Vợ chồng anh Mình Trường (Hà Nội) và ba con nhỏ vừa có chuyến hành trình xuyên Việt kéo dài một tháng trên “ngôi nhà di động”. Xuyên suốt chuyến đi, gia đình này chủ yếu ngủ trên ô tô hay cắm trại, thay vì nhà nghỉ, homestay.
Ngày 21/6, gia đình anh Đặng Minh Trường bắt đầu hành trình lái xe, cắm trại xuyên Việt, “đón mùa hè rực rỡ”. Ba bạn nhỏ Đặng Lưu An Tường (10 tuổi), Đặng Lưu Khánh Linh (7 tuổi) và Lưu Đặng Phương Đông (4 tuổi) vô cùng háo hức.
“Từ khi con vài tháng tuổi, vợ chồng tôi đã đưa con du lịch. Ba bạn nhỏ chinh phục hết các tỉnh vùng núi phía Bắc, từng săn băng tuyết ở Phia Oắc, cắm trại trong rừng, bên suối khắp Lào Cai, Lạng Sơn…”, anh Trường cho hay.
Gia đình di chuyển bằng chiếc xe 7 chỗ đã gắn bó gần 10 năm, được trang bị như một “ngôi nhà di dộng”. Trên xe có hệ thống điện 3KW – đủ phục vụ các sinh hoạt cơ bản cho gia đình như đèn, quạt trong 3 ngày; 100l nước, thường dùng để tắm tráng cho các con khi tới bãi biển hay phục vụ nấu ăn ven đường. Trên xe cũng trang bị lều nóc, chở theo lều trại, bàn ghế, bếp di động và ba chiếc xe đạp. Theo anh Trường ước tính, chi phí đầu tư cho “ngôi nhà di động” này khoảng 150 triệu đồng.
“Ngôi nhà di động” của gia đình Hà Nội
Anh Trường thường xuyên lái xe đường dài để du lịch các địa điểm khắp Bắc – Trung – Nam nhưng đây là chuyến xuyên Việt đầu tiên và dài ngày nhất (30 ngày).
“Tôi cho rằng, tuổi thơ của các con chỉ có một lần nên vợ chồng tôi trân trọng, cố gắng cùng con trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất”, anh Trường cho hay.
Gia đình nhỏ di chuyển theo quốc lộ 1A, bám cung đường ven biển để từ Hà Nội vào TP.HCM, tới du lịch miền Tây và Cà Mau. Từ Cà Mau, họ quay trở lại theo cung đường qua các tỉnh Tây Nguyên, tham gia hai sự kiện câu lạc bộ xe tại Đà Lạt và Hội An.
Gia đình anh Trường trải nghiệm chợ nổi Cái Răng tại Cần Thơ
Hầu hết trong chuyến đi, gia đình nhỏ cắm trại thay vì thuê nhà nghỉ, homestay. Trừ những nơi không thuận lợi hay thời tiết xấu, anh Trường mới phải “thuyết phục” các con ở nhà nghỉ. “Các con tôi vốn đã quen với việc ngủ ô tô, ngủ lều giữa thiên nhiên nên chúng không thích ở nhà nghỉ”, ông bố Hà Nội cho biết.
Hàng ngày, 6h sáng gia đình thức dậy, trả phòng hoặc dọn lều trại, tìm nơi ăn sáng, uống cà phê. Họ thường lái xe từ 9h – 12h30 rồi tìm nơi ăn trưa nhẹ. “Nếu tới trưa đi qua nơi có cảnh đẹp, hoang sơ thì chúng tôi dừng lại, bung bạt, hạ bếp, tự nấu các món ăn đơn giản như bánh mì kẹp, xúc xích, mì tôm… Trên xe có tủ lạnh để chưa đồ ăn, trái cây, rất tiện lợi”, anh Trường cho biết.
Gia đình này luôn dừng xe trước 16h để dành thời gian vui chơi ở biển, ăn hải sản, đặc sản địa phương, khám phá thành phố về đêm.
“Xe dừng, ba bạn nhỏ lập tức “ai vào việc nấy”, tự bê đồ dùng, bàn ghế cá nhân, phụ bố dựng lều, hỗ trợ mẹ nấu ăn. Khi rời đi, các bạn tự giác dọn dẹp sạch sẽ, tuyệt đối không để lại rác thải”, anh Trường kể.
Trên xe có hệ thống nước dự trữ để phục vụ tắm tráng hay nấu ăn
Anh Trường thường chọn điểm cắm trại là những nơi không quá vắng vẻ, gần nhà dân, gần nơi cung cấp dịch vụ ăn uống để đảm bảo an toàn. Những điểm cắm trại ấn tượng nhất với gia đình này có thể kể tới bãi biển Châu Tân (Quảng Ngãi), Dốc Lết (Khánh Hòa), Hàm Rồng (Thừa Thiên Huế) và rừng thông Đà Lạt.
Nếu thời tiết đẹp, cả nhà dựng lều bên ngoài xe. Nếu trời lạnh, hay mưa, anh Trường sẽ xếp hệ thống ghế gấp để tạo giường 3 người ngay trong xe, mở thêm lều nóc.
“Con thích ngủ ở lều để sáng sớm thấy bình minh, hít thở không khí trong lành, thỏa thích nghịch cát, tắm biển”, ba bạn nhỏ của anh Trường hào hứng kể.
Trong hành trình, gia đình nhỏ cũng gặp một số sự cố như sa lầy ở biển hay bục két nước làm mát khi đang leo đèo Đại Ninh (Lâm Đồng).
“Thật may, lần nào tôi cũng tìm được anh em bạn bè gần đó hỗ trợ. Trong lúc chờ cứu hộ, các bạn nhỏ “bình thản” xếp bàn ghế, mang bếp ra nấu nướng. Cả gia đình “chill” ngay tại chỗ thay vì lo lắng, buồn chán”, anh Trường kể.
Trong lúc bố tìm cách xử lý sự cố xe, ba bạn nhỏ tự chơi, cùng mẹ nấu ăn ngay bên cạnh
Sự cố đáng nhớ nhất với gia đình Hà Nội là khi gặp trận mưa lớn tại TP.HCM, khi đang trên đường di chuyển tới miền Tây. Cơn mưa vừa đổ xuống một lúc, nước đã dâng cao, chiếc xe 7 chỗ như “trôi lềnh bềnh giữa biển nước”.
“Mỗi lần xe container đi qua, nước táp vào xe, tôi đều hú hồn. Nhưng không thể dừng xe, tôi cố gắng bám theo sau những chiếc xe lớn, đi cẩn trọng để bảo đảm an toàn cho gia đình”, anh Trường kể. “Đấy là lúc tôi lo lắng nhất trong suốt hành trình”, anh nói.
Ngoài tắm biển dọc từ Bắc vào Nam, vợ chồng anh Trường cũng sắp xếp đưa các con trải nghiệm tất cả các thành phố du lịch, tham quan di tích lịch sử, cùng đi thuyền trên sông Hương nghe ca hò xứ Huế, thả đèn hoa đăng ở Hội An, bắt hải sản ở đảo Lý Sơn…
Gia đình nhỏ rất yêu thích cuộc sống trên đảo Lý Sơn
“Tôi tin rằng những gì đã nghe, đã thấy, đã trải nghiệm sẽ là kiến thức hữu ích với các con trong việc học tập ở trường. Hơn cả một chuyến du lịch, đây là dịp để gia đình kết nối, để các con học cách sống tự lập, sẵn sàng đối mặt và khắc phục những thiếu thốn”, anh Trường cho hay.
- “Tháo chạy” sau 3 tháng theo phong trào “bỏ phố về quê”
- Hà Nội: Công trường thi công cầu vượt chữ C đầy ngổn ngang
- Nỗ lực cả đời bằng công cốc nếu chưa học được 9 nguyên tắc sống còn này
- Ninh Bình: Bỏ túi trăm triệu nhờ tuyệt kỹ nuôi ốc nhồi phát triển suốt mùa Đông
- Bình Thuận: Nuôi con đặc sản nhát như cáy, chỉ ăn lá uống sương, giá 700.000 đồng/kg thương lái vẫn tranh nhau mua