Đừng nhìn vào một vài cá thể có tiền ở quê để kết luận là quê dễ làm giàu.
Cách đây chưa lâu, từng có bài viết nêu quan điểm không kiếm được 15 triệu một tháng thì nên bỏ Sài Gòn về quê để tìm kiếm cơ hội khác. Thế thì khiêm tốn mà nói cũng phải một nửa số người đang sống và làm việc tại Sài Gòn về quê hết.
Chuỗi giá trị lao động trong một nền kinh tế được hình thành bởi rất nhiều mắt xích, không phải mắt xích nào cũng kiếm được dư dả dù họ có bao nhiêu năm kinh nghiệm đi chăng nữa.
Nếu không có những người lao công, những người làm dịch vụ với mức lương ít hơn 15 triệu cho dù thâm niên cao đến đâu, những người kiếm trên 15 triệu một tháng chắc chắn không thể sống vui sống khỏe ở Sài Gòn.
Tôi luôn nghĩ vấn đề của Sài Gòn sinh ra bởi thành phố phát triển quá nóng, dẫn đến khoảng cách thu nhập ngày càng tăng. Nhưng cách giải quyết chắc chắn không phải là trả lại lực lượng lao động thu nhập thấp về nông thôn, bởi vì nếu họ về nông thôn thì những người có thu nhập cao lãnh hậu quả trước hết chứ không ai khác.
Mặt khác, nhiều người bỏ phố về quê bị lạc lõng bởi vì mong đợi quá nhiều, nhiều đến mức phi thực tế. Kinh tế học cho chúng ta biết, nơi nào càng sống tốt, có thu nhập tốt, người ta về càng nhiều, nhu cầu các mặt hàng và dịch vụ tăng thì chi phí sẽ tăng.
Nơi nào chi phí sinh hoạt thấp mà vẫn không có mấy người về thì chứng tỏ là nó chẳng hề dễ sống. Những người có thể làm giàu ở quê là từ đầu họ biết mình sẽ làm gì để kiếm sống, chứ không mang một tâm trạng bấp bênh không định hướng được chăng hay chớ.
Cũng vẫn là kinh tế học cho chúng ta biết rằng, thu nhập càng thấp thì tỉ lệ chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ thiết yếu càng cao, cũng tức là sẽ không có nhiều tích lũy cho những ngày chẳng may. Có những thứ không bao giờ rẻ dù bạn có sống ở đâu đi chăng nữa.
Cây không tự lớn, gà cũng không tự béo, điện nước gạo muối thịt cá cũng không phải nhà trồng được, nếu vẫn dùng, vẫn xài như cũ thì lấy đâu ra giá rẻ?
Ai nói rẻ, chẳng qua người đó chưa từng cầm tiền đi chợ, trả tiền điện, trả tiền phân bón, trả tiền máy bơm, trả tiền cám gà, cám lợn…
Họ thấy người ta hái rau ngoài vườn mà ham, nhưng nào thấy người nông dân tái mét mặt vì phân bón thuốc trừ sâu giá tăng nhanh hơn giá bán.
- Từ 18.6, Hà Nội sửa đổi tỉ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất
- Mẹ thả em ra và ôm con một chút được không!
- Hà Nội: Bé gái 12 tuổi mang thai 38 tuần, nghi bị xâm hại
- Quy định nồng độ cồn bằng 0 như Việt Nam có phải là độƈ nhất vô nhị?
- Cần Thơ: Nuôi loài cua đinh khổng lồ trong bể nhỏ gọn, ông nông dân lãi 800 triệu/năm