Do trồng theo phương pháp hữu cơ, vườn thanh long hoàn toàn không dùng thuốc trừ sâu. Để quả có vỏ đẹp, bắt mắt, anh Quyền dùng nước vôi trong để phun trị muội quả.
Năm 2015, trên khu đất đồi rộng 5ha thuộc phường Quang Trung (TP Uông Bí), anh Nguyễn Tôn Quyền nhập giống cây thanh long ruột đỏ từ một đơn vị viện nghiên cứu uy tín về gieo trồng. Đây là giống cây cho năng suất cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cây thanh long ruột đỏ của anh Quyền đến thời kỳ ra quả có thể cho thu hoạch 9-10 đợt/năm. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ tháng 4 tới tháng 11 dương lịch. Trung bình mỗi đợt quả đạt sản lượng từ 3 – 5 tấn, một năm cho thu hoạch khoảng 40 – 50 tấn thanh long. Với giá bán 25.000 đ/kg, mỗi năm vườn thanh long cho thu nhập khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Anh Quyền cho biết, thanh long được anh trồng hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Để đảm bảo đúng quy trình, anh Quyền rất cẩn thận từ khâu đất trồng, nước tưới, phân bón cho đến cách chăm sóc cây theo bí quyết mà anh tự tìm hiểu và học hỏi từ những người có kinh nghiệm lâu năm.
Theo anh Quyền, việc trồng thanh long hữu cơ mang lại lợi nhuận gấp đôi, thậm chí gấp ba so với cách trồng truyền thống, bởi vốn dĩ loại cây ăn quả này cũng không quá tốn chi phí chăm sóc.
Vườn thanh long của anh Quyền sử dụng phân hữu cơ được làm từ phân gà ủ mục với trấu và vôi bột. Theo anh Quyền chia sẻ, phân gà được cho rằng chứa nhiều hàm lượng hữu cơ cao cũng như các hàm lượng natri, photo, kali vượt trội hơn hẳn phân dê hay như phân trâu.
Nhờ chứa nhiều dưỡng chất nên phân gà được đánh giá cao trong việc sử dụng để hỗ trợ bổ sung cho đất đối với các loại cây trồng ăn trái.
Trung bình mỗi năm, một gốc thanh long được bón 30kg phân hữu cơ được chia làm 2 lần, lúc cây ra hoa và lúc thu hoạch xong. “Đây là giai đoạn mà cây cần bổ sung nhiều dưỡng chất nhất, vì vậy, nếu được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cây mạnh khỏe, cho trái ngon, quả ngọt”, anh Quyền chia sẻ.
Vườn thanh long được tưới nước theo công nghệ Israel. Theo đó, một hệ thống đường ống nước sẽ được kiểm soát để tưới nhỏ giọt cho từng gốc cây với liều lượng nhất định. Hệ thống này chắc chắn sẽ tiết kiệm nước hơn so với việc phun nước tưới thông thường nhưng vẫn đảm bảo lượng nước cần thiết cung cấp cho cây trồng.
Đặc biệt, do trồng theo phương pháp hữu cơ, vườn thanh long hoàn toàn không dùng thuốc trừ sâu. Để quả có vỏ đẹp, bắt mắt, anh Quyền dùng nước vôi trong để phun trị muội quả. Cách làm này giúp anh tiết kiệm chi phí, lại không ảnh hưởng đến chất lượng quả, bên cạnh đó còn giúp cây cứng cáp, khỏe mạnh hơn.
Hiện tại, thanh long ruột đỏ của anh Quyền được tiêu thụ tại các siêu thị, chung cư trên địa bàn TP Uông Bí, Hạ Long và Hà Nội.
“Thời gian vừa qua, mặc dù dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp nhưng sản phẩm của tôi vẫn tiêu thụ hết. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng sản lượng lên gấp đôi để cung cấp ra thị trường. Ngoài ra, tôi sẽ đầu tư thêm hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm, đăng ký sản phẩm OCOP và dán tem truy xuất để người tiêu dùng có thể biết được nguồn gốc cũng như quy trình sản xuất ra sản phẩm”, anh Quyền vui vẻ nói.
Không chỉ thành công với cây thanh long, anh Quyền còn đầu tư phát triển chăn nuôi và hướng đến mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Với quy mô trang trại gà gồm 6 chuồng nuôi, chi phí đầu tư ban đầu trại gà của anh Quyền lên đến gần 40 tỷ đồng. Hiện nay anh Quyền đang chuẩn bị vào giai đoạn đầu tư thứ 2, nâng cấp quy mô trang trại gà lên gấp đôi với 12 chuồng nuôi, tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng, đảm bảo tổng đàn 80.000 con/lứa.
Giai đoạn đầu tư thứ 3 với mức đầu tư thêm 40 tỷ đồng nữa dành cho việc xây dựng cơ sở chế biến thức ăn, giết mổ tập trung, kho lạnh để bảo quản sản phẩm, phát triển các kênh phân phối trực tiếp ra thị trường, tiến hành trồng cây ăn quả để sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm của con gà… Tham vọng của anh Nguyễn Tôn Quyền là đến năm 2025 có được tổng đàn gà 500.000 con/năm tại Uông Bí và một thương hiệu gà riêng của đơn vị mình trên thị trường.
Với suất đầu tư chăn nuôi gà lớn như vậy, theo anh Quyền đây là quy trình đầu tư khoa học, khả thi, giá trị kinh tế mang lại là chắc chắn, cao và bền vững. Anh Quyền tính toán: Thời gian thu hồi vốn là 8 năm, ít nhất 12 năm tiếp theo sẽ là lợi nhuận ở mức cao vì không gánh chi phí đầu tư.
Hiện nay ngoài tập trung vào nuôi gà, anh Nguyễn Tôn Quyền còn đầu tư vào vườn thanh long ruột đỏ ứng dụng công nghệ nhà giàn, tưới tự động của Israel. Anh Quyền cũng đang đề xuất TP Uông Bí cho canh tác thử nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao về trồng cây mắc ca, trồng cây dổi xanh, lim lùn trên đất đồi thấp.
Riêng đối với cây mắc ca, anh Quyền cho rằng tiềm năng để phát triển loại cây này trên đất rừng Uông Bí nói riêng, toàn tỉnh nói chung là lớn. Cơ sở để anh khẳng định như vậy là việc ứng dụng giống cây mắc ca ghép, có thể cho quả ngay từ năm thứ 3, bên cạnh đó chất đất, khí hậu bản địa phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của loại cây “tỷ đô” này.
- Hà Nội có thêm 5 quận mới trước năm 2030
- Bỏ 150 triệu đồng mua “lạc”, người dùng bán lại Hyundai Tucson Diesel với giá ngỡ ngàng
- Bị trẻ nhỏ “vẽ bùa” lên toàn bộ ngoại thất, xe Mercedes-Benz có chi phí sơn lại lên tới 40 triệu đồng
- Bồi hồi nhớ thức quà dân dã "vừa nổ vừa ăn", tuổi thơ của biết bao thế hệ
- 6 địa danh "nhuốm màu thời gian" mang giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa trên đất Việt