Ở cái tuổi 13, trong khi các bạn cùng lứa còn đang cắp sách đến trường thì A Mỹ Lâm (trú tại khu phố Phước Hậu 3, P.9, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) phải bươn chải đi lượm ve chai, phụ mẹ nuôi các em.
10 tuổi phải bỏ học
Với thân hình gầy gò, nhỏ bé ngày ngày trên chiếc xe đạp cũ qua lối nhỏ vào phố lượm ve chai, nhiều người không khỏi xót thương khi biết hoàn cảnh của Lâm. Đạp qua đường Nguyễn Tất Thành, lại qua Lê Thành Phương (TP.Tuy Hòa, Phú Yên), đi quen thành thuộc chứ Lâm chẳng nhớ tên đường, vì chưa hết lớp 4 phải nghỉ học nên nhiều chữ em đã quên.
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Lâm luôn vui vẻ
Tuổi thơ em cơ cực, cha mẹ ly hôn khi em còn nhỏ, ba có gia đình mới, mẹ cũng đi thêm bước nữa bỏ em lại sống với bà ngoại tại Kon Tum. Sống với bà được vài năm thì bà mất, Lâm theo mẹ về Tuy Hòa. Từ đó, Lâm cũng đành bỏ học. Em thích đi học lắm nhưng là học ở quê, còn ở đây Lâm ngại vì chưa quen lối sống đô thị. Mẹ em đông con, sau Lâm còn 3 em nữa nên mẹ cũng không có điều kiện cho Lâm đi học.
Bà Phạm Thị Ngọ (58 tuổi) bán bánh trên đường Lê Thành Phương (TP.Tuy Hòa) kể: “Cháu nó hay đạp xe qua đoạn đường này để lượm nhôm nhựa. Hỏi ra mới biết cháu nó đã nghỉ học, đi lượm nhôm nhựa kiếm tiền giúp mẹ mua gạo. Thằng nhỏ lễ phép lắm, cho cái gì cũng dạ, cũng cảm ơn. Tuổi nhỏ đã phải khổ như vậy, khu này ai cũng thương nó”.
Giúp mẹ mua gạo
Cứ tầm 14 giờ, Lâm lại túc tắc trên xe chiếc xe đạp cũ vào thành phố, ai ở đoạn đường Lê Thành Phương (P.2, TP.Tuy Hòa) cũng đều biết chú bé này. Đầu đội chiếc mũ lưỡi trai đã cũ, trên người mặc chiếc áo dù màu đỏ cùng chiếc quần xanh đã bạc màu, vừa nhìn đã thấy xót.
Lâm kể đi lượm nhôm nhựa cũng được hơn 1 năm rồi, em thường đi vào buổi chiều, lúc này mọi người hay gom giấy rác ra đường nên sẽ lượm được nhiều. Buổi sáng em ở nhà giúp mẹ trông các em, phụ mẹ nấu cơm nước. Trước đó, Lâm có đi chăn vịt thuê nhưng được 3 tháng thì xin nghỉ vì công việc quá sức. Về sau em nói với mẹ mua cho em chiếc xe đạp để em đi lượm ve chai để phụ tiền mua gạo.
Chị Y Phiết (32 tuổi, mẹ Lâm) ngậm ngùi: “Lâm còn bé nhưng hiểu chuyện lắm, lại thương các em. Nó nói với tôi con nghỉ học cũng được, rồi nói tôi kiếm cho chiếc xe đạp để vào phố lượm nhôm nhựa phụ mẹ. Nghe con nói vậy tôi thấy mình hổ thẹn và đau lòng lắm nhưng ở trong cảnh này, tôi cũng bất lực”.
Mỗi ngày Lâm đạp xe gần 10 km từ nhà vào phố để nhặt nhôm nhựa
Thương cháu bé phải nghỉ học đi nhặt ve chai để phụ mẹ, nhà có gì góp nhôm nhựa được là ông Võ Thành Chung (56 tuổi, sửa xe trên đường Lê Thành Phương, TP.Tuy Hòa) đều để dành cho Lâm: “Thằng nhỏ đáng thương quá! Nhà nó đông anh em, mới học đến lớp 4 đã phải nghỉ học. Tôi có cái chai, thùng giấy cũng để dành cho nó, lâu lâu có người góp bao gạo, mà tội nghiệp ốm yếu quá chở không nổi nên tôi phụ nó chở gạo về nhà luôn”, ông Chung nói.
Ông Huỳnh Thếnh (73 tuổi, trưởng khu phố Phước Hậu 3, P.9) cho biết: “Gia đình cháu Lâm thuộc diện cận nghèo, gia đình khó khăn nên ngày nào cháu cũng phải đạp xe đi lượm nhôm nhựa để phụ mẹ trang trải cuộc sống. Nhà đông con lại khổ nữa nên chẳng có điều kiện cho cháu đi học. Thương cháu, dân trong khu phố cũng thường góp gạo cho nhà cháu ít nhiều. Tuổi nhỏ mà đã phải bỏ học bươn chải kiếm sống là thiệt thòi của cháu”.
Nhặt ve chai, nhôm nhựa như vậy, gom góp cả tháng Lâm mới bán được một lần, thu về vài trăm nghìn đủ mua bao gạo cho gia đình 6 người, giúp được mẹ phần nào. Nhìn những bạn bè cùng lứa tung tăng cắp sách đến trường, Lâm thích lắm nhưng thành phố quá tấp nập, xa lạ làm em rụt rè.
- Bán nhà cho con gái 3 tỷ mua chung cư, tôi mệt mỏi khi sống cùng con rể
- Lý do người giàu không gửi tiền trong ngân hàng hoặc đầu tư vào nhà cửa: Hai phương thức này đã quá lỗi thời!
- 5 lý do giật mình bố mẹ nên nghĩ lại trước khi quyết định cho con ngủ với ông bà
- 90% đàn ông chán vợ có những dấu hiệu này, các chị em nên cảnh giác kẻo mất chồng
- Người làm nên nghiệp lớn, điều tiên quyết không phải là có tiền, mà là phải có gan