Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
104 lượt xem

Bỏ việc về quê trồng nấm, chàng trai Hà Tĩnh đạt doanh thu 3 tỷ đồng

Suốt 8 năm với bao lần thất bại nhưng bằng sự quyết tâm, bền bỉ, anh Cường đã “sống khỏe” nhờ cây nấm. Không những vậy, anh còn giúp 12 lao động địa phương có công ăn việc làm ổn định.

Từng có kinh nghiệm hơn 7 năm làm kỹ thuật viên tại Trung tâm Chuyển giao Khoa học và Công nghệ Thạch Hà (nay là Trung tâm nghiên cứu, phát triển nấm và tài nguyên sinh vật, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh), năm 2014, anh Lê Đăng Cường (SN 1984) quyết định nghỉ việc, về quê khởi nghiệp bằng việc phát triển mô hình trồng nấm.

“Công việc cũ ổn định, tuy nhiên để phát triển hơn thì rất khó nên tôi quyết định nghỉ làm để về quê trồng nấm. Lúc đó tôi cũng khá tự tin với kế hoạch của mình”, chàng trai quê xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh chia sẻ.

Anh thuê hơn 13.000 m2 đất ở gần nhà, rồi dồn hết tất cả vốn liếng bao năm dành dụm được để trồng nấm. Những tưởng với vốn kiến thức tích góp bao năm, sẽ giúp anh khởi nghiệp thành công. Thế nhưng, khi anh bắt tay vào công việc đã liên tiếp gặp thất bại.

“Ban đầu tôi chưa có vốn nên đầu tư manh mún, làm không bài bản, chính vì thế mà liên tiếp gặp thất bại. Có khi sắp chạm tay đến thành công thì lại gặp thiên tai, lũ lụt, có lúc tôi dường như trắng tay”, anh Cường chia sẻ.

Thất bại nhưng không nản chí, anh Cường tiếp tục vay mượn tiền, đầu tư công sức, công nghệ và tiếp tục học hỏi để phát triển sản xuất.

“Nấm là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… nên tôi luôn chú trọng việc theo dõi, khắc chế các yếu tố bất lợi cho sự sinh trưởng của nấm và thực hiện đúng các quy trình, kỹ thuật để nấm được phát triển tốt”, anh Cường cho biết.

Mô hình trồng nấm của anh Cường hiện được triển khai trên diện tích 3.000m2 với các loại nấm linh chi, nấm mộc nhĩ và nấm sò.

Cũng theo anh Cường, để nấm đạt chất lượng tốt, sản lượng cao thì quan trọng nhất là khâu chọn giống, sau đó là cách ủ nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, anh luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tưới nước sạch, vệ sinh nhà xưởng hằng ngày.

“Việc trồng nấm cũng gặp không ít khó khăn do thời tiết, dịch bệnh, nhất là việc ruồi, muỗi ký sinh đẻ trứng phá hoại phôi hay nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng… Mỗi ngày việc đầu tiên tôi làm là đi kiểm tra sự phát triển của nấm, theo dõi quá trình sinh trưởng để kịp thời phát hiện các yếu tố gây hại”, anh Cường nói.

Với cách làm bài bản, đầu tư khoa học công nghệ, từ năm 2018 đến nay, mô hình trồng nấm của anh đã đi vào ổn định và cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, doanh thu từ mô hình trồng nấm của anh Cường đạt gần 3 tỷ đồng/mỗi năm.

“Sau khi trừ hết các chi phí, mô hình trồng nấm mang lại cho tôi khoảng 500-600 triệu đồng mỗi năm”, anh Cường vui mừng cho biết.

Mỗi ngày việc đầu tiên anh Cường làm là đi kiểm tra sự phát triển của nấm, theo dõi quá trình sinh trưởng để kịp thời phát hiện các yếu tố gây hại.

Anh Cường chủ yếu trồng nấm mộc nhĩ, nấm linh chi và nấm sò. Mỗi loại nấm sẽ có thời gian sinh trưởng và phát triển khác nhau, như nấm mộc nhĩ từ lúc cấy giống cho đến khi thu hoạch mất khoảng hơn 3 tháng, đối với nấm linh chi là 5 tháng còn nấm sò là 4 tháng…

Các sản phẩm từ cây nấm của anh hiện đang được đưa đi tiêu thụ nhiều ở các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế… Các sản phẩm từ nấm làm đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, hiện mô hình trồng nấm của anh còn tạo công ăn việc làm cho 12 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.

Những cây nấm linh chi phát triển tốt tại mô hình của anh Cường.

“Hiện tôi chỉ mới làm trên diện tích 3.000 m2. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng sản xuất trên phần diện tích còn lại, đầu tư thêm các máy móc hiện đại, để chế biến sâu các sản phẩm từ nấm như: Trà nấm linh chi, cao nấm linh chi, mứt nấm… vừa tăng thu nhập, tạo việc làm cho con em địa phương, vừa góp phần đưa sản phẩm nấm “made in Hà Tĩnh” có thể xuất khẩu ra thế giới”, anh Cường nói về khát vọng của mình.

Bài viết cùng chủ đề: