Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
91 lượt xem

Chàng trai Hà thành cất tấm bằng giỏi, rời Hà Nội lên núi trồng cam

Nhìn trang trại cam của gia đình xơ xác dù đã “rót” vào đó vài tỷ đồng, Khuất Cao Khuê quyết định cất tấm bằng đại học loại giỏi, rời Hà Nội lên núi.

“Con lên Hòa Bình làm vườn” – tuyên bố của Khuê khiến bố mẹ và cả bạn bè choáng váng. “Người ta trụ ở thành phố không được, dở người hay sao mà lên núi làm gì?”, mọi người nói và vẫn không tin cậu sinh viên vừa tốt nghiệp loại giỏi Đại học Ngoại thương, bố là bác sĩ, mẹ là giảng viên, nhà thừa điều kiện lại bỏ lại tất cả để đâm đầu vào một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ, gian khổ hiển hiện trước mắt.

“Tôi quyết định lên với trang trại cam sau một lần bắt gặp người làm chất đầy phân bón lên xe mang đi tiêu hủy do quá hạn sử dụng. Đó là sự lãng phí khủng khiếp trong khi cây cối vẫn héo úa. Tôi nói với bố: Phải thay đổi, bố làm chưa được thì con làm”, chàng trai 25 tuổi giải thích về quyết định ba năm trước của mình.

Bà Nguyễn Phương Dung (mẹ Khuê) kể: “Lúc đó không xót không được. Khuê từ trước chỉ biết học, chưa từng cầm đến cái cuốc, giờ một mình ở nơi rừng núi, làm cái việc mà cả nhà không ai có kinh nghiệm”.

Sáu năm trước, gia đình Khuê thuê lại một trang trại rộng 33 ha ở Cao Phong, Hòa Bình để trồng cam. Trong ba năm đầu, gia đình khoán cho người làm chăm sóc. Chính vì thế, dù đã “ngốn” vài tỷ đồng nhưng khu vườn vẫn xơ xác, đất đai suy kiệt, nước tưới không ngấm mà chỉ dập dềnh ở mặt đất.

Kết thúc cuộc họp gia đình, bà Dung đành chấp nhận cho con trai lên núi thử sức nhưng vẫn dặn: “Nếu mệt quá, về Hà Nội mẹ xin việc cho”.

Kể từ đó, trong căn nhà tạm lợp tôn, chàng trai Hà thành bắt đầu cuộc sống không tivi, điều hòa, tắm bằng nước suối và chuỗi ngày ăn ngủ với cây cam.

Không biết tí gì về loại cây này, Khuê mua sách vở về đọc rồi rong ruổi khắp các tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Giang xin học hỏi. Những ngày mới lên vườn, học được kiến thức gì, Khuê lại ra hướng dẫn người làm công. Nhưng chẳng ai thèm nghe cậu.

“Cậu là dân phố còn chúng tôi có hàng chục năm trồng cam rồi”, người làm “bật lại” khi được hướng dẫn dùng cuốc chim đào đất thay cho xẻng. Không ít lần, họ cố tình làm sai hướng dẫn. Đến bữa cơm, anh ngồi một góc còn tốp người làm ngồi một góc dùng tiếng Mường nói chuyện với nhau. Xa gia đình, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, không điều khiển được người làm, nhìn khắp vườn chỗ nào cũng thấy cảnh “làm ăn tào lao không thể vừa mắt”, chàng trai bắt đầu suy nghĩ và lờ mờ về một thất bại đầu đời của mình.

Sau nửa năm sống ở vườn, một lần to tiếng với nhân công khiến Khuê chán nản. Giữa đêm anh lái xe một mạch ra đường, đi ngược về hướng bắc, vừa đi vừa tự hỏi: “Tiếp tục hay dừng lại”. Tình cờ điện thoại báo có tin nhắn: “Đừng để bản thân qua đời ở tuổi 25 và được chôn cất ở tuổi 75”, từ người bạn thân ở nước ngoài gửi đến. Đọc xong, Khuê lên xe quay trở lại trang trại. Đêm hôm đó anh được tròn giấc bởi hiểu mình sẽ phải làm gì tiếp theo.

“Với nông dân, họ chỉ phục khi mình làm tốt hơn họ. Chỉ thế người ta mới nể và nghe mình”, Khuê nghĩ. Kể từ đó, hàng ngày anh làm việc 9-10 tiếng, không nề hà trộn phân, lái máy xúc cải tạo đất hay vác đá dọn vườn, thậm chí chạy ngược đồi khi bão đến để chằng buộc cây mới. Một lần, người làm bị tai nạn xe máy giữa đêm, Khuê đội mưa gió chở đi cấp cứu, lo viện phí. Sau lần “ra tay” này, mỗi lần ăn cơm anh không còn thu lu một góc, bữa ăn không chỉ có tiếng địa phương. Trao đổi công việc, mọi người cũng cởi mở, tiếp thu hơn.

Ông chủ vườn bắt đầu áp dụng phương pháp “Thuận tự nhiên” cho trang trại cam của mình. Dưới tán cây, anh để cỏ dại mọc um tùm, đạt đủ khối lượng sẽ được cắt tỉa để tạo mùn và giữ ẩm cho đất. Các loại côn trùng như ong, châu chấu, kiến đỏ vẫn được sinh tồn ở giới hạn cho phép. Theo Khuê, sâu bọ hay cỏ dại là một phần trong hệ sinh thái. Anh chú trọng gia tăng khối lượng mùn hữu cơ và hàm lượng vi sinh vật để cải thiện chất lượng đất “nuôi” cây.

“Mỗi khu vườn là một hệ sinh thái. Nuôi lớn cam không phải là chăm sóc nó hàng ngày mà là xây dựng một hệ sinh thái để nó tự do phát triển”, anh giải thích với người làm công vốn là những nông dân người Mường có nhiều năm trồng cam ở đất Cao Phong.

Hàng ngày, Khuê dậy từ 5h sáng cùng nhân công ra đồi làm việc, tối đến lại tìm tài liệu nước ngoài – những nước có thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ như Hà Lan, Mỹ… để học hỏi. Công việc thường kết thúc sau 1h đêm. Kết quả sau một năm, từ chàng sinh viên trắng trẻo, mặt búng ra sữa, Khuê sụt 5kg, tay chân chi chít sẹo và đen nhẻm.

Thay đổi cách làm thuận tự nhiên, nông dân hợp tác, sau một năm đất đai trong trang trại dần trở nên tơi xốp, cây sinh trưởng tốt. Nguồn nước suối quanh vườn trở nên trong xanh hơn, không ai còn bị dị ứng khi sử dụng để tắm như trước.

Một vụ cam kéo dài bốn tháng chia đều cho những tháng trước và sau Tết, tám tháng còn lại Khuê dốc sức chăm sóc, nuôi dưỡng cây. Từ chàng trai không biết trồng một cái cây, giờ đây anh am hiểu từng thớ đất, thổ nhưỡng, chu kì sinh trưởng, ra hoa kết trái của từng loại bưởi, cam trong vườn.

Được sinh trưởng trong hệ sinh thái “thuận tự nhiên”, năm 2018, lứa đầu trang trại thu hoạch 20 tấn hoa quả, bán sạch bách. Sang năm 2019, sản lượng tăng gấp 10 lần, doanh thu đạt 2,2 tỷ đồng, bắt đầu có lãi. Tuy nhiên sang năm 2020, sau nhiều trận mưa đá, khô hạn kéo dài, nhiều cây không trụ được, héo rũ. Mỗi lần ra thăm vườn, đứng dưới những gốc cây tưởng như sắp chết, Khuê lại vỗ về: “Cố gắng vượt qua nhé”. “Vậy mà chúng vượt qua được thật, dù sản lượng giảm một nửa nhưng trái cam vẫn ngọt như mùa đầu tiên”, Khuê nói.

Để tăng thêm thu nhập, hiện Khuê còn triển khai thêm tour tham gia trải nghiệm tại vườn. Anh dự tính sẽ trồng thêm ổi, mít… đa dạng trái cây cung ứng ra thị trường. Mỗi năm, chàng trai 25 tuổi tạo việc làm ổn định cho khoảng 10 nhân công, lương 6 – 9 triệu đồng/tháng.

Những ngày trước và sau Tết, đơn hàng tăng, nhận được phản hồi tốt từ khách, Khuê dần dần yên tâm hơn. Nhìn ra vườn, anh lại càng vui khi từng lứa hoa bưởi, hoa cam rộ nở đúng như kỳ vọng. Nhận điện thoại của người bạn, hỏi: “Sống trên núi nhiều, có nhớ phố không?”, Khuê mỉm cười, nói rằng cứ làm mọi việc cho tốt, ở đâu mang lại giá trị sống tích cực, nơi đó là quê hương.

Bài viết cùng chủ đề: