Với niềm đam mê với nghề chăn nuôi qua mô hình nuôi gà, chị Ngô Thị Tâm đã đại diện cho hàng vạn nông dân tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc khi khởi nghiệp ở tuổi 40.
Từ ngành y tay ngang sang chăn nuôi lợn, gà
Đến với cơ ngơi rộng 12,5ha của chị Ngô Thị Tâm tại xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự hoành tráng và quy mô của trang trại chị đã dày công xây dựng nhiều năm trời.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan trang trại, chị Tâm kể, trước đây chị vốn làm y tá ở trạm y tế xã, được một thời gian đến năm 2004, chị quyết định bỏ việc tại quê nhà để đi xuất khẩu lao động bên Nga. Đến năm 2012, sau khi nền kinh tế Nga bị suy thoái, chị trở về quê hương sau 8 năm bôn ba.
Từ số tiền dành dụm trong thời gian xuất khẩu lao động, chị Tâm đã mua lại mảnh đất rộng 12,5ha tại xã Liên Châu, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, chính thức khởi nghiệp ở tuổi 40 với đàn lợn 1.000 con và 50 con bò sữa.
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm làm nông nghiệp, chị Tâm lần mò tự học, tự làm, nếm trải không ít khó khăn. Với đàn lợn, chị Tâm đã đi học hỏi ở nhiều nơi và đặc biệt là từ một người chị trên Hà Nội nên quá trình bắt đầu không mấy khó khăn. Tuy nhiên, đối với bò sữa, chị Tâm chưa có kinh nghiệm nên việc chăm sóc đàn bò khiến chị gặp rất nhiều khó khăn vất vả.
“Đây có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất, toàn bộ quy trình nuôi, từ cọ chuồng đến vắt sữa đều do 1 tay tôi làm. Nhưng do chưa có kinh nghiệm nên đàn bò thường hay mắc bệnh, sản lượng sữa không đạt yêu cầu, tôi đành ngậm ngùi bán lỗ. Sau 2 năm, tôi thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Nghĩ lại, thời điểm đó, tôi chỉ biết làm và làm, quên cả bản thân mình, cân nặng sút đi 10kg, chỉ còn 47kg”, chị Tâm nhớ lại.
Rút kinh nghiệm từ thất bại trong quá trình nuôi bò, khi đó, chị Tâm dành nhiều công sức đi tìm hiểu, tham quan học tập các mô hình trang trại điển hình trong, ngoài tỉnh và quyết định không làm theo cách truyền thống mà hướng tới phát triển mô hình chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, có sự liên kết “4 nhà” để có đầu ra thuận lợi, doanh thu ổn định.
Tuy nhiên, sau khi chứng kiến cuộc bão giá lợn diễn ra trầm trọng trên cả nước các năm 2016, 2017, chị Tâm chọn hướng chăn nuôi gia công. “Chăn nuôi gia công mặc dù lãi ít hơn nhưng hướng đi này rất bền vững, tránh được rủi ro vì đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”, chị Tâm lý giải.
Hiện, chị Tâm chỉ tập trung nuôi gia công gà công nghiệp, lợn, đầu tư xây dựng chuồng trại khoa học, bài bản hơn. Không chỉ nằm xa khu dân cư, hệ thống chuồng trại được chị thiết kế xây dựng thành từng khu riêng biệt, đúng quy chuẩn kỹ thuật, trang bị hệ thống quạt thông gió, mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
Dù đã làm chủ, quản lý gần 20 lao động nhưng chị Tâm không nề hà bất cứ công việc gì, có khi còn “tranh việc” với công nhân. Như việc tiêm vắc xin cho gà, chị Tâm và con gái (sinh viên Đại học Y Hà Nội) tự tay làm hết. Trong dáng vẻ tất bật, mồ hôi ướt đẫm bộ quần áo bảo hộ, chị xuề xòa cười, và nói: “Tôi không yên tâm ngồi yên trong phòng máy lạnh, dù có công nhân nhưng tôi phải trực tiếp quan sát họ làm việc. Có những việc mình đã quá quen nên cứ nghĩ làm cố cho xong. Phần lớn thời gian của tôi vẫn dành ở trang trại”.
Lãi hơn 2 tỷ đồng/năm
Nhờ hướng đi đúng, làm tốt công tác phòng dịch, đàn lợn, đàn gà trong trang trại gia đình chị Tâm mau lớn, ít bị dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, trang trại luôn có trên 3.500 con gà, hàng nghìn con lợn, tạo việc làm thường xuyên cho 16 – 18 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 8 – 10 triệu đồng/người/tháng.
Hai năm gần đây (2020 – 2021), khi doanh thu của hầu hết các ngành nghề đều chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, song, doanh thu của trang trại chị Tâm vẫn lãi trên 2 tỷ đồng và dự kiến, với giá bán các sản phẩm thịt lợn, gà, trứng tăng cao trong năm nay sẽ cho thu nhập khoảng 2,4 tỷ đồng.
Không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân, chị Tâm còn thường xuyên phổ biến những kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con nông dân tại địa phương và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động nhân đạo, từ thiện và ủng hộ các phong trào phát động ở địa phương.Từ sự hỗ trợ thiết thực về vốn, con giống và kinh nghiệm của chị, trong Hội Nông dân xã đã có thêm 4 hội viên xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, 2 hộ thoát nghèo.
Khởi nghiệp tuổi 40, làm chủ ở tuổi 50, nhưng chị Tâm chưa bao giờ thỏa mãn, cho phép mừng dừng lại. Chia sẻ về dự định trong tương lai, chị Tâm cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một trang trại trên diện tích 7.000 m2 đã mua để mở rộng quy mô chăn nuôi, áp dụng những tiến bộ khoa học mới, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào công cuộc phát triển KT-XH tại địa phương.
- Loại củ chỉ trồng ăn chơi bất ngờ quý như sâm ăn vào trẻ lâu bán đâu cũng đắt
- Chuyện làng Việt: Áo mới "chơi Xuân" thời bao cấp
- Bốn ngôi đền linh thiêng của vùng đất Hà Nội – Thăng Long Tứ Trấn
- Bán chung cư để lấy tiền đầu tư đất, 3 năm sau 2 vợ chồng Hà Nội đã có 5 cuốn sổ đỏ
- Giáo viên chủ nhiệm tư vấn học sinh không thi lớp 10: Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo khẩn