Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin và có công việc ổn định tại TP. Hồ Chí Minh nhưng anh Nguyễn Bá Cừ quyết định về quê nuôi động vật hoang dã thông thường để làm giàu.
Trước sự ảnh hưởng của cơn bão giá, dịch bệnh trong những năm gần đây, anh Cừ cũng bị tác động lớn, có lúc đã nghĩ đến chuyện buông xuôi.
Song với suy nghĩ không có gì khó hơn khi bắt đầu, thất bại là bài học kinh nghiệm, rẽ hướng là tìm lối đi mới…, anh đang từng bước tạo dựng thương hiệu cho chính mình. Đó là cà phê chồn do anh Nguyễn Bá Cừ tạo ra.
Cơ duyên với nghề nuôi rắn
Sau nhiều năm dùi mài đèn sách, năm 2004, anh Nguyễn Văn Cừ (quê Hà Tĩnh) tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin tại Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.
Anh tốt nghiệp loại giỏi và được nhà trường giữ lại để đào tạo và công tác lâu dài với mức thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, với ý chí vươn lên làm chủ, sau hơn 3 năm làm việc tại trường, anh Cừ xin nghỉ để ra ngoài làm nhiều nghề khác nhau, từ môi giới chứng khoán đến buôn bán hải sản…
Kinh doanh tự do có tiền nhưng thu nhập không ổn định nên anh đổi hướng. Tháng 6-2011, trong một lần về thăm ba mẹ ở huyện Đồng Phú, anh Cừ thấy người hàng xóm bắt được 1 con rắn ráo trâu rất to nên đã hỏi mua lại ý định đưa về thành phố.
Khi về TP. Hồ Chí Minh nói chuyện với bạn bè mới biết rắn ráo trâu giá thương phẩm cao, cung không đủ cầu. Trong khi rắn ráo trâu không có nọc độc, thức ăn dễ kiếm, diện tích nuôi không lớn, vốn đầu tư thấp.
Từ đó, hằng ngày, anh Cừ lên internet học hỏi kinh nghiệm và tìm mua 10 con rắn ráo trâu giống về nuôi. Lứa rắn đầu tiên lớn lên rồi sinh sản, anh để lại nhân giống. Sau khoảng 1 năm nuôi rắn để nhân giống, từ 10 con rắn ban đầu, anh đã có hàng trăm con rắn ráo trâu lớn nhỏ và bắt đầu có thu nhập.
Đầu năm 2014, anh bán được hơn 300 con rắn giống với giá 150.000 đồng/con và 70kg rắn thịt với giá 500.000 đồng/kg, thu về khoảng 80 triệu đồng. Càng về sau, mỗi năm anh thu về khoảng 200-300 triệu đồng từ việc bán rắn giống, rắn thương phẩm và trứng rắn.
Anh Cừ cho biết, rắn ráo trâu là động vật hoang dã nên sức đề kháng rất tốt, ít bệnh và mau lớn. Nếu chăm sóc đúng hướng dẫn chỉ sau 6 tháng là rắn trưởng thành.
Tuy nhiên, thị trường rắn thương phẩm đang dần bão hòa và nhu cầu sử dụng chỉ dừng lại ở mức độ nhất định. Nếu mở rộng quy mô nuôi sẽ dẫn đến cung vượt cầu và giá rắn xuống thấp.
Mặt khác, nuôi rắn thương phẩm không thể tạo nên một thương hiệu, nhãn hiệu cho riêng mình. Vì vậy, từ năm 2015, anh Cừ lại chuyển hướng kinh doanh sang nuôi động vật nhưng thành quả sản phẩm chính lại là thực vật, đó là nuôi chồn để lấy cà phê.
Nuôi chồn hương để lấy cà phê
Khác với cà phê thông thường, cà phê chồn hay còn gọi là cà phê hương chồn được biết đến là thức uống cao cấp bởi sự quý hiếm và đắt đỏ của nó.
Anh Cừ bén duyên với cà phê chồn trong một lần đi kiếm nhái làm mồi cho rắn, anh phát hiện và bắt được 1 con chồn hương trong lô cao su.
Thời gian đầu, anh chỉ nuôi chơi nhưng sau khi xem tin tức thấy nhắc đến cà phê chồn. Sẵn nhà có vườn cà phê, anh hái cho chồn ăn và cho ra sản phẩm.
“Sau khi có một ít hạt cà phê thành phẩm, tôi tò mò hỏi thêm bạn bè trong ngành cà phê về cách chế biến, phơi, rang. Sau đó, tôi rang và pha uống thử thì thấy ngon thật. Lúc đó, tôi mới quyết định mua thêm chồn về gây giống để làm cà phê” – anh Cừ nhớ lại.
Đến nay, sau 7 năm tìm tòi, học hỏi, anh Cừ đã gây dựng được 40 cặp chồn hương. Do đặc tính của loài chồn hương sống riêng biệt, chỉ đến mùa sinh sản mới ghép đôi.
Mỗi cá thể chồn phải được xây dựng chuồng riêng biệt với diện tích khoảng 1m2. Thức ăn chủ yếu hằng ngày của chồn là cháo động vật và các loại trái cây có sẵn như chuối, mít…
Ngoài ra, anh còn xây dựng được hệ thống 8 trang trại theo hình thức liên kết, với hơn 100 cặp chồn trưởng thành. Ước tính mỗi năm cho khoảng 1 tấn nguyên liệu thô. Sau khi chế biến được khoảng 600kg cà phê chồn thành phẩm giá bán dao động khoảng 3,5-4 triệu đồng/kg tùy thời điểm.
Anh Nguyễn Văn Cừ cho biết: Ước mơ lớn nhất của tôi là hướng đến xây dựng mô hình hợp tác xã để xây dựng thương hiệu cà phê chồn Bình Phước. Tôi mong rằng, khi xây dựng được thương hiệu, thị trường ổn định sẽ mở rộng liên kết với nông dân.
Mỗi hộ dân có thể nuôi vài chục con chồn, một ít cà phê sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các mô hình kinh tế khác. Không những vậy, sau này khách du lịch đến Bình Phước sẽ có một sản phẩm lựa chọn để làm quà mang tính đặc trưng địa phương đó là đặc sản cà phê chồn Bình Phước.
Theo anh Cừ, hằng năm đàn chồn hương cho ra nguyên liệu phụ thuộc vào mùa vụ cà phê. Thông thường từ tháng 10 đến cuối tháng 12 (dương lịch) vì đây là mùa cà phê chín rộ.
Để có sản phẩm cà phê chồn đạt chất lượng, ngoài chăm sóc chồn khỏe mạnh, phát triển tốt, cây cà phê phải được chăm sóc theo hướng hữu cơ, quả phải chín mọng để chồn tự lựa chọn.
Sản phẩm sau khi được chồn tiêu hóa và thải ra sẽ được thu gom lại và chế biến bằng phương thức thủ công.
Theo kinh nghiệm được đúc rút sau nhiều lần thất bại, anh Cừ cho rằng: hạt cà phê sau khi rửa sạch phải được phơi khô dưới nhiệt độ vừa phải, bởi nếu phơi trực tiếp dưới ánh nắng sẽ làm cà phê mất thơm và không đạt chất lượng. Sau khi hạt đủ khô sẽ được tách bỏ phần vỏ và rang đều bằng thủ công để tạo ra sản phẩm phục vụ khách hàng.
Nói về đầu ra cho sản phẩm, anh Cừ cho biết, trước đây, đối tác chính của anh chủ yếu là các công ty chuyên về cà phê nhưng không có trang trại nuôi chồn. Tuy nhiên, hiện nay anh còn tự sản xuất ra sản phẩm đầu cuối bán lẻ cho khách hàng, chủ yếu là khách du lịch và khách nước ngoài.
- Xếp hàng 2 ngày chờ đăng kiểm, sắp được nhận tem thì công an ập vào khám xét
- Nuôi loại gà bản địa đen sì, nông dân Hà Giang bán giá cao vẫn nhiều người mua
- “Anh khùng” thực hiện cú liều ăn nhiều khiến ai cũng ngả mũ thán phục
- Người Việt suốt ngày cứ mua bán đất trao qua, trao lại: Đổi đời đâu chưa thấy, chỉ thấy "vỡ mộng"
- Việc giải tỏa ngôi nhà nằm giữa cung đường 164 tỉ đồng vẫn bế tắc