Bám lấy suy nghĩ “một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp”, tôi bán hết đất đai ở quê để mua một căn chung cư trên thành phố với ý định an cư, lạc nghiệp; không ngờ nhà vừa mua chưa được bao lâu, “an cư” đâu không thấy, chỉ thấy hội hận vì đã tính nhầm.
Có nhà ở Hà Nội là ước mơ, niềm tự hào của cả gia đình
Lên Hà Nội học đại học, sau khi ra trường, tôi may mắn tìm được một công việc tốt, có thu nhập ổn định ngay tại Thủ đô. Suốt những ngày đi học và thời gian đầu đi làm, tôi đã “kinh qua” rất nhiều khu trọ tại Hà Nội, từ những khu trọ sinh viên giá rẻ ở Mai Dịch, Cầu Giấy, Pháo đài Láng cho tới khu Bách Khoa – Giải Phóng… Trong những ngày tháng đầu khó khăn, tôi luôn thấm thía nỗi khổ của việc đi thuê nhà: chỗ thì điện nước đắt đỏ, chỗ thì vệ sinh kém, an ninh kém, chỗ thì mất tự do vì chủ nhà khó tính…
Tính toán kĩ lại thì thấy, nếu thuê nhà giá rẻ, tính cả điện nước, mỗi năm tôi cũng mất khoảng 42 – 44 triệu. Mỗi tháng, tiền thuê nhà chiếm tới ¼ thu nhập, trong khi đó, tôi làm việc cả ngày ở công ty, chỉ về nhà vào tối muộn. Tiền thuê nhà cộng thêm sinh hoạt phí đắt đỏ ở Thủ đô khiến cho mức lương 12 triệu của tôi trở nên chả thấm tháp gì, dù ở quê, bố mẹ và gia đình tôi rất tự hào và nghĩ rằng tôi đã “thành đạt”.
Sau 4 năm đi làm, tôi quen và yêu một cô đồng nghiệp cùng tuổi, quê Thái Bình. Chúng tôi đều là người tự lập nên quyết định sẽ tự kiếm tiền làm đám cưới và ổn định cuộc sống ở Hà Nội mà không nhờ tới bố mẹ. Thế nhưng phải tới 30 tuổi, chúng tôi mới để dành được một khoản tiền là 150 triệu, đủ để làm đám cưới và chuẩn bị để về chung sống sau này. Đám cưới ở hai bên quê rất linh đình, ăn đủ 3 ngày 2 đêm với hàng trăm mâm cỗ đầy đặn nhưng cũng chẳng tốn kém là bao, vì toàn là “của nhà trồng được”: lợn gà nhà nuôi, rau nhà trồng, họ hàng làng xóm sang làm giúp… Thế nhưng, cuộc sống chung ở Hà Nội sau đám cưới lại là cả một vấn đề to lớn. Để bắt đầu cuộc sống vợ chồng, chúng tôi phải thuê một căn chung cư mini, rộng 32m2 với giá 5 triệu đồng, điện nước tự trả theo đồng hồ riêng. Sau 1 năm ở nhà thuê thì vợ tôi có bầu.
Vì nhà vợ tôi chỉ có 3 chị em gái nên bố vợ “thưởng nóng” ngay một thửa đất rộng 980m2 ở quê Thái Bình. Suy nghĩ, tính toán suốt cả mấy tháng, vợ chồng tôi quyết định bán mảnh đất đó đi để mua nhà trên Hà Nội.
Lúc đó, vợ chồng tôi chỉ nghĩ sẽ quyết tâm “bám trụ” tại Thủ đô để con cái có điều kiện học hành, vả lại, công việc của chúng tôi cũng đang ổn định tại đây, chẳng có lý do gì để quay về quê cả. Cũng phải nói thêm là tôi là con trai “độc đinh trong nhà” nên mảnh đất được thừa kế cũng là đất thờ cúng tổ tiên, không thể bán đi được. Còn mảnh đất của bố vợ cho là đất liền kề nhà bố vợ ở, cũng liền kề mảnh đất ông chia cho 2 em gái của vợ tôi, nên tôi bàn với vợ bán đi để có tiền mua nhà Hà Nội. “Nhà Hà Nội” trong suy nghĩ của chúng tôi là một khối tài sản có giá trị to lớn của cả đời người, nên chúng tôi tính toán rất cẩn thận, tỉ mỉ.
Năm đó, mảnh đất 980m2 bán được gần 2 tỉ, so với ở miền quê Thái Bình, đó đã gọi là rất “được giá”. Cả đời hai vợ chồng tôi, lần đầu cầm được số tiền lớn như vậy. Sau khi tham khảo khá kĩ càng, chúng tôi “chốt” một căn hộ rộng 50m2, 2 phòng ngủ, 1 bếp, 1 phòng khách, 2 nhà vệ sinh, ở tầng 12 của một chung cư cao tầng ở khu Hoàng Mai với giá 1,2 tỉ đồng.
Do mua qua 2 lần chủ nên giá nhà có lẽ đã bị đội lên khá nhiều, nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận. Tòa chung cư chúng tôi mua vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên phải tới gần 1 năm sau, chúng tôi mới được nhận nhà. Lúc này con gái tôi đã sắp biết đi. Lần đầu tiên bước chân vào căn nhà “chính chủ”, vợ chồng tôi đã khá bàng hoàng, thất vọng vì mới nhìn qua đã biết phải chỉnh sửa nhiều thì mới vào ở được.
Chúng tôi đã bỏ thêm ra 300 triệu để chỉnh sửa nhà theo đúng phong thuỷ, hợp tuổi hợp mệnh và sửa lại các phần thi công “ẩu” của chủ đầu tư cộng thêm mua sắm nội thất và đồ dùng cần thiết.
Như vậy, tổng số tiền chúng tôi đã bỏ qua để có một “tổ ấm” ở Thủ đô là 1,5 tỉ; số tiền còn lại từ việc bán đất, chúng tôi gửi tiết kiệm để rút lãi hàng tháng, thêm vào tiền chi tiêu. Tôi cảm thấy rất may mắn vì không phải vay ngân hàng để mua nhà.
Cơn ác mộng lâu dài và nỗi tiếc nuối khó tả
Việc vợ chồng tôi mua được nhà ở Hà Nội trở thành niềm tự hào của họ hàng và gia đình ở quê. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm chuyển về sống ở nhà mới, niềm vui, hạnh phúc của vợ chồng tôi đã chuyển thành cơn ác mộng kéo dài.
Chọn mua nhà ở khu Hoàng Mai vì giá cả có phần mềm hơn khu vực các quận gần trung tâm, song đường đi làm lại khá xa xôi, ngày nào vợ chồng tôi cũng “vật lộn” mấy tiếng đồng hồ để tới công ty trong tình cảnh tắc đường, khói bụi.
Buổi chiều, tan làm từ 17h30’ thì 20h chúng tôi mới về đến nhà trong tình trạng kiệt sức; đó là chưa kể đến việc khu chúng tôi ở khá thấp trũng, hệ thống cống rãnh lại được xây dựng không hợp lý nên mỗi khi mưa xuống, cả khu đều bị ngập, muốn vào nhà phải lội bì bõm đến đầu gối. Mà trời mưa thì đường về nhà cũng ngập và tắc nghẽn kinh hoàng, đúng là khổ không tả nổi.
Chúng tôi chỉ biết “thích nghi” và “sống chung với lũ” để vượt qua giai đoạn khó khăn đó, với niềm tin rằng con đường nhỏ này rồi sẽ được mở lớn, tình trạng tắc đường rồi sẽ được giải quyết… nhưng bao giờ thì chưa rõ!
Khu chung cư chúng tôi ở, dù mới xây dựng, như chỉ sau 3 năm đã xuống cấp rất nhiều: sơn tường lở lói, bong tróc; thang máy liên tục hỏng hóc; nhiều ngày mất điện, chúng tôi phải đi bộ lên tầng 12 để vào nhà; mùa hè, nước sạch trở nên kham hiếm đến nỗi chúng tôi phải dự trữ vào thau, chậu, bể… chẳng khác nào thời ngày xưa. Đến lúc này, tôi mới thấm thía câu nói: “ở phố khổ hơn ở quê” của những bậc đàn anh trong công ty.
Thêm vào đó, khi con đến tuổi đi học, tôi mới nhận ra rằng khu đô thị mới chỗ chúng tôi cách nhà trẻ công lập gần nhất 7km, bằng hơn ½ quãng đường đi làm của tôi, nhưng theo hướng ngược lại; còn nhà trẻ tư thì rất đắt đỏ, học phí lên tới hơn 7 triệu đồng/tháng.
Câu chuyện bắt đầu trở nên nan giải với chúng tôi. Vợ chồng tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện bán nhà để chuyển đi nơi khác, gần trung tâm hơn, đỡ tắc đường và ngập lụt hơn. Thế nhưng căn chung cư của chúng tôi đã rao bán suốt nửa năm trời mà không có bất cứ một cuộc ngã giá nào xảy ra, lý do là dịch bệnh Covid hoành hành, giá đất nền giảm mạnh, người ta chẳng dại gì đi mua chung cư để đầu tư; còn người mua để ở thì chắc cũng gặp khó khăn do dịch bệnh. Đúng vào lúc này, thì một tin “sét đánh” nữa khiến vợ chông tôi hoàn toàn “gục ngã” trong hối hận và tuyệt vọng: mảnh đất chúng tôi bán ở quê nay lại nằm ngay cạnh khu công nghiệp vừa quy hoạch, còn có một con đường lớn rộng 8m chạy qua ngay trước mặt; vậy là 980m2 đất hồi đó của tôi bây giờ chính là “đất mặt đường”, giá cả tăng vù vù.
Hồi đó tôi chỉ bán được gần 2 triệu/m2 thì nay giá đất ở đó đã lên tới 15-17 triệu đồng/m2. Chúng tôi nghe được tin này mà “tiếc đứt ruột”, chỉ biết ngậm ngùi khóc ròng; bán đất ở quê mua nhà Hà Nội đúng là quyết định sai lầm nhất trong đời tôi!
- Dự án 8.000 tỉ đồng ở Hà Nội dang dở, người dân mong ngóng sớm hoàn thiện
- Tòa cao ốc bà Trương Mỹ Lan rao bán giá 1 tỷ USD tại Hà Nội
- Cha mẹ không “nhẫn tâm” với con cái, giáo dục nhiều cũng vô ích
- “Hồng lâu mộng 2024” nhận cơn mưa gạch đá vì quá… gợi tình
- Clip “bàn tay hư” của Cao Thái Sơn với “người tình yêu 3 ngày” gây bão mạng xã hội