Từng trở thành đại gia sau khi bán đất, nhưng chỉ vì ảo mộng sẽ trở thành tỷ phú, không ít nhà đầu tư bất động sản đã lâm vào cảnh nợ nần.
Cách đây 10 năm, xã yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội đón nhận cơn sốt đất đầu tiên. Khi sốt đất qua đi, để lại cho thị trường vô số bài học đắt giá, cảnh tỉnh những nhà đầu tư sau đó. Một trong những trường hợp nổi bật nhất là ông Nguyễn Trung Kiên (thôn Chóng), từng là đại gia bất động sản khi thu tiền tỷ nhờ bán đất.
Khi đó, do bán đất có tiền, ông Kiên trở nên giàu có, tính tình cũng hào sảng. Cũng vì thế, ông thường xuyên tổ chức các cuộc ăn chơi, mời nhiều bạn bè đến. Không chỉ bán đất sinh lời, ông còn đầu tư tiền vào đất. Nghĩ bất động sản dễ kiếm lời, ông bắt đầu thử sức đầu tư.
Cuối cùng, ông dồn hết tiền của trước đó, vay thêm bên ngoài rồi mua đất Hòa Bình. Nhưng do chỉ là nhà đầu tư tay ngang, không kinh nghiệm, ông nhanh chóng nhận phải “trái đắng”. Đến khi phải trả nợ, tiền không có, ông Kiên đành phải bán tháo những lô đất tiền tỷ bên Hòa Bình. Hết tiền, “bạn bè” từng ăn chơi với ông cũng rời đi, người thân cũng xa dần. Từ “đại gia bất động sản”, ông Kiên lâm vào cảnh trắng tay.
Giấc mơ tỷ phú đến nhanh và đi cũng nhanh, ông Kiên và vợ rời làng đi làm thuê kiếm sống, chỉ để lại một ngôi nhà nhỏ để hai người con trai thi thoảng đi về. Một người dân bản địa nói: “Nghe đâu ông ấy làm lái xe đưa đón công nhân ở dưới Hà Nội. Căn nhà của ông ấy cũng mới nhờ tôi rao bán hộ rồi”.
Trường hợp của ông Nguyễn Trung Kiên không phải hiếm, mỗi khi mỗi đợt sốt đất đi qua. Huy là một “cò đất” lâu năm ở xã Kim Chung (Đông Anh) hồ hởi nói: “Các anh về đây tìm đất mà gặp em là gặp đúng người rồi. Em là thổ địa ở đây cả chục năm”.
Theo môi giới này, kho hàng anh có tồn tại không ít mảnh là do chủ nhân cần bán gấp. Hồi năm 2018, có một người đàn ông phải bán rẻ mảnh đất rộng 200m2, lúc mua là hơn 4 tỷ. Thế nhưng, vì nợ nần, ông phải bán với giá 3,8 tỷ đồng. Huy cho hay, nhà ông Lục ngày xưa có nhiều đất, và ông cũng giàu lên nhờ bán đất. Thế nhưng, sau khoảng chục năm, vì liên tục làm ăn thua lỗ, và hình như dính đến cờ bạc, nên tiền của cứ đội nón ra đi.
Sau này, ông đành phải bán vội mảnh đất kia để gán nợ. Huy nói thêm: “Khách mua được mảnh đất đó bây giờ lãi to. Nếu em có tiền mà ôm mảnh đấy thì bây giờ cũng có trong tay 5 – 6 tỷ đồng”. Cũng theo môi giới này, nhiều người hiện không còn đất mà bán, trong khi tiền “vớ bẫm” từ những cơn sốt đất đã tiêu hết từ đời nào. Không ít người còn ngập trong nợ nần, có muốn làm việc cũng không được vì đất nông nghiệp đã bán cả.
Có lẽ chính vì những bài học “xương máu” này nên một số người dân trong những “thủ phủ” sốt đất ven Hà Nội hiện vẫn nhất quyết giữ đất hoặc nếu cần kíp lắm thì cũng chỉ cắt ra bán một phần vừa đủ để trang trải. Họ cho rằng những cơn “sốt đất” rồi sẽ nhanh chóng qua đi nhưng những cánh đồng trồng hoa, trồng rau xanh, hay những trang trại bò sữa vốn nuôi sống họ… sẽ không còn nữa, nếu không được giữ gìn.
- Nhân chứng kể cảnh tượng tang thương vụ tai nạn xe khách 5 người chết
- Ông xe ôm 14 năm miệt mài đi xin tiền cho học trò nghèo
- Mai này già chỉ mong về quê "trồng rau nuôi cá": Nhà lầu, xe hơi thuộc về tuổi trẻ, mình già rồi cần chi thứ cao sang
- Sa lưới tình, bà lão 71 tuổi mất trắng 1,4 tỷ đồng tiền dành chữa bệnh
- TikToker, YouTuber xuất hiện tại lễ tang nam sinh lớp 8 để livestream khiến người nhà bức xúc