Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
110 lượt xem

"Bỏ phố về quê" khi tuổi già: Bạn có chắc về quê sống an nhàn khi con cái sống và làm việc ở xa không?

Ngày vợ xin nghỉ phép về quê sang tên đất, chị sếp bảo: “Về quê sống để sau này lặn lội lên thăm con như mẹ em bây giờ à?”.

Đọc bài Hai năm ‘bỏ phố về quê’ của vợ chồng 7X, tôi thấy có bóng dáng của mình trong đó. Tôi tán đồng 50% và một nửa còn đang phân vân ngờ vực.

Tôi cũng thuộc thế hệ 7X đời đầu như tác giả bài viết và vốn xuất thân từ làng quê nghèo sông nước miền Tây, với nhiều nỗ lực cố gắng đã vào đại học và học tập thật tốt.

Sau khi tốt nghiệp, tôi ở lại trường công tác được hơn ba mươi năm rồi. Không phải đến bây giờ, khi đã hơn năm mươi tuổi, và vì dịch bệnh mà tôi mới nghĩ đến việc bỏ phố về quê. Ngay từ những ngày đầu ở lại thành phố làm việc, tôi đã nung nấu ý định khi có chút vốn, không phải vất vả mưu sinh nữa, tôi sẽ trở về quê hương để sống cuộc sống an nhàn với vườn ruộng.

Tôi cũng đọc tất cả các bài viết có nội dung bỏ phố về quê trong chuyên mục này và cũng suy ngẫm nhiều về những trường hợp thành công như Vợ chồng Sài Gòn chi 5 tỷ đồng để bỏ phố về quê, như Từ giã căn hộ 6,4 tỷ Hà Nội về quê sống thực dụng… và cũng không ít thất bại như Trang trại ‘bỏ phố về quê’ 50.000 m2 khiến tôi stress…

Nhưng càng lớn tuổi, cuộc sống càng ổn định thì niềm tin đó trong tôi càng dần bị lung lay vì nhiều lý do. Nhờ công việc chính ổn định và những công việc làm thêm thuận lợi của nhiều năm trước, vợ chồng tôi có nhà rộng rãi ở khu vực Thủ Đức và cũng có ngôi nhà nhỏ ở trung tâm Sài Gòn cho con cái tiện việc học hành.

Các con chăm, ngoan và chuyên tâm học hành nên không phải lo quá nhiều cho tương lai công việc của chúng. Mỗi năm chúng tôi chắc chắn sẽ về quê hai lần và mỗi lần vài ngày là dịp Tết và nghỉ hè.

Ngoài ra còn thỉnh thoảng về thăm bố mẹ mỗi lần cưới, giỗ… hay đơn giản chỉ là rảnh rỗi thường là trong ngày. Khi bố mẹ còn khỏe, việc đi lại như vậy tôi thấy ổn thỏa.

Rồi bố vợ bệnh, cố gắng lắm mỗi tuần chúng tôi cũng chỉ về thăm được thứ bảy, chủ nhật. Bố mất, mẹ ở một mình dù xung quanh có bà con, cô bác cậu dì… vì công việc và con cái học hành, chúng tôi không thể về quê thường xuyên. Mẹ vợ lặn lội từ quê lên thăm chúng tôi và ở lại với con cháu hai tuần, rồi lại nhớ nhà và về quê, cứ thế lặp lại vài năm rồi và mỗi ngày bà một già hơn.

Đến mẹ tôi bệnh, không may là dịch bệnh Covid-19 bùng phát đi lại khó khăn. Tôi vài tuần mới về thăm bà được một lần ở chút rồi lại đi, mỗi ngày gọi điện hỏi thăm mẹ trong lúc bà yếu và nói năng khá khó, may là còn có các chị và em của tôi ở gần chăm sóc. Mẹ tôi mất, tôi về đến nhà không kịp nhìn mặt bà lần cuối trước lúc đi xa vĩnh viễn, buồn và nhiều suy ngẫm.

Chúng tôi có thể về quê ở mà không cần phải tốn tiền mua đất vì ở mỗi bên nội ngoại của bọn trẻ chúng tôi đều có phần vài ngày mét vuông. Có thể hoàn toàn cải tạo thành vườn ao chuồng theo ý thích như các bài viết ca ngợi bỏ phố về quê. Nhưng liệu có an nhàn và bền không?

Con cái sinh ra và lớn lên học hành ở phố, chắc chắn chúng sẽ tiếp tục học tập và làm việc ở phố, cơ hội nghề nghiệp phát triển của chúng tốt hơn. Chúng tôi về quê nghĩa là lặp lại bài toán khoảng cách. Bố mẹ già lặn lội lên phố xa trăm cây số để thăm con cháu. Con cái vài tuần một lần về thăm bố mẹ ốm, mà có khi còn không về được.

Chúng ta thường nghe là mỗi người sẽ sống cuộc đời của mình, nghĩa là con cái lớn lên sẽ tự sống cuộc đời của chúng, tự chúng quyết nơi nào chúng ở là phù hợp nhất. Chúng ta cũng sẽ tự quyết định ở phố hay về quê là phù hợp. Nhưng tôi không tin điều này.

Bạn có chắc về quê sống an nhàn khi con cái sống và làm việc ở xa không? Bạn có thích con cái về quê học tập và làm việc để ở gần bạn không? Bạn thích sống xa hay sống gần con cái lúc tuổi già?

Ngày vợ tôi xin nghỉ làm một hôm để về quê làm giấy tờ sang tên vườn đất mẹ vợ cho, chị sếp hỏi: “Em định về quê sống để sau này lại lặn lội lên thăm con cái như mẹ em bây giờ à?”. Câu hỏi làm chúng tôi nao lòng.

 

Bài viết cùng chủ đề: