Cách chi tiêu của gia đình nhỏ vừa hợp lý lại để dư được 1 khoản tiết kiệm kha khá đã khiến nhiều người nghe xong phải khen ngợi.
Chuyện chi tiêu trong gia đình luôn khiến các bà nội trợ đau đầu. Dù là thu nhập “khủng” vài chục triệu hay với mức trên dưới chục triệu đồng mỗi tháng thì các bà vợ vẫn luôn phải cân lên đặt xuống, tìm đáp án cho bài toán chi tiêu một cách tối ưu, hợp lý nhất trong khả năng tài chính của gia đình.
Lương 16 triệu/tháng chỉ tiêu hết 1 nửa, cao lắm là 3/4
Mới đây trong một hội nhóm lớn chuyên về chi tiêu đã có một bài viết nhận về rất nhiều lượt bình luận. Cụ thể, đó là bài viết chi tiêu của gia đình chị Huệ và anh Trung (hiện đang sống tại Hoài Đức, Hà Nội) có tổng thu nhập mỗi tháng từ 15 – 16 triệu đồng. Hai vợ chồng hiện đang có 2 con nhỏ học lớp 5 và lớp 3. Được biết sau khi chi tiêu cho cả gia đình, hai vợ chồng vẫn để dành dụm được từ 3 – 5 triệu gửi ngân hàng tiết kiệm.
Theo dõi bảng chi tiêu của hai vợ chồng mới thấy, cả anh Trung và chị Huệ đều rất giỏi trong việc cân đối chi tiêu, để mỗi tháng vẫn dư được 1 khoản tiền tiết kiệm. Chúng tôi đã liên hệ với cặp vợ chồng trẻ để cùng trao đổi thêm những thông tin xoay quanh việc chi tiêu của gia đình.
Chia sẻ về cách chi tiêu của gia đình mình, chị Huệ cho biết: “Để giữ được mức chi tiêu này và có số tiền tiết kiệm 5 triệu mỗi tháng gửi ngân hàng thì hai vợ chồng cũng phải hết sức chắt bóp từng khoản sao cho hợp lý và vừa đủ. Bởi mình biết hai vợ chồng phải tiết kiệm để sang cấp 2, các bạn nhỏ cần phải học thêm nhiều thứ sẽ cần chi tiêu nhiều tiền hơn”.
Cụ thể, mỗi tháng lấy lương về chị Huệ và anh Trung sẽ để riêng từng khoản tiền sau ra những phong bì khác nhau. Cụ thể:
– Tiền ăn tối: 1.500k
– Điện nước: 700k
– Internet: 320k
– Dầu gội, sữa tắm…: 150k
– Gia vị mắm muối: 100k
– Xăng xe hai vợ chồng: 2.500k
– Công ty của anh Trung đang làm việc bán thịt heo và gạo nên mỗi tháng anh sẽ mua ở công ty 2.000k cả thịt và gạo cho gia đình.
– Tiền hiếu hỷ: 1.000k
– Ăn trưa: Mang cơm nhà đi
– Chị Huệ không dùng mỹ phẩm, anh Trung cũng không rượu bia, thuốc lá
– Ăn sáng gia đình tự nấu cơm
– Rau củ thì ở quê từ Hải Hậu, Nam Định gửi lên, anh Trung sẽ ra bến xe lấy về cất tủ lạnh ăn dần.
Bảng chi trong 1 tháng của gia đình anh Trung và chị Huệ.
4 mẹo tiết kiệm chi tiêu hiệu quả được áp dụng
Đọc bảng chi tiêu của gia đình anh Trung và chị Huệ nhiều người phải tỏ ra bất ngờ bởi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, nhất là đang trong giai đoạn bão giá xăng tăng, điện nước tăng, thực phẩm tăng đang khiến nhiều người đau đầu, vẫn rất hợp lý.
Trong khi nhiều gia đình cho biết, việc chi tiêu của họ có tháng lên tới hàng chục triệu mới đủ, thậm chí phải co kéo cho đủ trong thời điểm này thì gia đình của anh Trung dù thu nhập không cao nhưng vẫn biết cách chi tiêu để không lạm quá nhiều tiền lại vẫn đủ khoản tiết kiệm.
Thay vì đi chợ mua thịt tươi sống và gạo thì do tính chất công việc nên anh Trung đặt mua luôn ở công ty với số lượng nhiều để được giá rẻ lại chất lượng. Mỗi tháng gia đình anh chi 2.000k cho khoản này.
Anh Trung cho biết: “Gia đình tôi chỉ nấu ăn ở nhà, chứ không đi ăn ngoài. Có bữa sáng tôi còn nấu cơm rồi chan với nước lọc ăn rồi đi làm. Quần áo đi làm thì mặc đồng phục được công ty cấp, nên cũng bớt được 1 chút. Giá cả leo thang nên trong cuộc sống tích góp được đồng gì thì hay đồng đấy”.
Nhiều người cũng thắc mắc vì sao các khoản chi phí cho con không được vợ chồng anh Trung và chị Huệ ghi chép trong bảng chi tiêu thì chị Huệ có giải thích thêm: “Đó là do các cháu đang trong kỳ nghỉ hè, không phải đi học nên tháng này không tốn khoản chi phí đó. Còn khi vào năm học, các cháu học trường công gần nhà mỗi cháu hết 1 triệu/tháng nên khoản chi cho tiền học cho hai con chúng tôi mất thêm 2 triệu/tháng nữa”.
Chị Huệ cũng cho biết, mức chi tiêu tiết kiệm này được gia đình và các con áp dụng từ khá lâu và tất cả các thành viên trong gia đình đều vô cùng hài lòng. Mỗi tháng sau khi chi tiêu hai vợ chồng để dành dụm được từ 3-5 triệu gửi tiết kiệm.
Chị Huệ gợi ý với chi tiêu của các gia đình thì mỗi nhà mỗi khác. Với chị thì sẽ áp dụng những mẹo đơn giản này để duy trì được cuộc sống tốt và đảm bảo tài chính nuôi con lâu dài:
– Nhờ ông bà gửi thực phẩm sạch ở quê lên cho: Rau củ – thịt cá để vừa sạch đảm bảo mà giá thành lại rẻ hơn.
– Tách từng khoản chi tiêu bỏ vào phong bì để tránh tiêu lẹm.
– Nên vạch ra từng khoản chi tiêu nào trong gia đình có thể tiết kiệm được. Ví dụ như mỹ phẩm của vợ, quần áo của cả gia đình, tiền nhậu nhẹt tụ tập của chồng,…
– Nếu mua đồ gì thì nên chờ tới đợt khuyến mại, đi mua thì tích điểm thưởng, nhận thẻ khách hàng thân thiết để được chiết khấu.
- Nghệ An: Anh thợ xây dựng nuôi ngỗng nhìn dữ tợn mà lại nhát chết, cứ bán 1 con thu cả triệu bạc
- Khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang ở Hà Nội, TP.HCM
- Lợi thế của 2 huyện sát vách Hà Nội có thể trở thành thành phố trong thành phố
- Dự kiến đấu giá khoảng 500 thửa đất đón đầu đường vành đai 4 Hà Nội
- Trang trại “bỏ phố về quê” 50.000 m2 khiến tôi stress