Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
4930 lượt xem

Mẹ già 92 tuổi nai lưng nuôi con gái bị bệnh tâm thần hơn 30 năm: Chỉ mong sống thêm vài ngày nấu cho con bữa cơm

Ai cũng thương cảnh mẹ già tóc bạc phải lo cho con gái bệnh tật. Thi thoảng, nhà ai có đám, có người đi xa về chơi lại mang ít đồ của nhà có được sang biếu cụ gọi là.

Đó là tình cảnh đáng thương của hai mẹ con cụ Dương Thị Tùng, tên thường gọi là cụ Lan (92 tuổi) ở xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Cô con gái con mỗi năm ngồi xổm bó gối 6-7 tháng

Cụ Lan vốn có 6 người con, trong đó có 5 người con gái 1 người con trai. Cô con gái đầu lấy người trong xã nhưng chồng đã mất vì bệnh hiểm nghèo. Cô con dâu của cụ cũng bị bệnh ung thư hạch mà qua đời cách đây ít năm. Từ khi vợ mất, con trai cụ sức khỏe cũng yếu dần, suốt ngày ốm đau.

Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng chưa một lần cụ Lan yên tâm vì nỗi lo cho cô con gái “có lớn mà không có khôn”. Chị Đặng Thị Thảo – con gái cụ Lan năm nay đã 55 tuổi bị bệnh tâm thần, một năm thường ngồi xếp gối một chỗ 6-7 tháng và chỉ khỏe mạnh vài tháng còn lại.

Trên khuôn mặt đã nhăn nhúm vết chân chim, người mẹ già một đời khắc khổ tâm sự: “Tui giờ chỉ mong sống được thêm ngày nào hay ngày đó để lọ mọ nấu cho hấn (hắn) bữa cơm. Chớ hấn cứ ngồi một nơi, ngồi quanh năm suốt tháng rứa thì biết mần chi được nựa (nữa)”.

Theo lời người làng, thuở 18 đôi mươi, chị Thảo từng là một cô gái xinh đẹp, chăm làm và có nhiều người đến dạm hỏi. Chị Thảo cũng có người yêu, hai bên gia đình đã ưng, chỉ chờ ngày đến ăn hỏi. Tuy nhiên, sau một lần đi tăng gia sản xuất ở dọc triền sông Ngàn Sâu, chị Thảo bị đổ bệnh sinh ra trái tính. Từ ấy, cuộc đời chị rẽ vào ngõ cụt.

Tính đến nay, chị Thảo đã mắc bệnh tâm thần hơn 30 năm. Những khi trái gió trở trời, bệnh của chị càng nặng hơn. Do ngồi xếp gối một nơi nên từ ăn uống đến đi vệ sinh chị cũng “tiện một chỗ”. Có những lúc, cơm chị không ăn mà lại đem đi đổ cho gà, chó. Nhìn cảnh con ngồi xổm giữa đàn gà nhốn nháo, người mẹ già chống gậy tre không vững nước mắt trào ra trong bất lực.

Khi tiếp xúc, có thể nhiều người sẽ giật mình vì đầu chị Thảo không còn sợi tóc nào. Tuy nhiên, với người làng đây là điều bình thường vì hàng chục năm ngồi xếp gối một chỗ chị Thảo đã tự vặt hết tóc mình. Do đó, bây giờ đầu chị mới nhẵn thín như sư. Chị Sửu, hàng xóm cụ Lan kể rằng: “Lúc O Thảo tỉnh táo nhà tui có hỏi răng lại vặt tóc sạch rứa, thì O nói là ngứa, ngứa nỏ chịu được nên vặt”.

Chuyện nói không ai tin, nhưng từ khi chị Thị Sửu về làm dâu tại xã Hòa Hải đã chứng kiến chị Thảo ngồi bó gối liền tù tì hàng chục năm. “O Thảo cứ ngồi bó gối một chỗ rứa hàng chục năm liền. Người ta bảo nhau là ngồi cho đầu gối xếp ngang tai vậy mà có ngày O dậy được. Bỗng dưng có một ngày O mang chậu ra giếng tắm rửa, giặt đồ khiến ai cũng mừng. Mấy năm gần đây, O Thảo chỉ khỏe như rứa được khoảng 1-2 tháng”.

Thấy con dậy được, đi cuốc cỏ rau, lên đồi đào đất để mẹ trỉa ngô cụ Lan cũng mừng đáo để. Tuy nhiên, một vài tháng sau chuyện đâu lại vào đấy, chị Thảo lại ngồi xếp gối một chỗ và suốt ngày nói lảm nhảm. Hết khóc cha, khóc mẹ rồi đến chửi hàng xóm.

Ban đầu nhiều người thấy phiền toái nhưng lâu dần thành quen. Ai cũng thương cảnh mẹ già tóc bạc phải lo cho con gái bệnh tật. Thi thoảng, nhà ai có đám, có người đi xa về chơi lại mang ít đồ của nhà có được sang biếu cụ gọi là.

Sự chung tay của cộng đồng là vô cùng ý nghĩa

Gia sản của hai mẹ cụ Lan là một căn nhà cấp 4 được xây năm 2008 do cô con gái thứ ba lấy chồng Quảng Bình vay mượn, cùng con cháu gom góp mỗi người một ít mà có được. Tuy nhiên, chị Thảo nhất định đòi “ở riêng” ở một chái nhỏ sau nhà mặc cho mẹ già ngăn cản, khóc xin.

Tuy có giường nhưng theo cụ Lan, chị Thảo chẳng mấy khi chịu nằm trừ khi tỉnh táo. Những ngày tháng còn lại, chị kéo chăn xuống nền nhà đất để ngồi. Bệnh của chị cũng chuyển biến theo mùa nắng mưa. Vào mùa nắng, gần như chị chỉ ngồi một chỗ và nói huyên thuyên cả ngày lẫn đêm.

Nhà đông con nhưng các cô con gái cụ lấy chồng tận Quảng Bình, đi làm ăn ở Bà Rịa – Vũng Tàu nên chẳng giúp mẹ được là mấy. Lúc ông còn sống thì cả hai ông bà cùng chăm chị Thảo. Từ ngày ông mất, mình bà lọ mọ chăm chị. Nhờ ít tiền hỗ trợ của Nhà nước dành cho người cao tuổi, gia đình có người tàn tật nên cách dăm bữa cụ lại nhờ hàng xóm mua ít thịt, cá về nấu cho chị Thảo ăn.

Thi thoảng, có nhà hảo tâm cho ít tiền cụ để dành mua cho chị Thảo ít quần áo. Tuy thương con đứt ruột gan nhưng người làm mẹ không thể làm được gì thêm. Chỉ biết chăm được cho con thêm ngày nào thì mừng ngày đó vì không biết lúc nào mình sẽ ngã xuống.

Nói về hoàn cảnh gia đình cụ Lan, anh Đặng Hồng Sơn, một giáo viên tiểu học ở xã Hòa Hải cho biết: “Thi thoảng tôi cũng có vận động được các nhà hảo tâm biếu cụ thùng mỳ tôm, chai dầu ăn, gói mỳ chính. Xóm giềng ở đây, ai cũng nghèo, cũng vất vả nên không giúp đỡ được cụ bao nhiêu. Việc chung tay của xã hội, cộng đồng nhằm giúp đỡ hai mẹ con cụ Lan giờ đây là vô cùng ý nghĩa”.

 

Danh mục: Cha

Bài viết cùng chủ đề: