Anh Giáp Văn Hùng (SN 1980, trú tại tổ dân phố Phú Mỹ 2, phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang) mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng nhờ mô hình nuôi cầy vòi mốc.
Vì nằm cách xa trục đường giao thông lớn, có vườn cây, ao cá, lại xa khu dân cư nên trang trại của anh Hùng đảm bảo các yếu tố về chăn nuôi an toàn sinh học. Khu chăn nuôi cầy là một dãy nhà được xây dựng kiên cố, thoáng mát, có mái tôn che nắng mưa, tổng diện tích rộng khoảng 600 m2.
Chuồng nuôi cầy vòi mốc được anh Hùng xây chia làm 80 ô riêng biệt, mỗi ô có diện tích từ 1 – 1,2 m2. Ngoài ra, còn có 50 ô chuồng bằng sắt, mỗi ô chừng 1 m2. Trong mỗi ô chuồng, hiện đang nuôi những cá thể cầy vòi mốc bố mẹ, thương phẩm hoặc vài cá thể cầy con mới được tách đàn.
Ở giữa trang trại có hành lang rộng rãi để thuận lợi cho quá trình chăm sóc động vật rừng. Bên trên các ô chuồng được lắp quạt trần, giúp làm mát, cung cấp khí tươi, oxy từ bên ngoài vào. Trên mái, có hệ thống phun nước làm mát mái tôn. Qua đó, trại nuôi luôn cầy vòi có nhiệt độ ổn định, tạo môi trường trong lành cho cầy vòi mốc sinh sản, sinh trưởng.
Anh Hùng cho biết, trang trại hiện đang nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng hơn 300 cá thể cầy vòi mốc gồm: Cầy bố mẹ, cầy hậu bị (cầy giống), cầy thương phẩm và cầy con mới tách đàn.
Nuôi cầy vòi mốc không giống như nuôi gia súc hay gia cầm. Khi nuôi, đòi hỏi quy trình chăm sóc phải nghiêm ngặt hơn như, thức ăn phải sạch sẽ; không ôi, thiu. Chuồng trại phải thoáng mát, nhiệt độ chuồng luôn phải duy trì dưới 35 độ C; mỗi tuần phải phun thuốc khử trùng 1 lần toàn bộ chuồng trại và thường xuyên vệ sinh ô chuồng sạch sẽ thì đàn cầy sẽ không bị mắc bệnh ngoài ra, viêm phổi hay bị bệnh tiêu chảy.
Anh Hùng kể: “Năm 2015, gia đình tôi xây trang trại để nuôi loài cầy vòi mốc. Xây xong, tôi đến các tỉnh Nghệ An, Cao Bằng, Đồng Tháp tìm mua được 130 cá thể cầy vòi mốc giống bố mẹ về để nuôi sinh sản. Nào ngờ, khi bắt đầu nuôi, do thiếu kinh nghiệm nên tỷ lệ sinh sản của cầy mẹ rất thấp, thường xảy ra tình trạng đẻ non và cắn con hoặc cầy bị bệnh viêm phổi, bệnh tiêu chảy, một vài cá thể cầy bị chết…”.
Theo anh Hùng, thời điểm đó, anh vừa làm vừa lo mất trắng. Bởi, một cặp cầy bố mẹ mua về gây nuôi sinh sản có giá 20.000.000 đồng. Thất bại, nhưng không bỏ cuộc. Anh tìm tới các trang trại nuôi cầy ở các tỉnh lân cận để học hỏi kinh nghiệm; đồng thời, mua thêm sách về đọc để biết nguyên nhân và cách chữa bệnh.
Sau hai năm nuôi, anh đã rút ra được kinh nghiệm gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, cách chữa bệnh cho loài cầy vòi mốc. Nên hiện nay, tỷ lệ phối giống cầy bố mẹ để gây nuôi sinh sản đạt tỷ lệ rất cao. Đồng thời, khi cầy có biểu hiện bị bệnh phổi, tiêu chảy, anh đã tự mua thuốc về để điều trị cho loài vật nuôi này”.
Cũng theo anh Hùng, khi chọn cầy vòi mốc giống để nuôi sinh sản, đối với con cái, cần chọn những cá thể có lông mượt, thân dài; 4 vú đồng đều, không có khuyết tật. Còn đối với cầy đực, cần chọn những cá thể khỏe mạnh, có đôi mắt sáng, lông mượt; bộ phận sinh dục có 2 hạt cà to, cân đối.
Với những đặc điểm trên, khi được chọn để ghép đôi phối giống, cầy vòi mốc mới sinh sản tốt và nhân đàn nhanh.
Khi ghép đôi phối giống, phải ghép tập thể. Thời điểm ghép đôi là từ tháng 01 đến tháng 7 Âm lịch hằng năm. Một cá thể cầy đực có thể ghép với 2 cá thể cầy cái hoặc 2 cá thể cầy đực ghép với 5 -7 cá thể cầy cái.
Sau khi ghép đôi để phối giống, khoảng 20 ngày sau tiến hành kiểm tra vú của những cá thể cầy cái. Nếu vú có màu hồng, hơi sệ đó là biểu hiện cầy đã mang thai. Khi phát hiện cầy cái có dấu hiệu mang thai, tiến hành tách ra 1 ô chuồng riêng biệt để theo dõi.
Khoảng 40 ngày sau, khi đã xác định chính xác cầy đang mang thai, tiến hành đưa 1 hộp gỗ kín (kích cỡ khoảng 50 x 50cm) vào trong chuồng, có cửa chui ra, chui vào để cầy sinh sản tự nhiên trong hộp gỗ. Nếu cầy mẹ mang thai tách trước tháng 5 Âm lịch, thì một năm có thể sinh sản 2 lứa; còn lại, nếu tách sau, một năm có thể sinh sản 1 lứa.
Mỗi lứa cầy mẹ đẻ từ 2 – 4 cá thể cầy con. Khi mới sinh sản, tuyệt đối không được tiếp cận, kiểm tra cầy con; bởi, nếu kiểm tra sớm, cầy mẹ sẽ cắn con hoặc càm con tha đi tha lại, dẫn đến con non bị chết. Bởi vậy, phải đợi đến khi cầy con mở mắt mới được tiếp cận.
Khi cầy mẹ mới sinh sản, cần bổ sung thức ăn vào buổi sáng, có thể cho ăn trứng vịt lộn hoặc cá đã luộc chín để tăng chất đạm, từ đó cầy mẹ sẽ có nhiều sữa để cho con bú.
Khi cầy con mở mắt sẽ ra chuồng ăn cùng cầy mẹ. Cầy con sống chung với cầy mẹ khoảng từ 60 – 70 ngày, tiến hành tách cầy con ra để nuôi riêng. Sau khi tách cầy con ra nuôi sinh trưởng, khoảng 15 ngày sau có thể bán cầy giống được.
Trọng lượng cầy khi đó có thể đạt từ 1,5 – 2,5 kg/cá thể. Thời gian tách đàn cầy con ra để nuôi riêng phải phù hợp. Nếu cầy con tách mẹ sớm sẽ chậm phát triển, còn tách muộn sẽ làm gián đoạn vòng sinh sản của cầy mẹ.
Cầy con nuôi sinh trưởng được khoảng 50 ngày tuổi, tiến hành tiêm vắc xin mũi 1, phòng, chống năm loại bệnh của chó, mèo. Đến 21 ngày sau, tiêm mũi 2 nhắc lại, phòng, chống bẩy loại bệnh của chó, mèo thì đàn cầy sẽ sinh trưởng tốt, khỏe mạnh. Khi đàn cầy được tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin trên, nếu cá thể cầy nào bị bệnh viêm phổi hay bị bệnh tiêu chảy khi điều trị, tỷ lệ chữa khỏi bệnh rất cao.
Anh Hùng chia sẻ thêm: “Cầy vòi mốc ưa sống trong bóng tối, thường ngủ ban ngày. Thức ăn chủ yếu là chuối chín, bí đỏ, cháo bột ngô, cháo gạo,… Trong giai đoạn mới sinh sản cầy mẹ cần được bổ sung thêm thịt lợn, cá, trứng vịt lộn.
Trung bình, mỗi cá thể cầy trưởng thành ăn tổng chi phí khoảng 2.000 đồng/ngày. Từ khi cầy con tách mẹ để nuôi sinh trưởng, đến lúc bán cầy thương phẩm hay cầy giống, tổng chi phí khoảng 1.000.000 đồng/cá thể.
Hiện nay, cầy vòi mốc thương phẩm, có cân nặng từ 4 – 6 kg/cá thể, giá bán là 2.600.000 đồng/kg. Đối với cầy giống, mỗi cặp (1 cá thể đực, 1 cá thể cái), có trọng lượng từ 1,5 – 3,5kg/cá thể, giá bán 20.000.000 đồng/cặp.
Nhiều thương lái, chủ nhà hàng hay người dân tìm đến trang trại để mua cầy về gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng hoặc bán cho các nhà hàng ăn uống trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Năm 2021, trại nuôi của tôi sinh sản thêm được gần 300 cá thể cầy vòi mốc. Sau khi nuôi sinh trưởng đã bán cầy giống và thương phẩm ra thị trường, trừ chi phí, gia đình tôi có lợi nhuận khoảng gần 2 tỷ đồng.
Đồng thời, mô hình nuôi cầy vòi mốc giảm áp lực khai thác trái phép trong tự nhiên, hỗ trợ cho công tác bảo tồn, duy trì nguồn gen động vật rừng quý, hiếm.
- Phát triển loại hạt "nhiều gai" có công dụng ngăn chặn thiếu máu, lãi vài trăm triệu/năm
- ”Con trai à, kiếp sau mẹ muốn làm con chó của con được không?”: Câu chuyện về chữ hiếu khiến nhiều người tỉnh ngộ
- Bỏ nghề lao vào cơn sốt đất, giờ thất nghiệp đi chạy xe ôm sống qua ngày
- Giữ 3 thói quen sau khi ăn uống: Mẹ bầu dễ béo phì – thai nhi kém thông minh
- Thanh Hoá: Nuôi “cá tàu ngầm” xưa dùng tiến vua, giờ là đặc sản hiếm có giá tới 650.000 đồng/kg