600km cao tốc đầu tiên và câu chuyện vừa làm vừa mò mẫm

Dịp 30/4 tới, sẽ có thêm 5 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đưa vào khai thác, và dự kiến đến cuối năm 2025 cả nước sẽ có 3.000km cao tốc.

Tuy vậy, để có những km cao tốc đầu tiên, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đã phải mò mẫm để tìm ra cơ chế, chính sách phù hợp, đến việc tìm nguồn vốn triển khai dự án.

Tiếp tục mạch chuyện lịch sử “Cung đường thống nhất” nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, PV VOV Giao thông đối thoại cùng ông Hồ Nghĩa Dũng, Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT xung quanh nội dung này.

Ông Hồ Nghĩa Dũng - nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

Ông Hồ Nghĩa Dũng – nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

PV: Được biết ông là một trong những người tham gia vào việc xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên tại Việt Nam. Vậy xin ông cho biết bối cảnh làm cao tốc thần kỳ đó nó như thế nào, ví dụ từ nhu cầu hiện ra sao, rồi điều kiện kinh tế xã hội thế nào vấn? Đề kỹ thuật con người và pháp lý thời điểm đó như thế nào?

Ông Hồ Nghĩa Dũng: Từ đầu những năm 2000, Bộ Giao thông vận tải đã bắt đầu chú ý tới việc tập trung nghiên cứu để xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc của đất nước. Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với một số tổ chức tư vấn nước ngoài như của Ngân hàng thế giới, JICA Nhật Bản để tập trung nghiên cứu và đặt nền móng hợp tác, xây dựng những công trình đường bộ cao tốc Việt Nam.

Sau một thời gian phối hợp nghiên cứu Bộ Giao thông vận tải đã trình cho Thủ tướng một quy hoạch về đường bộ cao tốc Việt Nam vào năm 2008. Lúc đấy tiềm lực của đất nước còn rất khó khăn. Việc duy trì hệ thống đường bộ sẵn có cũng là một khó khăn, huống hồ chi bây giờ chúng ta nghĩ đến việc phải xây dựng các hệ thống đường bộ cao tốc thì lại càng khó khăn.

Thế nhưng sau khi quy hoạch được phê duyệt, thì Bộ Giao thông vận tải cũng đã tiến hành làm chủ đầu tư nhiều tuyến và làm báo cáo đầu tư, rồi bắt đầu đầu tư xây dựng một số tuyến đầu tiên.

Ví dụ như Hà Nội lúc đấy đã đầu tư đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, là một trong những tuyến cao tốc đầu tiên; Láng – Hòa Lạc, rồi Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội- Hải Phòng, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, rồi Sài Gòn – Trung Lương, Bến Lức – Long Thành… thì đấy là những tuyến được phê duyệt và được khởi động đầu những năm 2000.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ

PV: Như ông chia sẻ, đó những tuyến cao tốc đầu tiên. Vậy, chúng ta phải mò mẫm về cơ chế, về nguồn vốn ra sao?

Ông Hồ Nghĩa Dũng: Ban đầu cũng có rất nhiều khó khăn, thứ nhất chúng ta chưa từng làm, chưa có kinh nghiệm và từ đấy chúng ta chưa có những thể chế, quy chế, quy định về pháp luật thật chặt chẽ để đầu tư xây dựng và phát triển. Rồi cái nguồn vốn đầu tư khó khăn…

Nhưng với nội lực trong nước, đồng thười với sự hợp tác quốc tế, trong giai đoạn đó chúng ta đã tranh thủ được sự hợp tác quốc tế của các nước phát triển, trong đó thực hiện được các hợp tác, sử dụng các nguồn vốn ODA song phương và đa phương, từ ngân sách quốc gia, từ phát hành trái phiếu… làm cái đối ứng để xây dựng cái này, nó rất khó khăn. Thế nhưng cũng đã khắc phục được, từng bước khắc phục được.

Điều thứ hai là về thể chế. Lúc đấy Nhà nước phải làm trực tiếp khá nhiều. Sau đó thì cũng đã thành lập một doanh nghiệp VEC bây giờ, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc, cũng là học tập mô hình của một số nước trên thế giới để làm doanh nghiệp nhà nước, nòng cốt để làm cái này. Nhà nước vay vốn ODA, nhưng cho các doanh nghiệp vay lại và đầu tư và doanh nghiệp đó tiếp tục phải hoàn trả lại vốn ODA này.

PV: Khi có những cao tốc đầu tiên thì cảm xúc cá nhân của ông như thế nào và có trải nghiệm đáng nhớ trong quá trình mà cả quá trình đầu tư đưa vào khai thác sau này?

Ông Hồ Nghĩa Dũng: Khi nó được đưa vào thì mình có thể tự hào, cái đầu tiên đúng là đường cao tốc. Làm những tuyến đường cao tốc đầu tiên, thứ nhất là theo đúng tiêu chí của quốc tế. Ví dụ ODA họ rót vốn vào đấy, họ làm đúng theo quy định, họ phải duyệt quy hoạch cơ, chứ không phải là ông muốn làm gì cũng làm đâu.

Cho nên nhìn thấy mấy trăm cây số đầu tiên bao giờ cũng phải là 4 làn, có làn dừng khẩn cấp, không ai nói là không đúng tiêu chuẩn quốc tế. Anh em công nhân, người người làm giao thông rất tự hào, được đi trên những con đường chưa từng được đi.

Trong thời gian bắt đầu từ khi mà xây dựng quy hoạch mạng lưới cao tốc cho đến khi ông nghỉ hưu với cương vị là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, thì có khoảng bao nhiêu km cao tốc được hình thành?

Tôi không nhớ chính xác, nhưng khoản 600 km cao tốc đầu tiên là được được phê duyệt, rồi được đầu tư, và một phần hoàn thành trong giai đoạn mà tôi làm việc. Tôi cho rằng cái đấy nó còn rất khiêm tốn, nhưng nó đạt được những tiền đề cơ bản, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm để mà mình thực hiện sau này, kể cả về xây dựng thể chế, kể cả việc huy động nguồn vốn, kể cả việc sử dụng nguồn nhân lực, rồi cả cơ chế quản lý.

Ngày xưa là tập trung hết vào Bộ, hầu như là Bộ làm chủ đầu tư, bây giờ đưa về các địa phương, các địa phương chủ động rất nhiều, cho nên từ thể chế nó cũng đổi mới nhiều, rồi đặc biệt nguồn lực về tài chính cũng tốt nhiều, cơ chế hoàn thiện dần dần. Cho nên bây giờ tôi đánh giá là tốc độ rất nhanh, quy mô, tốc độ rất nhanh và vì thế chắc chắn nó sẽ hiệu quả nhiều.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: https://vovgiaothong.vn/newsaudio/600km-cao-toc-dau-tien-va-cau-chuyen-vua-lam-vua-mo-mam-d44378.html