Chưa bao giờ phong trào trồng sầu riêng ở khu vực phía Nam phát triển ào ạt như hiện nay. Nguyên nhân là do sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hút hàng, giá cao. Tuy nhiên, ngành chức năng cảnh báo việc trồng quá nhiều sẽ dẫn đến thừa sản lượng, rớt giá và thậm chí “giải cứu” trong thời gian tới là khó tránh khỏi.
Dự báo giá giảm dần
Sau giai đoạn tăng giá khủng thì những ngày đầu tháng 3-2023, giá sầu riêng ở các tỉnh ĐBSCL có chiều hướng hạ nhiệt. Ông Phan Văn Hoằng, canh tác 8 công sầu riêng ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Nếu như hồi đầu tháng 2, nhiều thương lái đến tận vườn thu mua sầu riêng Thái Monthong với giá từ 160.000-180.000 đồng/kg, thậm chí 200.000 đồng/kg thì nay giảm xuống mức 120.000-130.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 giá từ 120.000-130.000 đồng/kg cũng giảm còn 90.000-100.000 đồng/kg…
Với giá này nông dân trồng sầu riêng vẫn lời khá, nhưng không còn “đậm” như trước nữa”. Theo ông Hoằng, ở Tiền Giang là nơi có diện tích sầu riêng nhiều nhất ĐBSCL với hơn 17.000ha, dự kiến khoảng giữa tháng 3-2023 trở đi nhiều nơi trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh xung quanh bắt đầu vào vụ thu hoạch sầu riêng, khi đó nhiều khả năng giá sẽ tiếp tục giảm lại.
Cũng suy nghĩ này, ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX trái cây Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, cho hay: “Vùng trồng sầu riêng ở xứ này từ giữa đến cuối tháng 3-2023 trở đi sẽ thu hoạch; qua nắm thông tin thị trường thì giá sầu riêng Ri6 hiện còn khoảng 100.000 đồng/kg, giảm so với thời gian trước và khả năng khó giữ được mức này khi mà nhiều nơi đồng loạt thu hoạch sầu riêng…”.
Tại Bến Tre, những nông dân trồng sầu riêng nhìn nhận, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán 2023 do các nơi chưa vào vụ thu hoạch, vì vậy số lượng cung ứng ra thị trường rất ít, cộng với “cơn số𝔱” xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhờ đó nên giá mới cao kỷ lục như vậy. Tới đây, chỉ mong sầu riêng giữ giá từ 50.000-70.000 đồng/kg thì người trồng cũng sống khỏe rồi; vấn đề lo ngại là giá có nguy cơ giảm thêm theo quy luật cung – cầu khi các nơi đồng loạt tới kỳ thu hoạch…
Ông Nguyễn Văn Bạc, nhà vườn trồng sầu riêng ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Hiện sầu riêng đang có giá rất cao nên người dân phát triển loại cây trồng này cũng là điều dễ hiểu. Vì giá trị cao nên kỹ thuật canh tác sầu riêng cũng không hề dễ. Ngoài thời gian sinh trưởng từ 4 năm trở lên mới cho trái thì chi phí đầu tư khá cao và kỹ thuật làm bông cho trái cũng khá phức tạp. Hơn 50 gốc sầu riêng gần 8 năm tuổi của gia đình phải mất 2 mùa vụ sản xuất không hiệu quả, giờ kỹ thuật canh tác được nâng lên mới cho năng suất ổn định”.
Nếu trước đây cây sầu riêng được huyện Phụng Hiệp quy hoạch trồng ở các địa phương như: Thạnh Hòa, Tân Bình, Long Thạnh thì hiện nay loại cây trồng này đã có mặt ở 15 xã, thị trấn của huyện. Đặc biệt khi sầu riêng được nhập khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì diện tích càng được mở rộng.
Muốn bền vững, phải chất lượng
Hiện nay tại các địa phương thuộc vùng ĐBSCL, Đông Nam bộ và Tây Nguyên cây sầu riêng đang có hiện tượng phát triển “nón𝔤”, đặc biệt là mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; một số nơi đã phá cây cà phê, hồ tiêu để trồng xen sầu riêng; đồng thời chuyển đổi đất lúa ở ĐBSCL để trồng sầu riêng… Với việc diện tích sầu riêng tăng ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn…
Cục Trồng trọt lưu ý, nguy cơ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ, rớt giá là khó tránh khỏi. Nghiêm trọng hơn là việc phát triển loại cây này tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới tiêu sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.
Cục Trồng trọt cũng lưu ý, thay vì các địa phương tăng diện tích, sản lượng sầu riêng thì cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sầu riêng.
Các địa phương tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây sầu riêng; công tác thẩm định, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; liên kết với doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất…
Cần thấy rằng, theo đề án của Bộ NN&PTNT về phát triển bền vững cây ăn trái chủ lực đến năm 2030 thì diện tích sầu riêng cả nước được quy hoạch khoảng 65.000-75.000ha.
Tuy nhiên, cơn “số𝔱” sầu riêng trong thời gian qua, nhất là từ tháng 9-2022 sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã tạo cú hích đẩy giá tăng cao, vì vậy nông dân ở các địa phương phía Nam đã “chạy đua” trồng sầu riêng, đưa diện tích hiện nay lên khoảng 80.000ha, mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Đáng lo ngại là chỉ có khoảng 20% sản lượng sầu riêng được xuất vào thị trường Trung Quốc, do đó nguy cơ xảy ra “dội chợ – rớt giá” là khó tránh khỏi.
Cũng cần lưu ý rằng, trong lúc các nơi ở ĐBSCL và các nơi mở rộng diện tích, tăng sản lượng sầu riêng thì ở Thái Lan (quốc gia xuất khẩu sầu riêng hàng đầu trên thế giới, nhất là xuất sang thị trường Trung Quốc từ nhiều năm qua), đã chủ động nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu.
Cụ thể, Thái Lan sẽ nâng chất khô tối thiểu đạt 35%, thay vì 32% như năm trước, khi chất khô trong trái sầu riêng tăng thì nước ít đi và trái sầu riêng sẽ chắc và ngon hơn; điều này giúp người tiêu dùng thưởng thức sầu riêng chất lượng hơn. Ngoài ra, Thái Lan sẽ tăng cường xuất khẩu sầu riêng bằng đường bộ và đường sắt quá cảnh qua Lào để vận chuyển vào Trung Quốc nhằm nhanh hơn khi đi đường biển; động thái này làm tăng thêm tính cạnh tranh…
Với sự “chuyển bộ” của đối thủ xuất khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới như Thái Lan thì việc Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa lên tiếng đề nghị chấn chỉnh ngay việc bùng nổ mở rộng diện tích sầu riêng là động thái cần thiết.
Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX trái cây Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ cho hay, vừa tổ chức họp và khuyến cáo bà con không trồng mới sầu riêng, bởi câu chuyện được giá rồi rớt giá vẫn thường xuyên xảy ra đối với sầu riêng, mà nông dân là người chịu thiệt đầu tiên. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng mã số vùng trồng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc và những thị trường khác… Có như vậy mới bền vững được.
H.TÂN – D.KHÁNH
- Đàn ông thích hôn chỗ nào nhất trên cơ thể phụ nữ? Vị trí cuối cùng “cực gắt” khiến chị em điên đảo
- Nhà vườn của vợ chồng trung niên, “chẳng đâu bình yên bằng ở quê nhà”
- Mẹ bán đất 500 triệu cho tôi đi học, giờ đất lên 5 tỷ, còn tôi lương 5 triệu/ tháng
- Nhà không chịu di dời vì chuyện “tế nhị”: 97 tỷ tiền đền bù cũng chẳng to bằng lý do mà chủ nhà đưa ra
- Hơn cả năng lực, 12 phẩm chất này mới là “chất xúc tác quyết định đến 99% khả năng thành công