Khi nghe có ai đó bỏ thành phố về quê sống chúng ta dễ đưa ra nhận định: đây là những người không có chí tiến thủ, an phận thủ thường… Nhưng thực tế để “an phận” được như họ không phải ai cũng làm được!
Bỏ thành phố về quê sống
Trước khi bỏ thành phố về quê sống mình xuất thân là con nhà nông gốc Bắc. Sau khi lớn lên được bố mẹ gửi gắm vào Gia Lai ở nhà bác trên phố Pleiku đi học và làm giáo viên, vì ngày đó ngành sư phạm không mất tiền học phí. Kỳ vọng lớn lao của bố mẹ là mình có nền tảng nghề nghiệp ổn định để đỡ đần các em sau này, bởi sau mình còn năm đứa em nheo nhóc lận.
Ra trường đi dạy ở phố một thời gian rồi sau đó chuyển vào bản làng xa xôi dưới huyện, sau vài năm, mình phải lòng anh nông dân hơn chục tuổi. Ngày mình cưới, ngoài quê chỉ có mình Bố vào, Mẹ ở nhà còn phải lo cho đàn em thơ. Tổ chức xong, Bố ngậm ngùi nắm tay dặn dò, lúc chào về, thấy cụ quay mặt đi, lấy tay quyệt ngang khóe mắt, có lẽ vì thương con. Cũng phải thôi vì nhìn thấy tương lai con mình nó mù mịt quá.
Trước đó ai cũng hỏi, xinh gái trắng trẻo, có nghề có nghiệp sao không lấy chồng ở thành phố cho sung sướng mà lại lấy anh này rồi ở cái nơi rừng rú khỉ ho cò gáy như dân tộc vậy. Bởi nhà chồng ở mãi tút trên ngọn đồi, dốc cao lượn bao nhiêu vòng mới tới, đường đi là đất đỏ nhỏ chút xíu, hai bên cây cối um tùm, cầu khỉ bắc qua con suối, điện thì như đèn đom đóm, nguồn nước hạn chế, nhà vắng người thưa cảnh buồn man mác.
Mình thì cảm thấy bình thường vì trong bản mình đi dạy còn xa xôi hẻo lánh hơn nhiều. Nhưng ai ở quê vào hay trên phố tới đây thời điểm đó khi ra về cũng khóc hết nước mắt, chẳng riêng gì bố.
Bố ơi, con nghỉ dạy làm nông rồi
Rồi cái ngày mình gọi điện về nói với bố con nghỉ dạy về làm nông rồi. Ông nghe xong lặng thinh một hồi bảo: Nuôi mày ăn học bao năm trời, tốn công tốn của, giờ mày nói bỏ là bỏ, làm sao vậy con? Mày mà bỏ dạy, từ nay đừng vác mặt về cái nhà này nữa.
Nói đoạn, ông giận rồi cúp máy cái rụp.
Từ đó, phải rất lâu về sau mình mới điện về và chỉ gặp được mẹ. Vì thời đó, gọi được về nhà cũng phải ra tận bưu điện thị trấn đăng kí mới gọi được. Mà gọi về nhà bác hàng xóm chứ nhà mình hồi đó nghèo, chưa lắp được máy bàn.
Mãi đến khi mình sinh bé đầu lòng, được gần 2 tuổi, vợ chồng con cái mới dắt díu nhau về quê thăm gia đình. May là, lúc đó, vì thương cháu, nể con rể, ông không đuổi mình ra khỏi nhà. Câu nói “đừng vác mặt về cái nhà này nữa” cũng dần đi vào quên lãng.
Cũng chẳng hiểu sao mình lựa chọn như vậy, cũng chẳng hiểu sao mình lại sống được ở đây từ ngày đó tới giờ. Chắc có lẽ do niềm đam mê hay do mình làm nông từ nhỏ, mọi khó khăn cũng đều đã trải qua và mình hiểu được giá trị cuộc sống mà mình lựa chọn. Nên dù làm nông vất vả tới mấy mình cũng chỉ thấy vui chứ không mệt hay buồn.
Trước kia, tự ti nghĩ là nhà mình nghèo, vì có mỗi cái nhà ngói nho nhỏ xây từ năm một nghìn chín trăm hồi đó, thằng cu đầu nhà mình đã tròn 20, ngôi nhà bám màu đất đỏ hơn nó 5 tuổi, hiện tại vẫn y nguyên. Bao năm quần quật làm lụng dành dụm cũng chỉ đủ nuôi 2 đứa nhỏ ăn học và gom góp mua thêm đất để làm vườn.
Từ lúc 2 vợ chồng lấy nhau chỉ có hơn 1 sào đất, giờ là gần 2 hecta. Và bởi tất nhiên làm thuần nghề nông không có duyên buôn bán hay cò đất vạc nhà thì được như hiện tại là mừng lắm rồi vì bạn biết rồi đó, điệp khúc được mùa hay mất giá năm nào cũng diễn ra và lặp lại.
Càng đơn giản thì càng nhẹ cho bản thân
Đối với mình, vật chất ngoài thân hay máy móc tiện nghi chỉ là phương tiện sống mình không phụ thuộc vào nó, càng đơn giản hóa thì càng nhẹ nhàng cho bản thân nên không sắm sửa quá nhiều, trong nhà chẳng có gì giá trị hay đắt đỏ. Thứ mình chọn, ngay từ đầu là môi trường sống trong lành nên vườn trồng rất nhiều cây xanh. Không khí hít thở hàng ngày ít bị ảnh hưởng bởi khói bụi, ô nhiễm và thuốc trừ sâu độc hại. Hạn chế tối đa rác thải nhựa, còn rác có thể phân hủy được thì ủ thành phân để trả lại cho đất.
Đồ ăn thức uống, rau củ quả đa phần sẽ là tự trồng tự nuôi, tự cung tự cấp theo mùa. Chỉ có một số thứ như mắm muối cá biển ở đây không có thì mấy cô em gái ngoài quê gửi vào chứ không mấy khi mua ngoài chợ. Có lẽ vì sống ở môi trường như vậy quen rồi, nên cứ khi nào có việc đi đâu phải ăn ngoài hàng quán về nhà mình nhẹ thì bị đau bụng, chướng bụng, nặng thì ngộ độc thức ăn nôn ói mật xanh mật vàng.
Có thể, lý tưởng quan điểm sống của mỗi người trên thế giới này là khác nhau. Vì thế suy nghĩ, lựa chọn hay sở thích cũng chẳng ai giống ai. Có người thích nhà lầu xe hơi, có người thích tiện nghi sang chảnh, có người thích ở phố, có người chỉ muốn ở quê, thì mình cũng vậy.
Lựa chọn của mình ngay từ đầu là ở đây cùng gia đình nhỏ cùng chung lý tưởng sống, với rừng đồi cây đất, với thiên nhiên hoa cỏ, tự tay gieo trồng thật nhiều cây xanh, chăm sóc thấy chúng lớn lên mỗi ngày, ấy là điều hạnh phúc.
Khi bỏ thành phố về quê sống thỉnh thoảng mình nghe có người nhận xét là mình sống quá an phận không có chí tiến thủ hay hoài bão lớn gì. Còn mình thì quan niệm, nếu chưa có khả năng giúp ích được gì cho môi trường và xã hội thì cũng đừng phá hoại hay góp sức làm đảo lộn quy luật của thiên nhiên. Nên mình chấp nhận sự “an phận” đó để giữ và phủ xanh đất theo cách riêng của mình.
- 3 lý do trẻ học mẫu giáo luôn nổi bật nhưng lên lớp 1 sức học ngày càng sa sút
- “Vua đồ cũ” kể chuyện khởi nghiệp từ đồng nát, đào tạo ra các thế hệ học viên “tỷ phú” có thu nhập cao
- Cha mẹ hạng 3 tiêu tiền vì con cái, cha mẹ hạng 2 dạy con kiếm tiền và cha mẹ hạng nhất dạy con tiêu tiền
- Ham mua nhà rẻ, giờ tôi chỉ biết nhìn ngôi nhà bỏ không
- 6 bẫy đặt cọc bà con mua nhà đất cần tránh nếu không muốn ôm hận, gánh lỗ đau