Tôi hỏi lý do vì sao bố làm vậy. Ông chỉ bình thản nói “con gái lấy chồng như bát nước đổ đi”.
Mẹ từng kể nhiều lần là cái đêm mẹ trở dạ sinh tôi, trời mưa gió to như bão. Hồi ấy điện đóm trong thôn mới chỉ vài hộ có, mà suốt ngày mất, bố tôi phải mò mẫm trượt chân ngã lên ngã xuống trong đêm mới đón được bà đỡ qua giúp.
Mẹ bị khó sinh nên vật vã đến gần sáng tôi mới chào đời. Đẻ xong mẹ kiệt sức nằm mấy hôm. Bố tôi còn sợ sẽ mất vợ vì khi ấy quá nghèo chẳng có tiền đi viện.
Bẵng đi hơn 30 năm giờ tôi đã khỏe mạnh trưởng thành và có gia đình riêng với 1 đứa con. Mẹ cũng sinh thêm một cậu em trai nữa, kém tôi 10 tuổi. Nó không nghịch ngợm mà ít nói, từ nhỏ đã giống ông cụ non, học rất giỏi khiến bố mẹ tự hào.
Tốt nghiệp cấp 3 xong tôi thi đậu một trường đại học tầm trung, rồi ra trường đi làm kế toán. Cuộc sống gia đình không còn khó khăn như ngày xưa nữa, tôi chỉ muốn lấy chồng rồi sống cuộc đời bình yên thôi. Nhưng người tính không bằng trời tính, dù đã kết hôn gần chục năm thì tôi vẫn mệt mỏi vì chính nhà ngoại của mình.
Bố luôn vin vào chuyện mẹ sinh tôi khó, suýt đi qua cửa tử để khiến tôi phải nghe lời. Kiểu như mọi quyết định quan trọng trong cuộc đời mình tôi đều không được phép tự ý lựa chọn, bố mẹ bảo học trường gì, làm nghề gì là tôi phải nghe theo hết. Xe máy tôi cũng không được chọn loại mình thích, đi đâu làm gì cũng bị quản. Bố mẹ bảo con gái ngoan có hiếu là phải thế.
22 tuổi mới có bạn trai, nhưng hành trình lấy chồng ra riêng của tôi cũng không dễ dàng gì. Chồng tôi người ngoại tỉnh, làm việc ở thành phố này nhưng lại đi thuê trọ nên ban đầu bố mẹ tôi bắt ở rể mới cho cưới. Chúng tôi đấu tranh mãi, gia đình bạn trai cũng cam kết sẽ mua nhà riêng cho chúng tôi sau đám cưới nên bố mẹ tôi mới xuôi.
Từ lúc ra riêng thi thoảng tôi mới về thăm nhà. Cuộc sống ngột ngạt trước đây khiến tôi ám ảnh, nên tôi thích an yên với tổ ấm tự do của mình hơn. Thế nhưng bố mẹ vẫn liên tục nhắn tin gọi điện bảo chúng tôi sang nhà chơi. Lần nào về ăn cơm bố mẹ cũng nhắc chuyện khó đẻ, thậm chí còn bảo chồng tôi phải biết ơn khi mẹ liều lĩnh sinh ra tôi để giờ anh có một cô vợ làm đủ mọi việc trong nhà.
Thật sự tôi biết bố mẹ không có ý xấu, nhưng cách họ nói chuyện khiến ai nghe cũng thấy lợn cợn trong lòng. Tôi biết ngày mẹ đẻ mình là kỉ niệm khó quên, nhưng họ cứ nhắc đi nhắc lại với giọng điệu nặng nề khiến tôi sợ hãi, từ năm 17 tuổi đến giờ tôi không dám đón sinh nhật của chính mình nữa.
Chồng tôi là người giỏi giang nên mới cưới mấy năm anh đã có sự nghiệp vững chắc. Mẹ con tôi rất yên tâm khi có chỗ dựa như vậy. Chồng bảo tôi cứ nghỉ việc ở nhà, nhưng tôi không muốn mang tiếng ăn bám nên vẫn đến công sở kiếm chút lương về đóng học cho con.
Khoản tiền hàng tháng chồng đưa tôi rất nhiều nên sau mấy năm tôi cũng tích cóp được kha khá. Đúng lúc chỗ khu nhà bố mẹ tôi bị giải tỏa để mở rộng đường, tôi liền bàn với chồng mua căn nhà trong ngõ giá hơn 1 tỷ cho họ. Một phần coi như báo hiếu, phần khác để bố mẹ có chốn đi ra đi vào.
Được con gái tặng nhà xong bố mẹ tôi vui lắm. Họ chỉ bỏ ra thêm vài trăm triệu để thuê thiết kế lại nội thất, khoản đấy trích từ tiền đền bù nên coi như bố mẹ cũng chẳng tốn kém mấy.
Từ sau vụ mua nhà tự dưng bố mẹ cũng thoải mái với tôi hơn. Ông bà bớt nhắc lại chuyện cũ, cũng tích cực nhận trông cháu hộ vợ chồng tôi mỗi cuối tuần. Mẹ thường xuyên làm đồ ăn ngon gửi sang cho vợ chồng tôi, còn rủ chúng tôi đi du lịch nữa. Tình cảm gia đình cải thiện tốt hơn khiến tinh thần tôi ngày càng ổn định.
7 năm trôi qua yên bình từ ngày bố mẹ có nhà mới. Đùng cái mấy tháng trước bố tôi đột quỵ. Ông đi uống rượu đám cưới về khuya xong 1h đêm dậy đi tắm. May em trai phát hiện kịp nên giờ bố chỉ bị di chứng, may mắn không ảnh hưởng gì đến tính mạng.
Tuy nhiên sau lần suýt chết ấy bố tôi cũng cảm thấy lo lắng. Mới gần 60 thôi nhưng ông đã quyết định lập di chúc, nhỡ có vấn đề gì xảy ra thì nội bộ gia đình đỡ lục đục với nhau.
Bố giữ kín hoàn toàn chuyện viết di chúc, bản thân tôi cũng không hay biết gì. Lâu nay tôi cứ nghĩ nếu bố mẹ già yếu thì kiểu gì cũng chia đôi tài sản cho 2 chị em. Tôi không thiếu thốn gì nên cũng không ham tiền bạc của bố mẹ, nhưng nhà nào mà chả thế, của cải kiếm được một đời đâu thể đem cho hết người ngoài.
Tôi cứ đinh ninh là vậy cho đến hôm qua vô tình đọc được bản di chúc bố giấu trong tủ đựng đĩa. Ông có sở thích sưu tầm đĩa trang trí, đóng hẳn cái tủ gỗ riêng để trưng bày chỗ giữa phòng khách với phòng ăn. Sáng qua mẹ đưa bố đi khám ở viện, thiếu vài loại giấy tờ nên gọi nhờ tôi qua nhà tìm giúp.
Mẹ chỉ chỗ để chìa khóa rồi bảo tôi mở cái ngăn nhỏ dưới tủ đĩa ra tìm. Nhặt mấy tờ giấy mẹ dặn ra xong tôi để ý thấy một chiếc túi da to cỡ A4 cất kỹ tận bên dưới. Tò mò mở ra xem, tôi thấy có sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn ố vàng của bố mẹ, sổ lương hưu, và một bản di chúc viết tay của bố.
Tôi ngỡ ngàng khi đọc từng câu từng chữ trong bản di chúc. Nó rất ngắn gọn, không rườm rà vì bố không có nhiều tài sản. Thứ giá trị nhất là căn nhà tôi mua tặng đứng tên bố mẹ, 2 cái sổ tiết kiệm, 6 cây vàng bố mẹ tích cóp cả đời và một lô đất ở quê.
Ông để lại căn nhà và tiền vàng tiết kiệm cho em trai lấy vợ, còn tôi không có phần. Lô đất ở quê thì ông sang tên cho mẹ, riêng con tôi được ông cho 1 sổ tiết kiệm 50 triệu. Tôi lật đi lật lại tờ giấy mà không thấy tên mình. Cảm giác cay đắng tủi hờn trào lên, nhưng tôi vẫn cất gọn cái túi về chỗ cũ và mang giấy tờ lên viện cho mẹ.
Đợi bố khám xong quay về tôi mới hỏi chuyện. Tôi nhắn tin cho chồng tâm sự về tờ di chúc, anh rất kinh ngạc khi biết tôi là con gái mà không có phần nào dù chỉ là một chút. Chưa kể tiền mua ngôi nhà của bố mẹ cũng có chồng tôi đóng góp nữa. Anh chưa bao giờ so đo với nhà vợ, cơ mà tôi chẳng được hưởng gì thì quá vô lý, chồng tôi không chấp nhận chuyện đó được.
Anh bảo tôi cứ mạnh dạn hỏi thẳng bố mẹ xem ông bà tính toán kiểu gì. Vợ chồng tôi không tham cái gì của nhà ngoại hết, bởi chúng tôi cũng tự mình có tài sản riêng. Song ít ra cũng có một món trao lại cho con gái làm hình thức, chứ không hề có cái gì thì khác nào tôi là người dưng?
Ngay khi tôi nhắc đến di chúc, bố đã khó chịu hỏi ngược lại rằng tại sao lại lục đồ của bố. Tôi giải thích mình chỉ vô tình nhìn thấy thôi. Và tôi cũng chỉ muốn biết lý do tại sao mình không có phần chứ chẳng đòi bố mẹ cái gì hết.
Miệng bố bị lệch nên cất lời hơi khó khăn. Ông bảo tôi “giàu” hơn em trai nên nghĩ không cần đưa tôi thêm gì nữa. Tôi bức xúc bảo căn nhà này do tôi bỏ tiền ra mua, dù tự nguyện để bố mẹ đứng tên nhưng tôi nghĩ ông bà sẽ để chị em tôi sau này tự chia nhau chứ.
Bố nổi giận với tôi, và câu nói sau đó của ông khiến tôi tổn thương sâu sắc. Ông lại nhắc chuyện ngày xưa mẹ vì đẻ tôi mà suýt chết, mắng tôi rằng phải biết ơn đấng sinh thành đã giúp mình có mặt trên đời chứ không có tư cách yêu cầu bố mẹ làm gì cả. Bố mẹ coi việc tôi mua nhà cho họ là đương nhiên, đó là trách nhiệm của tôi, là nghĩa vụ báo hiếu của tôi chứ không phải cái cớ để bắt họ cho tài sản. Hơn nữa bố cũng để lại một khoản tiền cho cháu ngoại rồi, thế nên ông nghĩ vậy là đủ.
Tôi nghẹn ngào với những gì bố mẹ nói ra. Họ còn bảo “con gái lấy chồng như bát nước đổ đi”, không trông cậy được gì mà cứ phải cho thêm đủ thứ. Bố mẹ tin là chồng tôi sẽ được hưởng tài sản bên nội, nên phần bên ngoại của tôi cho em trai cũng được, để sau này nó là người duy nhất giữ hương hỏa cho gia đình tổ tiên.
Càng lúc tôi càng thấy tâm trí mình trống rỗng. Tôi đứng dậy bỏ về, trong đầu chỉ muốn trốn đến một nơi chẳng có ai. Tôi có quyền trách móc bố mẹ vì bản di chúc đó hay không?…
- Nỡ nào đòi bỏ Tết cổ truyền, Tết của quê hương?
- Lâm Đồng: Nuôi cá nước lạnh thất bại nhiều lần, không nản chí anh nông dân thu tiền tỷ
- "Tôi thà ở nhà thuê đi ô tô còn hơn mua nhà nhưng đi xe máy"
- 8 Câu hỏi khiến trẻ có thể "tự giác" nhận lỗi, cha mẹ nên áp dụng ngay
- Trong tay vài trăm triệu đồng, cặp vợ chồng vẫn "khóc nghẹn" vì không mua nổi đất quê