Ông Lâm Văn Phấn làm ra tiền tỷ chỉ nhờ trồng cây hẹ, cây lúa. Đặc biệt, mỗi năm ông tỷ phú nông dân còn bỏ ra vài tỷ để làm từ thiện.
Ông Lâm Văn Phấn, với nước da bánh mật, khuôn mặt hiền, luôn nở nụ cười trên môi khi trò chuyện – không còn xa lạ với người dân ở ấp Tắc Giồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), nơi gia đình ông sinh sống.
Khi phóng viên đến gặp ông Phấn cũng là lúc ông đang ngoài ruộng chăm sóc 3.500m2 đất trồng cây hẹ. Ông vui vẻ cho hay, hẹ ông trồng đang ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch và hứa hẹn cho lợi nhuận khá và lâu dài.
“Hẹ này tôi trồng chủ yếu bán bông cho thương lái từ 16.000-20.000 đồng/kg, còn bán lá hẹ có giá 13.000 đồng/kg” – ông Phấn nói.
Ông Phấn nói thêm: “Do trồng hẹ chủ yếu để bán bông nên tôi không thu hoạch dứt điểm 1 lần mà cách từ 2-3 ngày thu hoạch 1 lần, cứ vậy đến cuối năm. Theo tôi tính toán, với diện tích này, mỗi năm có doanh thu khoảng 200 triệu đồng, trừ hết chi phí sản xuất và tiền thuê nhân công thì còn khoảng 100 triệu đồng”.
Theo lão nông này, hẹ dễ trồng, ít bệnh, chỉ cần làm đất giồng cao, có khoảng cách 4 hàng trên 1,1 m, sau 2,5 tháng là có thể thu hoạch dần, sau đó thu hoạch liên tiếp đến 24 tháng sau (hẹ vừa bán được lá, vừa bán được bông). Tuy nhiên, cây hẹ chỉ trồng được 2 năm là phải luân canh cây màu khác đến vài năm rồi mới trồng tiếp lại được.
Tiền lời trồng đậu đũa, trồng hẹ, trồng lúa được bao nhiêu ông Phấn đều dành để mua đất để nhân rộng diện tích.
Hiện ông Phấn đã có tổng cộng 7ha đất, trong đó, ngoài diện tích trồng hẹ, còn lại là trồng lúa. Mỗi năm, ông Phấn có tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Ông Phấn làm lúa 2 vụ, với 2 giống chủ lực là giống lúa OM 6976 (giá bán khoảng 5.900 đồng/kg) và giống lúa Hàm Trâu (giá bán khoảng 6.400 đồng/kg). Trà lúa Hè Thu đang sắp thu hoạch, ước năng suất đạt từ 800 – 900 kg/công.
“Ở đây do thiếu nước tưới nên chỉ thích hợp làm 2 vụ lúa và chỉ sản xuất được giống OM 6976 và Hàm Trâu. Vì 2 giống lúa này phụ hợp với thổ nhưỡng nơi này nên dễ trồng, có năng suất, bán có lời, còn lúa thơm trồng không hợp, cho năng suất rất thấp, lợi nhuận thấp” – ông Phấn chia sẻ thêm.
“Mát tay”, trồng cây gì, hiệu quả cây đó, ông Sáu Phấn được bà con cảm phục, thường tới học hỏi kinh nghiệm, tư vấn làm ăn.
Vốn tính dễ gần, nghĩa tình, ông tận tình chia sẻ kinh nghiệm, trực tiếp hướng dẫn bà con làm bờ, chọn giống, chăm bón.
Ngoài ra, nhờ cơ nghiệp vững chãi, ông Sáu Phấn “mạnh tay” làm từ thiện. Ông Phấn đã đóng góp 2,2 tỷ đồng (tiền cá nhân ông, vận động từ người thân, nhà hảo tâm, các mạnh thường quân) xây mới và sửa chữa 6 cây cầu, 4 tuyến đường giao thông nông thôn; xây 2 căn nhà nghỉ mát giữa ruộng làm nơi cho bà con trú nắng mưa, nghỉ trưa khi đi làm đồng và tập kết nông sản vào mùa thu hoạch.
Ngoài ra, ông còn trồng hàng nghìn cây bạch đàn, đào hai ao nuôi cá, để khi người có nghèo cảnh khó khăn cần cây cất nhà thì ông cho cây làm nhà. Người nghèo không có cơm ăn thì ông cho gạo, cá; người bị bệnh có hoàn cảnh khó khăn thì ông giúp tiền đi điều trị…
Ông nói, những con đường, cây cầu đã xây xong hoặc sắp xây tất cả sẽ là con số không, nếu không được người dân đồng lòng ủng hộ.
Ông Sáu Phấn cho rằng: “Nói cho người ta tin mới khó, chứ đánh mất niềm tin thì rất dễ. Chỉ có nói và làm đi đôi với nhau, bản thân phải gương mẫu thì mới nói chuyện với bà con được”.
Ông tâm sự thêm: “Bà con xung quanh còn nghèo, mình có của ăn, của để hơn người thì giúp họ để tích đức cho con cháu sau này”.
Ông Sáu Phấn bỏ tiền túi ra và vận động người thân xây dựng cầu, đường, nhà nghỉ mát giữa đồng cho bà con đi lại thuận tiện, trú nắng mưa, nghỉ trưa, tập kết nông sản vào mùa thu hoạch.
Ông Phấn còn tích cực đóng góp ngày công lao động thực hiện các công trình như phát hoang cỏ dại, trồng hoa, xây dựng cột cờ, cổng rào và cải tạo nhà ở xanh, sạch, đẹp… Ông Phấn luôn nói mình không phải là người tài giỏi, mà chỉ là người có tấm lòng, được bà con xung quanh tin tưởng. Lão nông hiền lành nói: “Gia đình tôi từng khó khăn nên thấm thía được cái nghèo khổ. Giờ thì tôi cũng đâu giàu có gì, nhưng nhiều người khổ hơn mình nên giúp được gì thì giúp”
Là người uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, ông Phấn phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ về vốn vay phát triển sản xuất cho hộ khó khăn, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, từ đó đã góp phần đáng kể tăng thu nhập cho hộ dân trên địa bàn xã.
Trong những năm qua, ông Phấn thường xuyên vận động nhân dân quyên góp tiền giúp đỡ cho những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật,…
Đặc biệt, ông còn vận động, giúp đỡ thường xuyên hàng trăm người với số gạo 30kg/người/tháng (tổng giá trị đến thời điểm này là hàng tỷ đồng).
Nói về việc đi vận động giúp đỡ người nghèo, ông Sáu Phấn tâm sự: “Tôi tìm đến từng người mình quen rồi nói chuyện với họ về cuộc sống cơ cực của người dân. Từ đó người thân, nhất là người chị của tôi ở Mỹ, đã đóng góp, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo”.
Căn nhà tường khang trang của ông Sáu Phấn.
Ông Phấn bên căn chòi mà ngày ngày ông ăn, ngủ.
Dù đã xây dựng căn nhà tường khang trang, nhưng hơn 10 năm qua, ông Sáu Phấn vẫn ăn uống, ngủ ở cái chòi lá ngoài ruộng.
“Tôi thích ở ngoài chòi vì nó thoải mái, lại tiện cho việc chăm sóc rau màu, nuôi vịt, cá. Sống ngoài đó “sướng” khỏe hơn trong nhà lớn này”, ông nói.
Chia sẻ về những dự định của mình trong thời gian tới, ông Sáu Phấn cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục cố gắng chung sức, chung lòng, chung tay góp sức với Đảng, Nhà nước, nhân dân. Chỗ nào lớn thì nhà nước làm, chuyện nhỏ thì vận động bà con cô bác thực hiện như xây cầu, dường… tôi làm đến khi nào sức khỏe không cho phép thì thôi”.
Tấm lòng của ông Sáu Phấn đã được biểu dương, ghi nhận từ cấp địa phương tới Trung ương.
Tháng 9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc) đã tặng bằng khen cho ông Lâm Văn Phấn do “Có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Ông Phấn còn đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020”.
- Thủ khoa khối C tỉnh Hưng Yên đi cấy thuê, bóc long nhãn để kiếm tiền học
- Cận cảnh BYD Tang EV – ô tô điện sắp được bán tại Đông Nam Á, đối thủ tiềm năng của VinFast VF8
- Muốn biết đàn ông có ngoại tình không, phụ nữ kiểm tra kỹ 3 nơi này là thấy, cái đầu tiên rất chính xác
- Hà Nội sắp cưỡng chế thu hồi đất thi công tuyến đường hơn 6.000 tỉ đồng
- Tôi hối hận vì mua đất, xây biệt thự giữa xóm nghèo