Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
111 lượt xem

Cà Mau: Lang thang ở cánh đồng hoang đặt trúm lươn đồng, lôi con lươn bự ra khỏi ống có người giật “hết cả mình”

Lươn đồng là một trong những đặc sản rất nổi tiếng của vùng đất Cà Mau, để bắt được lươn, nông dân chủ yếu là đặt trúm. Do đó, nghề đặt trúm ở Cà Mau vốn rất phát triển và có truyền thống từ lâu đời.

Những năm trước và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ở vùng nông thôn tỉnh Cà Mau hầu như nhà nào, hộ nào cũng có giàn trúm để làm kế sinh nhai hoặc chí ít cũng có vài ống trúm để đặt lươn ăn hàng ngày.

Trúm là một ngư cụ hình ống đặc thù chỉ dùng để bắt lươn. Trúm được làm bằng tre. Mỗi ống dài khoảng 1 mét, đường kính rộng khoảng 10 đến 15 phân.

Để làm trúm, người đặt lươn thường chọn những cây tre già, đúng kích cỡ, thẳng, dài và dao lóng (thưa mắt) rồi đốn về cắt ra từng đoạn khoảng 1 mét. Các ống tre được phơi khô hoặc hơ trên ngọn lửa nhỏ để không bị thối, chống mối mọt và lâu mục, có thể sử dụng được nhiều mùa.

Phần đuôi trúm được bịt kín để ngăn không cho lươn ra ngoài.

Sau đó, các ống tre được thụt mắt cho thông ống và chỉ chừa mắt cuối cùng ở phần đuôi trúm lươn. Nếu không có mắt cuối cùng thì dùng đoạn gỗ bịt kín đuôi trúm để ngăn không cho lươn bò trườn ra ngoài.

Ở phần đuôi trúm có lỗ thông hơi, để khi lươn “chạy” (đi) vào trúm có không khí để thở mà không bị chết ngợp.

Riêng miệng trúm lươn đồng được để trống và lắp vào một cái hom như hom lọp đặt cá. Hom trúm lươn đồng được làm bằng nan tre già, vót mỏng, đan bằng dây trúc hoặc dây bồng bông.

Hom trúm lươn đồng càng bóng láng thì “độ nhạy” của nó càng cao. Đặt trúm lươn có “chạy” được nhiều lươn đồng hay không cũng tùy thuộc rất nhiều vào hom trúm.

Hom trúm lươn dễ dàng tháo rời ra khi thả mồi vào ống trúm hoặc đổ lươn ra và chỉ cố định bằng cái ghim chui qua 2 lỗ nhỏ trên miệng trúm.

Khi đặt trúm lươn đồng, người đặt phải dùng cá tạp, cá chết để làm mồi. Mồi đặt trúm lươn phải được nấu chín, nghiền nhuyễn, trộn với giun đất băm nhỏ để tạo mùi tanh và bỏ ít “thuốc đặt lươn” tạo sự hấp dẫn để dụ lươn “chạy” vào trúm.

Sau đó, mồi đặt trúm lươn đồng được gói bằng những cọng năn tươi hoặc lá môn nước. Khi đặt, mỗi ống trúm lươn thả vào một gói mồi.

Nếu mồi gói bằng lá môn, trước khi thả mồi vào ống trúm dùng ghim hom trúm đâm thủng lá môn cho mùi thơm của mồi tỏa ra bên ngoài để dụ lươn vào trúm ăn mồi.

Nhiều khi không có cá, người đặt trúm lươn còn dùng ruột ốc lác, ốc bươu để nấu mồi.

Khi đặt, phần đuôi trúm nằm trên mặt nước để lươn “chạy” vào không bị chết ngợp.

Thông thường “thuốc đặt lươn” được làm từ “cây nhà lá vườn” như dầu dừa, tỏi lơi, bồ bồ, đu đủ dầu, cỏ the…

Tùy theo “toa thuốc” của người đặt trúm mà “kê đơn”. Về sau, nhiều người đặt lươn ở tỉnh Cà Mau còn “nghiên cứu” ra “thuốc đặt lươn” từ những vị thuốc bắc. Nhưng tóm lại, mồi đặt trúm lươn đồng bao giờ cũng phải có “thuốc đặt lươn” để dẫn dụ lươn vào trúm.

Trúm thường được đặt vào buổi xế chiều. Kinh nghiệm của người đặt trúm là phải biết chọn hướng gió, vùng nước và xác định nơi nào có nhiều hay ít lươn đồng.

Khi đặt, ống trúm lươn phải có độ dốc vừa phải. Miệng trúm lươn đồng ngập xuống nước từ 10 đến 25 cm và đuôi trúm phải nằm trên mặt nước để lươn “chạy” vào không bị chết ngợp.

Người đặt trúm phải biết cách dọn luồng cho lươn vào và biết cách “nghi binh”, “ngụy trang” bằng cách phủ cỏ, che kín miệng trúm để tạo môi trường tự nhiên, thích nghi với bản năng tự nhiên của loài lươn.

Lươn đồng chạy trúm thường là lươn to bự, bụng vàng, lưng đen và béo ngon.

Sau một đêm đặt, sáng sớm hôm sau trúm lươn được “dỡ” về. Có những ống có lươn “chạy”, có những ống không có lươn “chạy”.

Nhưng ở những vùng, cánh đồng hoang đất ít phèn, nước ngọt quanh năm, lươn nhiều thì hầu như ống nào cũng có lươn “chạy”.

Có những ống trúm lươn chạy đầy ống, có đến 3 – 4 con lươn trong một ống (người đặt trúm gọi là “chạy khô nước”). Những con lươn đồng “chạy” trúm thường là lươn to, bụng vàng, lưng đen và béo ngon hơn những con lươn khác.

Lươn đồng là đặc sản của vùng đất tỉnh Cà Mau. Lươn đồng có thể chế biến được nhiều món ăn ngon và rất bổ dưỡng như nấu lẩu, nấu cháo môn, xào sả ớt, xào lăn, nướng lào…

 

Bài viết cùng chủ đề: