Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
1634 lượt xem

“Bị quấy rối vì ăn mặc khêu gợi”: Lỗi do ai?

Tôi rất bất bình khi một số người chọn cách đổ lỗi cho nạn nhân thay vì tố cáo hành vi sai trái tệ hại của kẻ phạm tội.

Khi nghe phản ứng của nhiều người khi biết nạn nhân bị quấy rối tình dục là “Cô ấy mặc gì”, “Bạn ý làm gì thế” hay “Làm sao mà tự dưng bị thế được, chắc chắn nó làm gì rồi”, tôi thấy rất thất vọng.

Hồi tôi cấp ba, tôi có quen một chị học hơn tôi hai lớp. Chị xinh và giỏi, bình thường cố gắng học hành, tham gia nhiều hoạt động trên lớp. Chị là người dễ mến, vì vậy cũng được nhiều người thích.

Thế rồi một hôm chị nghỉ học. Tôi cũng không để ý nhiều, nhưng sau một, hai tuần không thấy chị ở trường tôi mới hỏi lý do. Thế rồi tôi được biết là chị vì bị quấy rối tình dục, bị động chạm cơ thể, ảnh hưởng tâm lý nặng. Bởi vậy mà chị phải nghỉ học, cắt ngang quãng đời đẹp nhất để đi điều trị.

Khi ấy tôi tự hỏi là chị có làm gì không mà lại phải gánh cái kết cục như vậy? Tôi quen chị nhiều năm, biết chị bình thường không mặc đồng phục thì cũng chỉ mặc áo phông quần dài, chị cũng luôn giữ tự trọng của bản thân.

Chính tôi khi ấy cũng rất hoang mang. Giả sử tôi cũng bị quấy rối, bị động chạm hoặc thậm chí còn tệ hơn thì tôi biết làm sao? Bản thân tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện như vậy.

Lên đại học rồi bắt đầu đi làm, tưởng như năm người tôi quen biết thì ba người đã bị quấy rối gần đây. Những người này đều là chị em, bạn bè, nam có nữ cũng có. Nhẹ thì chỉ biết nhắm mắt cho qua, vì muốn giữ việc, vì muốn an ổn. Nặng thì phải xin nghỉ việc, tệ hơn nữa thì đi điều trị tâm lý, thậm chí chọn đến biện pháp kết thúc quãng đời còn lại của mình.

Ai cũng có quyền nghĩ, có quyền nhìn, có quyền hành động và làm gì họ muốn. Vậy nhưng không thể hành vi của họ tác động đến người khác và gây ra ảnh hưởng đến người khác. Bạn có quyền làm gì bạn muốn, nghĩ gì bạn muốn, cũng như bạn có quyền bất khả xâm phạm đến cơ thể của mình và quyền được tôn trọng.

Trên hết, chúng ta nên tôn trọng lẫn nhau, không thể làm giảm một con người hoàn chỉnh thành một tính năng hay bộ phận cơ thể của họ được. Tôi tin rằng đa số mọi người đều hiểu điều này. Quần áo cũng không phải là thứ khiến nạn nhân bị quấy rối, bị xâm hại. Kẻ phạm tội là người có tội, chỉ vậy thôi.

Tôi không cổ suý việc ăn mặc lố lăng, phản cảm. Tôi cho rằng mọi thứ đều cần hợp tình hợp lý. Giả dụ như đi làm công sở thì cần mặc đồ phù hợp, đi tiệc tối thì mặc vest hoặc váy, đi bơi thì mặc đồ bơi. Vậy nhưng không thể đổ lỗi cho nạn nhân bằng cách phê phán lối mặc của người ta. Đầu tiên thì có người phê phán người ăn mặc như đi bar. Sau đó thì phê phán mặc quần soóc, sau đó thì lại cố gắng cãi rằng một bộ đồng phục cũng tính là “khêu gợi”.

Nói cách khác, nếu như chúng ta đồng ý đổ tội cho nạn nhân thì rất nhanh chóng gần như tất cả các bộ quần áo sẽ bị phán xét. Tôi xem các clip camera quay lại cảnh bị quấy rối, có nhiều người rơi vào cái suy nghĩ như vậy. Đầu tiên thì những nạn nhân ăn mặc gợi cảm hơn bị đổ lỗi.

Dần dần sau đó, cả những nhân viên công sở mặc blouse và quần dài cũng bị nói là “tại cách ăn mặc”. Tôi cũng nói luôn là những nạn nhân này có cả nam, cả nữ! Tôi nghe so sánh ăn mặc hở hang, “sexy” cũng giống như đeo trang sức. Tôi không chối cãi là việc này có thể dẫn đến nhiều khả năng bị quấy rối hơn, cũng như việc đeo trang sức bằng đá quý dẫn đến khả năng bị trộm vặt cao hơn.

Nhưng chẳng lẽ vì sợ bị ăn cướp mà bảo toàn bộ mọi người không thể đeo cái dây chuyền, đeo cái vòng tay hay đeo một đôi khuyên tai? Việc ăn mặc cũng như vậy. Chẳng lẽ cứ ăn mặc kín mít mãi để đề phòng biến thái? Chẳng lẽ khi nào ra cửa cũng phải cân nhắc xem quần áo mình mặc có khả năng bị người khác coi là đẹp hay không.

Dù sao thì không có dây chuyền trộm vẫn sẽ ăn trộm, cũng như cho dù bạn có mặc đồ gì đi nữa thì kẻ xấu vẫn sẽ quấy rối. Hơn nữa, tôi cũng cho rằng quan điểm “nếu như ăn mặc kín đáo sẽ không bị quấy rối” khá là phiến diện. Phần nào đấy thì nó không hẳn là sai, nhưng cần cân nhắc là các vụ quấy rối tình dục xảy ra với cả nam và nữ, với tất cả các bộ quần áo, với từ trẻ em đến người già.

Ăn mặc khêu gợi không phải là thứ khiến quấy rối tình dục xảy ra, mà nguyên nhân chỉ bắt nguồn từ suy nghĩ bậy bạ và rồi hãm hại người khác. Việc cần làm là đưa ra biện pháp để bắt kẻ phạm tội.

Bài viết cùng chủ đề: