“Chị có 20 triệu đồng cho em mượn tạm, chiều nay phải trả lãi ngân hàng”, cô em gái từng kiếm tiền tỷ trong cơn sốt đất nhắn cho chị Hảo.
Người chị gom được 12 triệu đồng đưa cho em gái với lời nhắn “đây là lần cuối”. Trước đó, cô em đã nhiều lần vay chị với tổng tiền gần 100 triệu đồng, không hy vọng lấy lại.
“Tiền làm cả đời không bằng lời lô đất”
Chị Phương Hảo, 38 tuổi, ngụ ở Bình Tân, TPHCM chua chát kể về trường hợp em gái kém mình 4 tuổi, người từng thắng đậm trong cơn sốt đất cuối năm 2021, giờ trong cảnh vỡ nợ, mất tiền, mất việc làm, mất cả gia đình trong cơn say đất.
Hà, em gái chị Hảo là kế toán tại một xí nghiệp ở quận 7, gia đình êm ấm, vợ chồng có một con nhỏ hơn 3 tuổi. Cuối năm 2021, lãi đậm hơn tỷ đồng sau ít ngày ôm lô đất rẫy cà phê tại Lâm Đồng mua từ người quen, Hà lao vào công việc buôn bán đất.
Cô gửi đơn báo nghỉ việc ở nơi đã gắn bó nhiều năm, bỏ lại chồng con, lên Lâm Đồng cùng nhóm bạn đi buôn đất, bất chấp nỗ lực ngăn cản, khuyên bảo của chồng và người thân. Cô còn rủ chồng tham gia, gây áp lực ép anh bán căn hộ nhà ở xã hội gia đình đang sống để lấy vốn đầu tư đất.
Thêm “cú bồi” đó, cuộc hôn nhân của Hà thực sự tan vỡ. Cô để lại căn hộ ở Sài Gòn cho chồng và giao luôn quyền nuôi con cho anh, không tranh chấp.
Tháng 3/2022, trên đà thắng lớn, Hà gom toàn bộ tiền được 6 tỷ đồng, huy động thêm người thân, vay nóng thêm bên ngoài và cả vay ngân hàng tổng gần 4 tỷ nữa, đổ hết vào đất.
Cô ôm hai lô đất, một ở Lâm Đồng, một ở Long An với niềm tin sẽ nhanh chóng “sang tay”, hốt mẻ lưới lớn. Hà còn phấn chấn khoe với chị em trong nhà, xong chuyến này sẽ xây lại ở quê, bao cả gia đình sang Hàn Quốc… ăn mỳ cay.
Thời điểm đó, chị Hảo và một vài người đã cảnh báo Hà cẩn thận sập bẫy nhưng mọi lời khuyên lúc đó đều không có tác dụng. Hà chê mọi người chẳng hiểu gì về đất đai, đất giờ chỉ có lên, đang hình thành một khung giá mới, không thể nào giảm.
Chỉ sau thời gian ngắn, em gái chị Hảo rơi vào hoảng loạn khi không còn những cơn sóng để “bắt” cả vốn lẫn lãi như dự định. Ban đầu đã có người trả giá bằng vốn hoặc thấp hơn chút đỉnh nhưng tiếc nên Hà lại… ráng cầm cự, nào lường được thị trường nhà đất rơi vào đóng băng.
Hà và nhiều “cò đất” nháo nhào rao bán, chấp nhận cắt lỗ hàng tỷ đồng nhưng lúc này, đến người hỏi mua còn không có, chưa nói người mua.
Hà phải gồng gánh mỗi tháng hàng chục triệu đồng tiền lãi, chủ nợ tìm đến tận nhà. Cô rao bán đất với giá chỉ còn hơn một nửa so với thời điểm mua lúc sốt, mong vớt lại chút ít để trả nợ nhưng vẫn không tài nào bán được. Một lô sau đó đã được sang tên giá rẻ để trả cho một chủ nợ.
Chị Hảo kể, tình cảnh của em gái mình lúc này không việc làm, không nhà cửa, trốn ở đâu chính người thân cũng không biết chính xác. Cô chỉ nhắn tin cho người thân khi cần mượn tiền trả lãi ngân hàng, còn nợ ngoài trước mắt xem như “bùng” vì hết khả năng trả.
“Rất nhiều lần chủ nợ tìm đến nhà bố mẹ tôi, tìm Hà đòi nợ. Bố mẹ tôi già rộc người, đổ bệnh vì con gái, vừa giận vừa lo em tôi nghĩ quẩn làm điều dại dột”, chị Hảo trải lòng.
Em gái chị Hảo là một trong rất nhiều người lao vào cơn sốt đất từ cuối năm 2021. Trong cơn say “tiền làm cả đời không bằng tiền lời lô đất”, có thời điểm từ thành phố đến các miền quê, nhiều nhân viên văn phòng, giáo viên, kỹ sư công nghệ, doanh nhân… bỏ việc đi buôn đất.
300.000 “cò đất”, chỉ 30.000 người có chứng chỉ hành nghề
Cơn sốt đất đai không chỉ làm tình thân, chị em trong gia đình mâu thuẫn vì tranh chấp. Nhiều người là “cò đất” cũng bị cuốn theo vòng xoáy bế tắc khi “ôm đất lúc sốt chờ hốt bạc” rồi… bể nợ.
Cuối năm 2021, nghe theo bạn bè, Nguyễn Văn K., nhân viên IT tại TPHCM bỏ việc đi buôn đất và nhanh chóng rơi vào khủng hoảng. Người này phải bán căn nhà đang ở để trả nợ nhưng chẳng thấm tháp vào đâu so với số tiền anh đã kêu gọi mọi người hùn vốn cùng tiền nợ cả chục tỷ đồng.
Trốn nợ, anh K. sống một mình ở quận 12 sau khi vợ đã ôm con bỏ đi. Hoàn cảnh như vậy, bất ổn tâm lý, lại bỏ việc một thời gian nên nam nhân viên không còn tự tin để tìm việc lại.
Anh K. nhắn tin cho một số bạn bè nói hết khả năng chi trả, một số người anh không dám gặp mặt vì đã rủ rê họ hùn vốn, góp tiền… đẩy họ vào khó khăn. Bế tắc, khủng hoảng, anh K. thừa nhận đã không ít lần anh nghĩ đến cái chết.
Ông Trần Đức Phương, làm việc trong lĩnh vực bất động sản ở TPHCM cho hay, có một thực trạng tại Việt Nam là nhiều người làm bất động sản là dân tay ngang, hay được gọi là “cò đất”.
Nhiều người vì thất nghiệp, không xin việc được đúng chuyên ngành nên đi làm bất động sản với suy nghĩ tạm bợ, kiếm tiền qua ngày. Đợt sốt đất thời gian qua ghi nhận tình trạng nhiều người còn bỏ việc chính thức để đi buôn bán đất với tâm lý chụp giật, kiếm tiền nhanh.
Nhân sự bất động sản ở Việt Nam được đào tạo chuyên nghiệp còn rất hạn chế, nhiều bộ phận các công ty buộc phải tuyển nhân sự từ nước ngoài.
Số liệu từ Hội môi giới bất động sản, cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản nhưng chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề.
Theo ông Phương, bất cứ ngành nghề, công việc nào để đạt hiệu quả đều đòi hỏi người lao động phải am hiểu chuyên môn, có sự đầu tư, chuyên tâm, chưa nói đến lĩnh vực bất động sản vốn rất phức tạp.
Với những người rơi vào nợ nần, mất việc, có khi đánh mất cả hạnh phúc gia đình vì buôn đất vỡ nợ, ông Phương cho hay, đó là bài học với tất cả mọi người. Bài học về việc trau dồi công việc mình đang làm, trân quý hạnh phúc mình đang có, làm bất cứ việc gì cũng cần chế ngự lòng tham và tránh tâm lý chụp giật, ăn xổi.
- Những lỗi xe máy thường gặp và cách khắc phục
- “Bỏ phố về rừng” cô nàng 9X "đổi đời" nhờ làm vườn với hơn 3000 cây trồng, nhiều đàn heo gà
- Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng: "Nhà có 2 cô con gái gia đình dễ thành công hơn"
- Đất ở nước ta 500 năm nữa vẫn "ở không hết" nhưng giá lại cao một cách “vô lý”
- Vũng Tàu: Nuôi gà trống tɦiến thả vườn, mỗi con 700 nghìn đồng vẫn không có mà bán