Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
73 lượt xem

Cách kiểm tra mình có “bỗng dưng mắc nợ” ngân hàng

Để tự quản lý thông tin nợ của mình tại các tổ chức tín dụng, cá nhân có thể tra cứu trực tuyến miễn phí trên CIC.

Không ít khách hàng băn khoăn về thông tin dư nợ của mình tại các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng. Nguyên nhân là gần đây, nhiều người phản ánh bỗng dưng thành con nợ, dính nợ xấu…

Điều này, có thể xảy ra khi bị kẻ gian giả mạo căn cước công dân hay chứng minh thư nhân dân, lợi dụng hệ thống eKYC và quy trình duyệt vay online đơn giản của nhiều công ty tài chính.

Vì vậy, việc tự tra cứu và kiểm tra thông tin tín dụng cá nhân sẽ giúp bạn biết được mình có đang nợ, có nợ xấu hay không tại các ngân hàng/tổ chức tín dụng

Cụ thể, bạn có thể tra cứu trên website hoặc app của CIC (dù đã từng vay ngân hàng hay chưa).

Cách kiểm tra mình có bỗng dưng mắc nợ ngân hàng - 1
Minh họa sử dụng app CIC trên điện thoại (Ảnh: Lê Duy Diện).

CIC (được viết tắt của cụm từ Credit Information Center) là website của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam. Mọi thông tin về khoản vay, tên người vay, tổ chức vay, quá trình thanh toán tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ được cung cấp cho CIC.

Sau đó, trung tâm sẽ tiến hành tổng hợp, cập nhật chúng thành cơ sở dữ liệu thống nhất để phản ánh và cung cấp lịch sử tín dụng của từng đối tượng khách hàng là cá nhân hay tổ chức phù hợp.

Thông tin khoản vay của khách hàng đang có vay tiền sẽ được hệ thống CIC phân thành 5 nhóm:

– Nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn): Các khoản nợ có đủ khả năng thu hồi cả gốc và lãi đúng hạn. Nếu quá từ 1 đến 10 ngày thì vẫn được xếp trong nhóm này nhưng sẽ bị phạt phí và tính lãi thêm.

– Nhóm 2 (nợ cần chú ý): Các khoản nợ quá hạn thanh toán từ 10 đến 90 ngày.

– Nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn): Các khoản nợ quá hạn thanh toán từ 90 đến 180 ngày.

– Nhóm 4 (nợ có nghi ngờ): Các khoản nợ quá hạn thanh toán từ 181 đến 360 ngày.

– Nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn): Các khoản nợ quá hạn thanh toán từ 360 ngày trở lên.

Cá nhân cần đăng ký tài khoản lần đầu trên website/app của CIC bằng cách cung cấp thông tin gồm thông tin cá nhân như họ tên, ngày sinh, số điện thoại… theo hướng dẫn. Ngoài ra, cần có ảnh chứng minh thư/thẻ căn cước 2 mặt cùng với ảnh chân dung cá nhân để CIC định danh người đăng ký.

Sau 1-3 ngày làm việc để CIC kiểm tra thông tin, xác định người đăng ký là chủ nhân của số chứng minh nhân dân, tài khoản của bạn sẽ được kích hoạt. Lúc này, cá nhân đăng nhập vào CIC và chọn phần khai thác báo cáo, gồm các thông tin về điểm tín dụng, mức độ rủi ro và kiểm tra đang có nợ xấu hay không. Khai thác báo cáo thì các bạn sẽ có thông tin CIC.

Với những thông tin trên, bạn sẽ có thêm thông tin cho việc quản lý dư nợ của mình tại các tổ chức tín dụng, giúp bạn dễ dàng biết mình đang được chấm bao nhiêu điểm tín dụng và xếp vào nhóm nào.

Bài viết cùng chủ đề: