Phát triển mô hình nuôi dế thương phẩm sau 7 năm gắn bó, anh Đặng Đình Quyền đã thành công khi tìm đầu ra ổn định, tạo nguồn thu nhập kinh tế cao nhờ bán dế thịt, chế biến thực phẩm từ con dế.
Khoảng năm 2013, tại TP. Hồ Chí Minh, anh Đặng Đình Quyền (trại dế Bảo Ngân), ấp Chợ Xếp, xã Tân Thanh Bình, huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre) vừa làm công ty, vừa học hỏi và trau dồi kinh nghiệm nuôi dế. 2 năm sau, anh về quê tỉnh Bến Tre khởi nghiệp nuôi dế cho đến nay.
“Tôi từng mua vé vào cổng Trại dế ở Củ Chi với giá 50 ngàn đồng/người để tham quan, tìm hiểu kỹ thuật. Tôi mua ổ trứng dế ta chừng chén ăn cơm, giá 50 ngàn đồng mang về nuôi thử nghiệm nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Tôi chuyển sang nuôi dế mèn Thái, bước đầu khả quan”, anh Quyền nhớ lại.
Ban đầu, anh Quyền nuôi thử nghiệm bằng thùng xốp, trong can nhựa. Sau đó, anh mua 2 ổ trứng giống ở Tây Ninh vận chuyển qua đường bưu điện.
Ban đầu, chuồng dế được anh thiết kế bằng khung cây đơn giản, bao phủ nylon trắng xung quanh, diện tích tầm 2m2, cao hơn 1m. Anh sử dụng mo nang dừa phơi khô, phủi sạch lót nền, lá chuối khô phủ lên trên, tạo môi trường sống cho dế. Về sau, anh phát triển số lượng từng năm, xây thêm chuồng nuôi dễ mới chất liệu xi-măng, ốp gạch men đầu tường khoảng 0,9cm bên cạnh chuồng khung sắt, phủ bạt trắng. Dùng vỉ trứng bằng giấy lót nền, chất thành 2 lớp, từ 25 – 30cm. Sau thu hoạch, vỉ được tái sử dụng bằng cách phơi nắng 2 – 3 ngày; loại bỏ những thủng sâu, hư nặng.
Theo người nuôi, dế có dòng đời từ 3 – 3,5 tháng. Sau nở 30 ngày, dế trải qua 4 chu kỳ lột (khoảng 7 ngày/lần), có thể thu hoạch làm mồi chim, cá cảnh. Tầm 45 – 50 ngày mang trứng xuất bán dế thịt, có thể sinh sản. Thu hoạch đồng loạt bằng cách giũ vỉ, đổ vào xô khi thấy khoảng 20% dế trong chuồng lột cánh giai đoạn cuối. Kéo dài thời gian làm dế già, ra cánh, giảm chất lượng thịt.
Tùy theo ổ trứng ban đầu nhiều hay ít, thu hoạch dao động 7 – 15kg/chuồng. Đối với dế thịt thương phẩm, trước thu hoạch 3 – 4 ngày, cắt thức ăn tinh và rau, chuyển sang mía hoặc củ sắn giúp sạch ruột, ngọt thịt.
Sau thu hoạch, dế được ngâm muối, rửa sạch cho vào bịch, cấp đông để bảo quản. Thịt dế béo ngậy khi cho ăn đậu xanh, đậu phộng nếu thu hoạch xong, chế biến ngay; còn để lâu, đậu lên men làm chua thịt.
Anh Quyền mua bí đỏ dạt (giá 4 – 5 ngàn đồng/kg) cung cấp nước hiệu quả cho dế, thay thế biện pháp phun sương trước đó. Anh trồng xen thêm cây mì trong 1,5 công vườn dừa xiêm xanh, đảm bảo nguồn thức ăn sạch cho dế. Theo anh, phân dế không gây ô nhiễm môi trường, hay tạo mùi khó chịu, mà còn giúp cung cấp nguồn dinh dưỡng hữu cơ bón cho cây trồng.
“Nuôi dế chỉ khoảng 1 triệu đồng là có thể khởi nghiệp, lại nhẹ công chăm sóc nhưng đòi hỏi niềm đam mê. Nuôi từ trứng mang lại hiệu quả cao hơn mua dế con thuần dưỡng. Tránh nuôi số lượng nhiều trong diện tích nhỏ vì dế sẽ tiêu diệt nhau. Chú ý những động vật gây hại, tuyệt đối không cho dễ ăn bắp cải, rau muống hay rau lang sẽ gây hại sức khỏe. Nên dọn chuồng sau thu hoạch, tránh làm ngay giai đoạn dế lột cánh, hạn chế hao hụt”, anh Quyền chia sẻ kinh nghiệm.
Hiện tại, trại dế Bảo Ngân đang nuôi khoảng 20 chuồng dế (từ 2 – 4m2/chuồng). Lúc trước, anh Quyền nuôi 30 – 40 chuồng, do dịch Covid-19 buộc cắt giảm để thích nghi. Dế bán lẻ tại trại giá 150 ngàn đồng/kg dùng làm thức ăn cho chim, cá cảnh hoặc sử dụng cắm câu; 200 ngàn đồng/kg đối với dế thịt làm thực phẩm; 250 ngàn đồng/kg khi món ăn đã chế biến. Tầm 600 – 700 con/kg.
- Thái Sơn Hiệp Hoà-nơi lạnh lẽo nhất Bắc Giang lúc này ,xem xong ám ảnh luôn
- Nao lòng trước bộ ảnh gánh hoa Hà Nội 100 năm trước
- Bố mẹ hiện đại nên nắm vững 5 quy tắc này, để trẻ tự tin thành người xuất sắc
- Từ 18.6, Hà Nội sửa đổi tỉ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất
- Con ước biến thành “chiếc điện thoại” để được bố mẹ yêu thương