Với doanh thu hơn 2 tỷ đồng từ sản xuất tinh dầu dược liệu và kinh doanh lá thuốc tắm, anh Vàng Văn Sưởng (SN 1985) ở Lào Cai đã được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Thành công nhờ bám trụ với nghề
Đến xã Mường Vi (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) hỏi anh Sưởng chuyên sản xuất tinh dầu dược liệu, hầu như ai cũng biết. Nhà anh Sưởng ở giữa thôn Cửa Cái, xã Mường Vi.
Khu sản xuất tinh dầu các loại của anh Sưởng với tổng diện tích lên đến hơn 2000m2.
Cũng như bao chàng trai người Giáy khác ở thôn Cửa Cái, trước khi bén duyên với nghề sản xuất tinh dầu dược liệu, anh Sưởng chủ yếu làm nông. Những lúc nông nhàn, anh lại đi làm thuê, làm mướn, phụ hồ kiếm thêm thu nhập.
Cuộc sống gia đình anh khi ấy cũng không khá giả là mấy. Thế rồi, cây dược liệu nơi núi rừng Tây Bắc đã mang đến cho gia đình anh nhịp sống mới. Năm 2011, anh Sưởng bắt tay vào nghề mới, đó là sản xuất tinh dầu dược liệu.
“Năm 2010, dự án “Nâng cao năng lực tự chủ về sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số” được triển khai tại 2 xã Mường Vi và Dền Thàng của huyện Bát Xát. Dự án có hợp phần “Bảo tồn và phát triển cây thuốc cổ truyền” của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tham gia dự án, tôi may mắn được thầy Trần Văn Ơn – Trưởng bộ môn thực vật học của trường Đại học dược Hà Nội hướng dẫn cách chiết xuất tinh dầu gừng tía. Nhờ có thầy Ơn mà tôi biết thêm nghề mới. Cũng nhờ cái nghề này mà kinh tế gia đình tôi dần ổn định và khá giả hẳn lên” – anh Sưởng nhớ lại.
Nói về quy trình sản xuất tinh dầu, anh Sưởng cho biết, sau khi đạt độ nóng, hơi nước sẽ bốc lên, trải qua quy trình lôi cuốn hơi nước, gặp bộ phận làm lạnh tinh dầu sẽ ngưng tụ lại và nổi trên mặt nước.
Được thầy Ơn tận tình chỉ bảo, lại được dự án hỗ trợ nồi, anh Sưởng bắt tay vào thực hiện và liên tiếp cho “ra lò” những mẻ tinh dầu gừng tía thơm lừng. Năm đầu tiên, anh Sưởng chưng cất được 300 lít tinh dầu gừng tía. Toàn bộ sản phẩm tinh dầu gừng tía đó được Công ty CP dược khoa Hà Nội bao tiêu.
Với suy nghĩ “một cây làm chẳng nên non” năm 2012, anh Sưởng đứng ra thành lập công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh các sản phẩm bản địa Mường Vi. Nhận được đơn đặt hàng từ một công ty bên Thái Lan thông qua Công ty CP Dược khoa Hà Nội, anh Sưởng và các thành viên trong công ty rất phấn khởi và yên tâm sản xuất.
Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” do một vài nguyên nhân từ Công ty bên Thái Lan, 500 lít tinh dầu gừng tía do Công ty sản xuất trong năm 2012, không thể tiêu thụ. Sản phẩm tồn kho với số lượng lớn và thời gian kéo dài, Công ty anh Sưởng khi đó chỉ sản xuất cầm chừng.
“Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, thu nhập không có, vốn thì đi vay, các thành viên trong công ty lúc này không còn mặn mà nữa. Đến năm 2014, Công ty chúng tôi chính thức giải thể.
Với suy nghĩ “thua keo này bày keo khác” quyết không bỏ cuộc giữa chừng, nên anh cứ lọ mọ một mình túc tắc sản xuất tinh dầu gừng tía.
Sau khi giải thể công ty, anh Sưởng vẫn kiên trì với lựa chọn của mình. Anh đi nhiều nơi để giới thiệu sản phẩm tinh dầu gừng tía và học hỏi kỹ thuật chiết xuất một số loại tinh dầu dược liệu khác. Năm 2015, anh Sưởng về Hòa Bình học hỏi kinh nghiệm chiết xuất tinh dầu sả chanh từ ông Lê Quế, ở huyện Lương Sơn.
Nắm bắt được kỹ thuật chiết xuất tinh dầu sả chanh, anh Sưởng trở về và lên Sa Pa tìm hiểu, học hỏi quy trình chưng cất tinh dầu chùa dù từ anh Lý Láo Lở, ở xã Tả Phìn. Sau những chuyến đi như thế, anh Sưởng không chỉ học hỏi được kỹ thuật chưng cất tinh dầu từ 1 số cây dược liệu khác, mà còn tìm kiếm được mối tiêu thụ tinh dầu gừng tía.
Thành tỷ phú từ những sản phẩm tinh dầu dược liệu thơm lừng
Thay vì nấu bằng nồi củi với công suất nhỏ, anh Sưởng quyết định đầu tư nồi nấu bằng điện 3 pha, với công suất từ 300 – 500kg/mẻ. Việc sản xuất tinh dầu dược liệu của anh Sưởng dần đi vào ổn định.
Để thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng với các đối tác đồng thời có điều kiện mở rộng sản xuất, cuối năm 2016, anh Sưởng thành lập Hợp tác xã (HTX) Mường Kim. HTX Mường Kim do anh làm chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc.
“Sau khi thành lập HTX, việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, ký kết hợp đồng diễn ra suôn sẻ hơn, khách hàng cũng nhiều hơn. Một số sản phẩm của HTX cũng được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đem đi quảng bá nhiều nơi.
Một số sản phẩm tinh dầu dược liệu HTX Mường Kim sản xuất do anh Sưởng quản lý và điều hành.
Đặc biệt, tôi được đặc cách tham gia chương trình “Khát vọng khởi nghiệp, bừng sáng bản làng” do Ủy Ban dân tộc tổ chức tại Hà Nội. Sau khi được vinh danh tại chương trình này, sản phẩm tinh dầu dược liệu do HTX sản xuất được nhiều người biết đến hơn. Nhiều anh em quan tâm đến mảng tinh dầu dược liệu, họ tự điện cho mình” – anh Sưởng vui vẻ cho biết.
Hiện anh Sưởng chủ yếu sản xuất tinh dầu nguyên chất từ các loại dược liệu như: Gừng tía, chùa dù (kinh giới rừng), màng tang, thảo quả, sả chanh. Ngoài thảo quả, các loại dược liệu nêu trên chủ yếu mọc tự nhiên trong rừng. Người dân sau khi thu hái từ rừng về, bán cho anh Sưởng thông qua các điểm thu mua tại các xã trong huyện.
Dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất tinh dầu dược liệu phía trước và bên cạnh nhà ở, anh Sưởng cho hay: Lúc đầu, điểm chưng cất tinh dầu gừng tía khá khiêm tốn, chừng 40m2. Tôi vừa làm vừa mở rộng, trải qua nhiều gian khó mới có được quy mô như bây giờ.
Anh Sưởng hiện có 1 nhà xưởng lắp đặt dây chuyền sản xuất tinh dầu dược liệu, 3 nhà kho để nguyên liệu và sản phẩm tinh dầu các loại, tổng diện tích lên đến hơn 2000m2. Dây chuyền chưng cất tinh dầu dược liệu của anh Sưởng gồm có: 1 nồi cô hở, 1 nồi chiết và 1 nồi cô đặc. Mới đây anh Sưởng chuyển từ nồi nấu bằng điện sang hệ thống lò hơi.
Theo anh Sưởng, tùy từng loại dược liệu mà thời gian chưng cất tinh dầu khác nhau. Với củ gừng tía thì thời gian chưng cất khoảng 6 tiếng/mẻ, còn với các loại là thì thời gian chưng cất ngắn hơn, khoảng 4 tiếng/mẻ.
Mỗi năm, anh Sưởng thu hơn 1 tỷ đồng từ việc bán thuốc tắm cổ truyền của người Dao đỏ.
Anh Sưởng sản xuất tinh dầu dược liệu theo mùa. Từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, anh Sưởng sản xuất tinh dầu gừng tía. Còn từ tháng 4 đến tháng 9, thì anh chưng cất tinh dầu từ lá, quả màng tang…
“Đối với các loại củ quả, sau khi mua về, tôi đem rửa sạch, rồi cho vào máy nghiền nhuyễn. Tiếp đó tôi cho vào nồi rồi đưa nhiệt vào và tiến hành chưng cất.
Quy trình chưng cất tinh dầu dược liệu không khác nấu rượu là mấy. Với các loại là thì sau khi mua về chỉ việc cho vào nồi và tiến hành chưng cất.
Tùy từng loại nguyên liệu mà lượng tinh dầu thu được nhiều ít khác nhau. Để chiết xuất ra 1 lít tinh dầu thảo quả thì cần tới 3 tạ quả, còn chưng cất 1 tần gừng tía sẽ thu được khoảng 8 lít tinh dầu” – anh Sưởng chia sẻ.
Mỗi năm, anh Sưởng sản xuất được khoảng 600 lít tinh dầu dược liệu các loại. Bán ra thị trường với giá dao động từ 500.000 – 3000.000 đồng/lít, anh Sưởng thu hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài cho “ra lò” những sản phẩm tinh dầu dược liệu thơm lừng và tốt cho sức khỏe người sử dụng, anh Sưởng còn kinh doanh lá thuốc tắm cổ truyền của người Dao đỏ.
“Bài thuốc tắm cổ truyền của người Dao đỏ có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, nhất là với bà bầu, phụ nữ sau sinh. Sử dụng lá thuốc tắm của người Dao đỏ giúp lưu thông khí huyết, giảm stress, giải cảm và đỡ đau nhức xương khớp. Có khoảng 12 loại lá thuốc tắm. Tùy từng người sử dụng mà cách phối trộn các vị thuốc tắm khác nhau. Tôi đặt và thu mua của người dân thu hái từ rừng về và xử lý, đóng gói, sau đó bán ra thị trường. Mỗi năm, tôi thu hơn 1 tỷ đồng từ bán khoảng 4 tấn lá thuốc tắm khô ra thị trường” – anh Sưởng thông tin.
Từ sản xuất tinh dầu dược liệu và kinh doanh lá thuốc tắm của người dân tộc, mỗi năm anh Sưởng thu hơn 2 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Sưởng còn giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.
- Tán thành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để nghỉ lễ 30/4-1/5 liền 5 ngày
- Đau dạ dày cũng nhanh hết nếu bạn biết làm cách này với chuối xanh và mật ong
- 8 "kỹ năng sống" cha mẹ nhất định phải dạy con trai mỗi ngày
- 3 khả năng đặc biệt chỉ có ở trẻ có IQ cao
- Bố con người Hà Nội sống trong 2 “mẩu nhà” siêu nhỏ thừa lại sau giải tỏa