Sau quãng thời gian rong ruổi tìm đất, lên cả Mộc Châu, Sa Pa, vợ chồng chị Linh đã tìm được “mảnh đất ấn định” ở Quốc Oai và xây ngôi nhà gỗ mộc mạc như trong phim.
Sau quãng thời gian rong ruổi tìm đất, lên cả Mộc Châu, Sa Pa, vợ chồng chị Linh đã tìm được “mảnh đất ấn định” ở Quốc Oai và xây ngôi nhà gỗ mộc mạc như trong phim.
Giống như nhiều cặp vợ chồng đã bỏ phố về quê thành công, sau nhiều quyết tâm và cố gắng, vợ chồng chị Thuỳ Linh – anh Trung đã có một tổ ấm xinh xắn, đích thực như “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”.
Bỏ phố về quê vì yêu thiên nhiên, chán sự gò bó chốn văn phòng
Khi mới ra trường, chị Linh (sinh năm 1990) làm kế toán, còn chồng chị là kĩ sư xây dựng. Sau khi quyết định bỏ phố về quê từ năm 2020, anh chị chọn Đông Xuân – Quốc Oai làm nơi an cư lạc nghiệp mới. Khu vực này cách Hà Nội chỉ 40 km nên việc đi lại rất thuận tiện. Vì vậy cả hai vợ chồng quyết định về đây ở hẳn chứ không chỉ mua đất để đấy.
Trong khoảng thời gian làm kế toán, chị Linh có kinh doanh thêm mảng đồ da cho nam giới. Năm 2016, chị quyết định nghỉ việc sau khi nhận ra bản thân không phù hợp làm văn phòng, luôn cảm thấy đi sai ngành nghề và gò bó trong môi trường văn phòng kín mít, bao quanh toàn là bàn, ghế. Nghỉ việc, chị Linh tự phát triển cửa hàng đồ da và từ đó nảy sinh ý tưởng muốn có 1 khoảng vườn rộng để thong thả thực hiện mơ ước.
Bản thân chị lại là người không thích nơi xô bồ, bon chen, yêu thiên nhiên và cây cối. Vậy nên từ lâu trái tim chị mách bảo rằng hãy về một nơi thật xa để sinh sống: “Đó là cuộc sống đúng ý nghĩa mình mong muốn, không chỉ cho mình mà còn vì những đứa con, mình thấy trẻ con được hoà mình vào thiên nhiên nhiều hơn sẽ phát triển toàn diện hơn”.
Hành trình đến với “mảnh đất ấn định”, xây “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”
Nghĩ là làm, năm 2017 – 2019 là khoảng thời gian vợ chồng chị rong ruổi khắp nơi đi tìm đất, đã từng lên cả Mộc Châu – Sa Pa nhưng cơ duyên giúp chị tìm được mảnh đất ấn định ở Quốc Oai: “Ngay từ khi nhìn nó, mình đã có cảm giác nó là của mình. Khi đó mình chỉ dám quyết mua 1/2 mảnh đất, vì kinh tế không đủ lực. Nhưng vì đây là ‘mảnh đất ấn định’, mình liều bảo chồng: Đằng nào cũng khó, mua cả mảnh đi! Vậy là chốt. Đúng là thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn!”.
Chị Linh là người mê đồ gỗ và những món đồ cũ, lại mê mẩn bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” từ nhỏ đến lớn nên hình ảnh ngôi nhà mộc mạc, giản dị trong phim đã truyền cảm hứng cho ngôi nhà trong đời thực. Vật liệu xây nhà chủ yếu là gỗ, không gian hướng đến sự rộng rãi, thoáng mát. Trong quá trình xây dựng, chị may mắn được biết đến đội thợ anh Kiên trong Long An. Mới nhìn thoáng qua hình ảnh thôi đã khiến chị rung động và quyết định đặt xây luôn.
Góc chill ngồi uống trà, nghe chim hót
Địa hình mảnh đất khá khó xây dựng vì đất khá dốc và vẹo. Sau ròng rã 2 năm gia đình vừa cải tạo, xây dựng vừa sinh sống, cuối cùng mảnh đất đã lên được hình thù ưng ý. Mảnh đất bình yên này được đặt tên theo tên của hai con gái chị Linh: Xuka và Anna ghép lại thành KaNa Hill. Trong khuôn viên gồm có 3 ngôi nhà, lần lượt đặt tên các căn nhà theo thứ tự 3 người con của chị: KaHill – Nahill – Monhill. Mua đất xong, đang xây dựng thì chị biết có bầu bé thứ 3 (bé Mon) nên vất vả chồng chất vì vừa mang thai vừa bê đá, vừa chỉ đạo máy xúc và thợ thuyền.
Sau khi về quê, chị Linh cảm thấy cuộc sống không hề bị xáo trộn, mà hơn hết đã tạo cho cả nhà thêm rất nhiều thời gian bên nhau. Về quê ở không có ti vi, cũng không đi chơi đâu, nên thời gian chị Linh dành cho con cái và gia đình tối đa. Cuộc sống ở quê giúp chị cảm nhận được rất nhiều giá trị về gia đình. Hàng xóm xung quanh cũng rất tốt nên gia đình học được nhiều bài học từ tình làng nghĩa xóm mà ở chung cư cách nhau vài bước chân không có được cảm giác này.
Mùa thu hoạch hoa cúc
- Một nắm rau mùi vừa ngừa sỏi thận, vừa chữa được nhiều bệnh thường gặp
- Kỳ lạ ngôi làng ở Hà Nội, mời khách ăn cưới, gia chủ phải đến đủ 3 lần
- Khởi tố 24 người trong nhóm Zalo ‘Hóng C.lip Hot’ có hàng trăm video
- Gia cảnh người bảo vệ tử vong khi cố cứu bệnh nhân định nhảy lầu ở Bắc Kạn
- Cách dọn mâm cơm và để phần cơm của người Hà Nội xưa