập” đồng hương Lê Hùng Anh.

Với Nga, hành trình 7 năm khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng là quãng đường cô vượt qua sự phản đối của gia đình để tự làm chủ cuộc đời mình, đương đầu với khó khăn để khởi nghiệp với các sản phẩm không chỉ là bánh và trà mà còn là văn hóa Bh.nong.

Bài viết cùng chủ đề: