Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
100 lượt xem

Bỏ phố về "sống chậm" ở Đà Lạt, kiếm 60 triệu 1 tháng

Chụp ảnh cưới vừa là đam mê, vừa là nguồn thu nhập để tôi ung dung sống chậm ở “thành phố sương mù”.

Tôi vốn là một sinh viên ngành tài chính – ngân hàng. Lúc còn là sinh viên, tôi cứ tưởng công việc kiếm cơm qua ngày sau khi ra trường của mình sẽ là ngồi bàn giấy ở ngân hàng, tính toán số liệu hoặc đi… thu hồi nợ. Nhưng tính tôi dường như không thích hợp ngồi một chỗ ở văn phòng quá lâu.

Lúc đi học, tôi có tham gia câu lạc bộ nhiếp ảnh. Cũng may bên cạnh khả năng tính toán, nhớ các con số tôi còn có chút khiếu thẩm mỹ hình ảnh. Những bức ảnh tôi chụp cho bạn bè, câu lạc bộ đều được khen. Lúc đó tôi cứ nghĩ người ta khen cho vui.

Quê ở miền Trung, gió Lào khiến tôi thèm thuồng được thấy tuyết rơi, được sống ở nơi có khí hậu ôn hòa hơn, chứ không khắc nghiệt khi mưa thúi đất, khi nắng bể đầu. Đà Lạt với khí hậu tương đương như vùng ôn đới khiến tôi từng có ý định lập nghiệp và gắn bó lâu dài với mảnh đất này.

Sau chuyến du lịch Đà Lạt với công ty, tôi có một quyết định đột phá mà đến bây giờ tôi chưa hề hối hận. Đó là tôi nghỉ việc, lên Đà Lạt làm một anh thợ chụp ảnh cưới.

Thời điểm đó, tôi nhận thấy khá nhiều cặp đôi có nhu cầu lên Đà Lạt chụp ảnh cưới. Nhưng một trong những trở ngại lớn nhất của họ đó là phải thuê cả ekip hai, ba người bao gồm thợ chụp – make up, đi từ Sài Gòn, Đà Nẵng, Vũng Tàu… lên Đà Lạt. Chi phí bị đội lên quá cao, cô dâu chú rể phải chi trả trung bình 30-50 triệu đồng cho tiền vé xe đi lại, tiền công chụp, tiền ảnh, tiền make-up…

Lúc đó tôi đặt vấn đề: “Nếu có thợ chụp ảnh sẵn trên Đà Lạt, cô dâu chú rể chỉ cần thuê đồ cưới ở Sài Gòn rồi lên Đà Lạt thì tốt. Hoặc thậm chí lên Đà Lạt thuê đồ, thuê thợ makeup luôn thì có phải giảm được khoản lớn chi phí tiền bạc không?

Thậm chí thời gian có thể cắt ngắn luôn nếu bên chụp đưa ra sẵn các địa điểm cho cô dâu chú rể lựa chọn trước. Như vậy, thay vì tốn ít nhất 2-3 ngày thì bây giờ họ chỉ mất một ngày. Tối thứ bảy họ bắt xe lên Đà Lạt. Tờ mờ sáng chủ nhật đến nơi và bắt tay ngay vào việc thì có thể an tâm tối chủ nhật về Sài Gòn để sáng thứ Hai đi làm lại. Hình ảnh sẽ được trả file cho họ tự đi in hay tôi sẽ gửi album về tận chỗ họ ở.

Với ý tưởng đó, tôi đã dành bốn tháng để chuẩn bị mọi thứ cần thiết: Nhờ người bạn IT làm một trang web cưới. Tôi học thêm một khóa nhiếp ảnh cho vững vàng, ngồi xem các blog du lịch rồi note ra những địa điểm, phong cảnh đẹp. Tôi tạo fanpage Facebook chuyên về Đà Lạt để câu khách trước… Đến tháng thứ năm thì tôi quyết định trả phòng trọ ở Sài Gòn, lên Đà Lạt thuê phòng, tìm hiểu các nơi cho thuê áo cưới, tìm thợ make-up cộng tác… Cũng may có người quen ở đây nên mọi việc cũng không quá khó khăn.

Lúc bắt đầu công việc, tôi tưởng phải vài tuần, vài tháng mới có khách. Nhưng chỉ vài tiếng sau khi đăng bài, tôi có được cặp cô dâu chú rể khách hàng đầu tiên.

Rồi mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Ban đầu hình ảnh, phong cách chụp hơi non khiến nhiều cặp đôi không hài lòng nhưng họ cũng nhẹ nhàng và chấp nhận. Vì sự thực giá chụp của tôi lúc đó khá rẻ, so ra chỉ bằng 30-50% giá nếu thuê thợ từ Sài Gòn theo.

Trình độ chụp ảnh của tôi cũng dần dần lên tay, ngoài chụp cưới tôi còn chụp thêm ảnh cho các cặp đôi, ảnh chân dung… để đa dạng hóa, không bó buộc vào chỉ mỗi ảnh cưới. Mỗi tháng trung bình tôi chụp 10 show, ngày chụp, đêm về chỉnh sửa ảnh. Mỗi tháng trung bình kiếm cũng được từ 40-60 triệu đồng. Một số tiền quá sức khi đi làm văn phòng ở thành phố. Khi đó tháng thu nhập nhiều nhất của tôi cũng chưa đến 30 triệu đồng.

Số tiền vốn hơn trăm triệu đầu tư máy ảnh, lens… nhanh chóng được thu hồi. Thú thật lúc làm dự án khởi nghiệp này một mình, tôi đặt mình vào tâm thế được thì ăn, không được thì về Sài Gòn xin việc lại vậy.

Và từ đó đến nay, tôi đã sống ở Đà Lạt cũng được khá lâu. Những tháng không phải cao điểm chụp ảnh cưới, tôi ung dung sống chậm trong cái lạnh ở thành phố này.

Sáng pha trà, nhìn sương lãng đãng rơi. Tối thì tổ chức nướng thịt với bạn bè, những người quen ở đây. Hoặc ra bờ hồ Xuân Hương ăn khoai nướng, uống ly sữa đậu nành nóng.

Thật sự tôi thấy mình khá may mắn, vừa có thể kiếm số tiền để không bận tâm về tiền, vừa được sống ở nơi mình mơ ước, vừa được làm công việc mình khá thích, tuy không liên quan gì đến ngành học.

Tôi viết bài này để chia sẻ về câu chuyện sống chậm của mình ở Đà Lạt. Bạn trẻ nào mê Đà Lạt và có ý định lên đây sống chậm thì phải chuẩn bị tinh thần là thành phố này rất buồn. Buồn và lạnh, ai không chịu được cô đơn thì sẽ mau chóng “quay xe” về Sài Gòn.

Nhưng cũng nói trước là công việc ở Đà Lạt không nhiều, lương cũng không cao. Công việc chỉ thuộc hai nhóm chính là nông nghiệp và dịch vụ. Tức là lao động chân tay, cuốc đất trồng rau cho các nhà vườn, nhà kính. Hai là làm dịch vụ du lịch, tiếp tân, nhân viên cho các khách sạn, homestay…

Và điều đặc biệt là phải có tiền và công việc kiếm ra tiền thì mới hy vọng lên Đà Lạt sống chậm được. Đừng bị cái lạnh, cái sương mù rơi lãng đãng, hàng thông vi vu tạo ra ảo tưởng là lên Đà Lạt là sẽ được sống chậm. Bởi không có tiền thì sống ở đâu cũng phải nhanh và vội, chứ sống chậm thì chỉ có nước chết đói mà thôi.

Bài viết cùng chủ đề: