Giống vịt bầu cổ xanh có chất lượng thịt thơm, ngon, được nuôi nguồn nước sạch. Trong những năm qua nhờ tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, nhiều hộ gia đình ở Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã có thu nhập khá từ nuôi giống vịt đặc sản này.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Ma Tấn Côn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) cho biết, tận dụng điều kiện có sẵn về đồng ruộng, ao suối, trong những năm gần đây, các hộ gia đình dân tộc Tày tại các bản ở xã Nghĩa Đô như Nà Đình, Nà Khương, bản Nà Uốt, Thâm Mạ, bản Ràng, bản Hón, bản Rịa, bản Thâm Luông… đã đưa giống vịt bầu cổ xanh vào nuôi với quy mô lớn để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày và cung cấp ra thị trường.
Đến nay, giống vịt bầu cổ xanh là một trong các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của xã Nghĩa Đô, với chất lượng thịt vịt bầu thơm, ngon, được nuôi nguồn nước sạch, mát chỉ ở Nghĩa Đô mới có.
Vịt bầu cổ xanh có đặc điểm cổ rụt, có thân hình bầu bĩnh, đầu to, chân ngắn. Vịt có trọng lượng nặng trung bình 2 đến 2,5kg/con, nuôi khoảng 6 tháng tuổi thì xuất bán. Giống vịt bầu cổ xanh có khả năng kháng, chống chịu bệnɦ rất tốt thích nghi với điều kiện tự nhiên.
Đặc biệt, giống vịt bầu cổ xanh khá bổ dưỡng, với nhiều loại vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng khác.
Ông Côn cho biết thêm, vịt bầu cổ xanh Nghĩa Đô là vật nuôi bản địa được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến từ khá lâu. Các món ăn đặc sản chế biến từ sản phẩm vịt bầu được thị trường người tiêu dùng rất ưa chuộng, đặc biệt là vào các ngày rằm (tháng 5, tháng 7).
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư, quy hoạch, bảo tồn phát triển sản phẩm vịt bầu cổ xanh Nghĩa Đô, đến nay toàn xã đã có trên 50 hộ chăn nuôi giống vịt này, với số lượng trên 100.000 nghìn con, mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Lương Văn Măng, xã Nghĩa Đô cho biết, gia đình đang chăn nuôi trên 500 con giống vịt bầu cổ xanh. Hiện nay, ngoài chăn nuôi vịt thương phẩm để bán, gia đình ông còn cung cấp giống vịt cho các hộ dân tại xã; giá bán trứng từ 5.000đ – 7.000đ/quả; giá bán vịt thịt là 250.000đ/con. Từ nguồn thu tăng thêm từ bán vịt và trứng, mỗi lứa xuất bán vịt thịt thu về trên 100 triệu đồng.
“Trước kia, gia đình tôi nuôi vịt theo phương thức truyền thống là thả chạy đồng và chỉ làm chuồng trại đơn sơ cho vịt ở tạm, cách làm này về lâu dài không hiệu quả. Từ đó, tôi đã làm lại chuồng trại kiên cố, nhân đàn, tăng số lượng nuôi theo hướng chăn nuôi hàng hóa, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như cây chuối, ngô, thóc làm thức ăn cho vịt. Nhờ đó, việc tăng số lượng đàn vịt thuận lợi, năng suất, chất lượng và giá trị thu nhập cũng cao hơn”, ông Măng chia sẻ.
Để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, năm 2020, HTX Vịt bầu Nghĩa Đô được thành lập với 15 thành viên. Các thành viên tham gia phải đảm bảo có quy mô chăn nuôi tối thiểu từ 500 con trở lên và phải tuân thủ đúng quy trình chăm sóc theo hướng an toàn sinh học. Họ hỗ trợ lẫn nhau trong việc chia sẻ kinh nghiệm, con giống và đầu ra cho sản phẩm.
Cũng có thu nhập khá từ nuôi giống vịt bầu cổ xanh, gia đình chị Nông Thị Nhình phấn khởi chia sẻ: “Từ khi thành lập HTX người dân chúng tôi không lo về đầu ra nữa, kinh tế chắn chắn sẽ khấm khá lên, sẽ xóa được đói, giảm được nghèo. HTX được thành lập chúng tôi rất vui mừng, 15 hộ dân sẽ liên kết với nhau. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sẽ đầu tư hỗ trợ máy ấp để chúng tôi chủ động con giống đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi ở địa phương và các xã lân cận”.
Sau nhiều năm nghiên cứu, tạo thương hiệu, ngày 9/11/2021, Vịt bầu Nghĩa Đô đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Dân Việt
- Không mong ước gì nhiều, chỉ cần khi về già có một ngôi nhà hoa như thế này thôi
- Bánh đúc – từ món nhà nghèo đến thức quà tuổi thơ thơm nức lòng
- Xót xa cảnh người cha trẻ nằm liệt giường, hai con nhỏ mờ mịt tương lai
- Thái Hòa yêu sâu đậm Xuân Lan trên phim, gây tò mò với hình ảnh “đại gia tài phiệt”
- Sau 1 năm về quê tôi nhận ra: "Tinh thần tê liệt, mọi thứ không thể thỏa mãn, tôi sống chết tìm cách quay lại thành phố"