Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
105 lượt xem

Chàng trai bỏ phố về quê "theo tiếng gọi nơi hoang dã": Cần có sự kiên định và một tình yêu với đất

Đang ở thủ đô, nghe bà nội than “dạo này đêm nào ông cũng ho”, Nguyễn Linh bỏ phố xách balo về ngôi nhà nơi bìa rừng, nơi không điện, nước, Internet.

Chàng trai 31 tuổi từng làm việc cho một cửa hàng điện tử ở Hà Nội cho biết, mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng đủ trang trải cho cuộc sống độc thân. Có điều, anh ngày càng thấy mình khó bắt nhịp được với cuộc sống hối hả của thành phố. Những ngày giãn cách vì Covid-19, nằm trong phòng trọ chật chội, ước muốn về quê trong Linh càng lớn. “Sau cuộc điện thoại của bà, tôi có thêm động lực rời phố”, anh nói.

Từng nhiều lần theo bố mẹ về thăm ông bà, Linh mê mẩn với màu xanh của cánh rừng sau nhà nội, thích ngắm nhìn những thửa ruộng chín vàng mùa gặt. “Tưởng tượng đến cảnh chim hót lúc bình minh, nghe gà cục tác, tiếng cá quẫy dưới ao, tôi nghĩ mình đã đúng”, Linh kể về quyết định của mình năm 2020.

Nhà ông bà nội cách nhà bố mẹ anh hơn 15 km. Nhiều lần con cháu muốn đón ông bà về sống chung, nhưng bị từ chối vì hai người già quen cuộc sống tĩnh lặng ở bìa rừng. Anh xác định, ông bà đã tuổi cao, sức yếu rất cần có người ở cùng chăm sóc và gánh vác những việc nặng.

Thấy cháu trai khoác balo về sống với mình, vợ chồng ông Nguyễn Văn Năng, 80 tuổi, vừa mừng vừa lo. Nơi ông bà ở cách nhà hàng xóm gần nhất 2 km, phải đi 3 km mới thấy một tiệm tạp hóa. Họ nghĩ “thanh niên như nó làm sao chịu được khổ”. “Giỏi lắm nó ở được một tuần”, hai vợ chồng ông lão ở thôn Luống Đồng, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) bảo nhau.

Ngày đầu tiên bỏ phố về rừng, Linh lập tức nhận ra đằng sau vẻ bình dị đó là những nỗ lực để thích nghi và sinh tồn. Chưa đến tám giờ tối, bóng đêm đã trùm lên ngôi nhà. Ông bà cũng đi ngủ sớm. Anh kể, đêm đó gần như mất ngủ vì sợ tiếng chim cú rừng, tiếng ếch nhái quanh nhà.

5h sáng, mặt trời đã cheo leo trên ngọn cau trước nhà. Hôm đó, Linh theo ông nội đi xáo cỏ trồng rau. Là con nhà nông nhưng sau nhiều năm ở Hà Nội, Linh không quen với việc chân tay. Làm được chưa một tiếng, mồ hôi anh túa ra, tay phồng lên đỏ rát nhưng vẫn phải chịu vì ở đây chẳng có quạt, chẳng có điều hòa hay nước lạnh để giải nhiệt như thành phố.

Nhìn đứa cháu trai ngồi thừ ra vườn vì mệt lả, ông Năng khuyên nên quay lại thành phố. “Cháu phải kiếm một công việc ổn định còn lấy vợ, sinh con nữa chứ”, ông động viên.

Đêm đó, Linh loay loay đấu tranh với suy nghĩ quay lại phố. Nhưng tiếng ho khù khụ của ông, tiếng bà trở mình trong đêm giữ anh ở lại. “Tôi xác định ở lại thì phải xem nơi này là nhà mình”, anh nói.

Chàng trai bắt đầu học cách thích nghi. Linh quan sát cách ông cầm cuốc sao cho đỡ rát tay. Anh hỏi bà cách chọn rau trồng theo mùa, nên nuôi giống vịt, gà gì cho phù hợp. Cả ngày làm việc nặng, tối anh đặt lưng xuống giường là ngủ, không còn cảnh thao thức cả đêm. “Tôi sống ở quê nên bản chất nông dân có sẵn, chỉ là ở phố lâu ngày, ít lao động nên bị khuất lấp đi thôi”, anh nói. Sau một tuần, Linh bắt đầu thích nghi với cuộc sống nhà nông.

Thấy ông bà dùng nước trong giếng đào cạnh ao, đục ngầu bùn đất, Linh quyết định tìm nguồn nước sạch hơn. Anh cùng ông lên rừng chặt tre về làm cầu ao trước nhà, chạy xe xuống thị trấn mua ống dẫn nước. Chàng trai leo qua hai ngọn đồi dẫn nước từ suối về nhà. “Nhìn ông bà rưng rưng vục tay rửa mặt bằng dòng nước trong vắt mình dẫn về, tôi cũng xúc động”, anh nói.

Hàng ngày, Linh băm chuối cho gà, vịt ăn, cùng ông bà cuốc đất, trồng thêm rau. Anh mua thêm 30 con vịt giống, 20 con gà và 15 con ngan về nuôi. “Gà, vịt đều chết 8 con, ngan còn 15 con. Hy vọng chúng khỏe mạnh để cải thiện bữa cơm cho ông bà”, anh chia sẻ.

Khi việc nhà đã vãn, Linh theo ông vào rừng lấy mật ong, chặt chuối, hái nấm, đào măng… khoảng 3-4 ngày mang xuống chợ bán. Mỗi lần đi chợ, anh tranh thủ ghé nhà bố mẹ sạc pin điện thoại, sạc dự phòng và bình ắc quy điện để kết nối với thế giới bên ngoài. Chàng trai cùng ông dựng cổng vào nhà bằng mái rơm, chẻ tre làm hàng rào bao quanh nhà, cày cấy, đắp đất làm nhà cho hai chú chó…

Lần đầu theo ông vào rừng học cách lấy mật ong, Linh gặp tai nạn nhớ đời. Ông Năng dặn anh đốt dưới gốc cây để khói bay lên đuổi đàn ong đi. Chàng trai 31 tuổi chủ quan, định leo lên ngọn rồi mới đốt không ngờ gặp đàn ong dữ, chưa kịp trốn đã bị chích kín mặt mũi. Lần đó Linh phải nằm trạm xá truyền dịch mới qua cơn nguy hiểm.

Về rừng, anh học được nhiều thứ mà tin cả đời ở phố chẳng trường lớp nào dạy. Anh được ông chỉ cách đan rọ tre bẫy cua, xúc ốc ở cánh đồng trước nhà, được bà hướng dẫn làm bánh, rang cua… Linh tham gia vào tất cả quy trình làm ra hạt gạo, từ xuống giống, nhổ mạ, cày cấy cho đến gánh lúa về nhà…

Được bạn bè động viên, hỗ trợ, anh làm kênh YouTube giới thiệu về cuộc sống dân dã bên ông bà ở quê nhà. Anh tự đặt máy quay ghi lại cuộc sống thường nhật. Nhờ đó, Linh có thêm khoản thu nhập nhỏ, hy vọng tích góp để cuối năm kéo điện, sửa nhà cho ông bà.

“Có cháu, cuộc sống của vợ chồng tôi vui vẻ, hạnh phúc hơn. Cháu giúp chúng tôi nhiều việc trong nhà, san sẻ việc nặng nhọc. Tôi tin Linh có thể sống ở đây lâu dài”, ông Năng nói.

Ông Mai Quốc Tuấn, trưởng thôn Luống Đồng, xã Hóa Quỳ cho biết, gia đình ông Năng sống cách xa khu dân cư chính của thôn. Thời trẻ, ông bà lang bạt nhiều nơi, sau này mới mua được miếng đất ven rừng nên không có điện, không nước máy. Hai năm nay, anh Linh về sống cùng, phụ giúp việc nặng nhọc và chăm sóc ông bà lúc tuổi cao sức yếu. “Họ chủ yếu sống nhờ làm ruộng, trồng rau, nuôi gà, đào măng bán”, ông Tuấn nói.

Hiện tại, Nguyễn Linh thấy hài lòng với cuộc sống bình dị ở quê nhà và chưa có ý định quay lại phố.

“Nhưng bỏ phố về rừng không đơn giản như những gì mọi người thấy trên phim ảnh đâu. Cần có sự kiên định và một tình yêu với đất, với người đủ lớn”, anh chiêm nghiệm.

Bài viết cùng chủ đề: