Thị trường bất động sản nhiều địa phương chững lại khiến không ít nhà đầu tư khóc ròng khi lỡ mua đất lúc giá cao, giờ bán lỗ tiền tỷ.
Anh Nguyễn Ngọc Anh (Thanh Trì, Hà Nội) kể, cuối năm 2021, anh lấy tiền tích góp và vay ngân hàng mua 3 mảnh đất của một tỉnh ven Hà Nội, mỗi mảnh rộng 80m2, với giá 2,4 tỷ đồng, tổng 3 mảnh là 7,2 tỷ đồng. Mỗi tháng, anh Ngọc Anh phải xoay xở tiền để trả gốc lẫn lãi cho ngân hàng gần 100 triệu đồng.
Từ sau Tết 2022, do thấy đã đến thời điểm chốt lời, anh Ngọc Anh rao bán mỗi mảnh đất với giá 3 tỷ đồng.
Thời gian mới rao, có vài người hỏi thăm, chủ yếu là “cò” đất. Một vài người thực sự muốn mua để ở nhưng không mua nổi, bởi trả tiền đất xong thì không còn tiền xây nhà.
Do không chịu nổi số tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng nữa, anh Ngọc Anh giảm giá mỗi mảnh 200 triệu đồng, rồi 300 triệu đồng nhưng không ai mua. Nhờ phòng giao dịch bất động sản ở địa phương bán giùm cũng không ăn thua.
“Bây giờ tôi đang ôm mảnh đất như “ôm bom”, không biết nó sẽ nổ lúc nào. Tôi chỉ mong bán được giá vốn, tiền lãi ngân hàng xem như mất trắng cũng được. Đây quả thật là kinh nghiệm đau thương khi mua đất với hy vọng làm giàu của tôi”, anh Ngọc Anh nói.
Cũng theo anh Ngọc Anh, 3 lô đất anh mua vào lúc thị trường sốt nóng và thời điểm đó có tin đồn sẽ xây một khu đô thị mới ở gần đó, nên giá được đẩy lên quá cao. Tuy nhiên, đến giờ các nhà đầu tư đều biết thông tin về dự án kia chỉ là tin đồn, không có thật, nên kể cả giờ bán đất bằng giá gốc lúc mua cũng khó tìm khách.
Theo các môi giới, anh Ngọc Anh muốn bán được giờ phải giảm giá mạnh, giá thị trường của lô đất này hiện tại chỉ còn 1,7 – 1,8 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa anh Ngọc Anh chấp nhận bán lỗ 700 triệu đồng mỗi căn.
“Tôi mua đất có nửa năm, giờ đã lỗ tới hơn 2 tỷ đồng. Đây đúng là bài học cay đắng”, anh Ngọc Anh chia sẻ.
Thực tế, câu chuyện nhà đầu tư bốc hơi tiền tỷ khi lao vào cơn sốt đất là không hiếm.
Còn nhớ cơn sốt đất hơn 10 năm trước, nhiều nhà đầu tư cũng méo mặt khi lỡ ôm quá nhiều để nuôi ý định “lướt sóng”.
Ông Nguyễn Văn Hòa, một nhà đầu tư đất Hòa Lạc cách đây hơn 10 năm cho biết: Thời điểm trước năm 2009, đất Hòa Lạc chỉ dao động 500.000 – 700.000 đồng/m2. Ngay cả những lô đất có vị trí đẹp, giá trị cũng chưa tới 3 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, sau khi “sốt” đất xuất hiện, chỉ trong 2 năm (2009 – 2011), giá đất Hòa Lạc tăng gần 10 lần, giá đất trong ngõ tăng lên 5 – 8 triệu đồng/m2, trong khi các lô đất đẹp, mặt đường tăng lên ngưỡng 25 – 30 triệu đồng/m2.
Với tốc độ tăng giá chóng mặt, cuối năm 2010, ông Hòa cũng đã bỏ ra hơn 8,7 tỷ đồng để mua 350 m2 đất nông nghiệp, thuộc xã Thạch Hòa (tương đương 25 triệu đồng/m2).
Tới cuối năm 2011, “bong bóng” Hòa Lạc bắt đầu xì hơi, giá đất tụt dốc không phanh. Với lô đất của ông Hòa, trong vòng chưa đầy 1 năm, giá từ 8 tỷ đồng đã giảm một nửa, xuống 3,9 tỷ đồng. Cay đắng nhìn đất mất giá thê thảm, ông Hòa chấp nhận bán cắt lỗ với mức giá mới.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay, đầu tư “lướt sóng” không còn phù hợp. Bởi, thị trường đã ổn định hơn nhiều so với 10 năm trước, rất khó để “lướt sóng”, đánh đâu thắng đó như trước. Bản thân nhà đầu tư cũng đã có kinh nghiệm hơn khi đối phó với các cơn sốt đất. Thay vào đó, xu hướng hiện nay là đầu tư dài hạn và có chiến lược cụ thể theo từng giai đoạn.
Trong giai đoạn này, để đầu tư dài hạn, nhà đầu tư nên chú ý tới nguồn vốn tự có và nên lựa chọn các sản phẩm vừa túi tiền. Nhà đầu tư cần tránh việc sử dụng đòn bẩy tài chính, với tỷ lệ vượt quá 30% giá trị tài sản.
Nếu vượt quá tỷ lệ này, nhà đầu tư sẽ phải vật lộn với các khoản lãi hàng tháng, như vậy việc đầu tư sẽ không mang lại nhiều hiệu quả.
- Hà Nội muốn mời đầu tư 16 dự án nhà ở vốn hơn 117.000 tỷ đồng
- Dám không nghe lời vợ, chồng liều vay 2 tỷ mua nhà
- Hyundai Elantra mới bán tại Việt Nam cần triệu hồi vì lỗi dây đai an toàn
- Phú Yên: Anh nông dân học chưa hết cấp 3 tự mày mò nuôi heo, sau 5 năm trở thành tỷ phú
- Nóng: Diệp Lâm Anh tung video cảnh mẹ chồng đối chất với Quỳnh Thư, dằn mặt “kẻ thứ 3” cực mạnh