Để mũ cảnh sát, thẻ báo chí hay xe dán tem “na ná” ô tô của cảnh sát giao thông… là những chiêu trò được nhiều tài xế cố tình áp dụng. Nhưng trên thực tế, chúng chẳng giúp được gì nếu vi phạm giao thông.
Dưới đây là những kiểu “phông bạt” của cánh tài xế nhằm mục đích qua mặt lực lượng chức năng khi tham gia giao thông, hoặc đơn giản là để đỗ xe “chùa” không bị làm phiền:
Để mũ, quần áo của công an trên xe
Việc một người làm trong ngành công an khi di chuyển bằng ô tô cá nhân để trang phục như mũ, áo quần… trên xe của mình là điều hết sức bình thường.
Tuy vậy, không hiếm gặp trên đường những chủ xe không phải là công an, thậm chí chẳng có quan hệ gần gũi gì với người trong ngành nhưng cũng cố trang bị cho mình một chiếc mũ kê-pi, trưng ở một nơi rất dễ thấy như kính trước, kính sau của xe.
Đây là chiêu ngụy trang với mục đích biến mình như một người trong ngành đang “đi làm nhiệm vụ”, hòng lưu thông thuận lợi hơn và qua mặt các chốt CSGT trên đường.
Tất nhiên, CSGT chẳng lạ gì chiêu trò “làm màu” này, và nhiều xe có mũ áo của ngành nhưng vẫn bị xử phạt bình đẳng như tất cả các trường hợp khác. Thậm chí nếu những người trên xe không phải là công an thì CSGT sẽ phối hợp với lực lượng Điều lệnh của Bộ Công an để lập biên bản tịch thu mũ áo và xử lý sai phạm.
Giấy ra vào cơ quan
Một vật khá phổ biến khác hay được các chủ xe cố tình cài lên kính lái là các loại giấy ra vào các cơ quan nhà nước, phù hiệu của xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ… Dù chưa biết những loại giấy tờ trên có của chính chủ hay không nhưng vô hình trung tạo nên một tấm “bùa hộ mệnh” khi đi đường với tâm lý nghĩ rằng CSGT sẽ không dám làm khó “cán bộ”.
Phía công an khẳng định, những loại giấy tờ ra vào cơ quan không hề có giá trị ưu tiên khi tham gia giao thông trên đường, lại càng không được ưu ái khi vi phạm giao thông. Trên thực tế, rất nhiều xe sử dụng “bùa hộ mệnh” vi phạm giao thông vẫn bị lực lượng chức năng thẳng tay xử lý.
Thẻ phóng viên báo chí
Tương tự như các loại giấy đi đường nói trên, một số loại giấy phù hiệu như “Thẻ hội viên Hội Nhà báo”, “Báo chí/Press” hay “Xe hoạt động báo chí”… cũng được nhiều người in khổ to, ép plastic cẩn thận và để trên kính lái với mong muốn được “nể mặt” khi trót vi phạm.
Về những tấm phù hiệu này, Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, đơn vị không cấp phù hiệu để trên xe ô tô, kể cả xe công vụ. Theo Hội Nhà báo Việt Nam, hoạt động cơ quan báo chí cũng bình đẳng như những cơ quan nhà nước khác nên không có chuyện cấp phù hiệu để ưu tiên khi lưu thông trên đường. Đồng thời đề nghị lực lượng chức năng lý nghiêm các trường hợp gắn phù hiệu vi phạm giao thông.
Dán decal “na ná” xe tuần tra của CSGT
Gần đây, rất nhiều xe ô tô màu trắng được chủ nhân dán loại decal xanh chạy ngang thân xe giống như của xe tuần tra của CSGT, khiến nhiều người đi đường nhầm lẫn. Việc làm này ngoài mục đích thích thể hiện và “dọa” với những người tham gia giao thông yếu bóng vía thì không có tác dụng nào khác.
Lắp đèn nháy, còi hụ
Không ít ô tô, nhất là các xe SUV gầm cao được chủ nhân của mình lắp thêm đèn nháy ở kính lái giống như xe của công an đi làm nhiệm vụ với mục đích khi đi đường sẽ “oách” hơn và được các xe khác nhường đường. Tuy vậy, hành vi lắp thêm đèn nháy, còi hụ là không được phép và có thể “phản tác dụng” khi gặp CSGT.
Theo VietNamNet
- Là con gái, năm mới chỉ làm đúng theo những câu nói này là đời sẽ khởi sắc
- Nữ chính phim cổ trang Việt cứ cất giọng là khán giả khó chịu, xinh đẹp nhưng quá tuổi đóng thiếu nữ?
- Đã có lúc tôi mơ về một ngôi nhà nhỏ, một mảnh vườn xinh: Mỗi ngày "trồng rau nuôi cá"
- Nhà đã bán tăng giá 26 lần, chủ cũ hối hận kiện người mua để đòi tiền
- Tôi muốn xây nhà ở tuổi 30 nhưng bị người thân “gàn” vì lý do tuổi còn trẻ