Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
125 lượt xem

Chàng trai người Mường thuần hóa 500 tổ ong vò vẽ, lớn nhất cả nước, ai thấy cũng… sởn da gà

Ong vò vẽ được coi là “sát thủ” của rừng già và nó là loài ong khó thuần hóa nhất. Ấy vậy mà anh Bùi Mạnh Ly lại sở hữu tới 500 tổ ong vò vẽ.

Ly (SN 1989, chàng trai người Mường ở xóm Yến Báy, xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đang kì công nghiên cứu và tìm cách nhân giống loài ong sát thủ này.

500 tổ ong vò vẽ được anh Ly chia làm 2 khu nuôi, 200 tổ ở sau nhà và 300 tổ trên trang trại. Đây là cơ sở nuôi ong vò vẽ lớn nhất của cả nước. Vừa vào tới đầu nhà Ly đã cảm nhận được tiếng ong vò vẽ bay rào rào sau đồi, khiến bất cứ ai cũng thấy… sởn da gà.

“Sát thủ” ong vò vẽ thích ăn gan gà

Sau nhà anh Ly là vô số tổ ong được xếp thành hàng dài, kéo từ chân đồi đến đỉnh đồi. Tổ nào cũng được xây dựng tựa như một pháo đài kiên cố, với hình thù kỳ quái. Cả mấy vạn con ong cùng trú trong phạm vi nhỏ, nhưng “nhà” nào nhà nấy bận bịu xây tổ, kiếm mồi. Tổ ong to hơn cái nồi cơm điện xếp thành nhiều hàng, trên mỗi tổ được Ly phủ một tàu lá cọ. Lũ ong đi lại nhịp nhàng tựa như con thoi. 

Vốn đã quen với đàn ong dữ, anh Ly tiến lại gần nhìn đàn ong làm việc chăm chỉ mà lòng hưng phấn: “Trong các loài vật sống ở rừng, con ong là động vật có kỉ luật nghiêm ngặt nhất. Con nào vào việc nấy, kể cả là lúc đi kiếm mồi, xây tổ và ngủ nghỉ hay “hy sinh” mình bảo vệ tổ… đều được chúng tuân thủ nghiêm túc”.

Gan gà là món ăn khoái khẩu của ong vò vẽ.

Nói về đám ong vò vẽ, ở mỗi tổ, anh nắm được số lượng ong, thời gian sinh trưởng, khi nào lấy được nhộng, thậm chí còn cảm nhận được tính nết của con ong chúa. Ong vò vẽ có nọc độc, nhưng chúng cũng rất hiền. Chúng chỉ “nổi đóa” khi bị xâm phạm đến tổ của mình

Ngày chúng đi kiếm ăn cùng nhau, anh Ly theo dõi sát sao đường đi nước bước mà không thấy chúng “choảng” nhau. Qua đó có thể thấy loài ong này cũng dễ gần, chứ không hiếu chiến như mọi người tưởng.

Hàng ngày cho chúng ăn, anh Ly vẫn cho chúng đậu vào tay mình và “nói chuyện” như người bạn. Theo anh Ly, ong vò vẽ thích ăn côn trùng và lấy vỏ cây về làm tổ. Nếu muốn chúng phát triển nhanh phải cho ăn thêm thức ăn.

Thời gian đầu, anh cho ong vò vẽ ăn đủ các thứ: Nào mật mía, nào thịt, cám bã. Sau rất nhiều lần đổi thực đơn, anh Ly mới phát hiện loài ong sát thủ vò vẽ này rất thích ăn gan gà và gan bò. Anh liền tìm mua nguồn thức ăn này ở các lò mổ, sau đó treo ở gần tổ ong. Các thành viên ong thợ trong mỗi tổ cứ đến giờ ra đó lấy thịt về nuôi ong chúa và con cái.

Anh Ly cho biết. nuôi 500 tổ ong, nhưng mỗi ngày chi phí chỉ hết 100.000 đồng. Loài ong này chỉ sống từ tháng 3 đến tháng 11. Như vậy 1 năm, anh Ly mới hết tầm 30 triệu đồng tiền thức ăn cho đám ong. Trong khi đó, mỗi tổ ong khai thác được 3-4 lần, trung bình cho thu 3kg nhộng, bán được 600.000 đồng mỗi tổ.

Ước mong của chàng trai xứ Mường Bùi Mạnh Ly là sẽ nhân giống thành công và mở rộng quy mô nuôi ong vò vẽ. Anh cho hay, nhu cầu trên thị trường về nhộng ong vò vẽ (hoàn toàn tự nhiên – hữu cơ) rất lớn, giá bán có lúc lên tới 500.000 đồng/kg nhộng đã bóc tổ.

So với việc nuôi các loài khác, chi phí nuôi ong vò vẽ rẻ nhất. Chúng lại sống hoàn toàn ngoài tự nhiên, không chiếm diện tích là bao, hơn nữa ong vò vẽ rất khỏe mạnh. Anh Ly cho biết nhiều năm nuôi nhưng chưa bao giờ thấy chúng ốm đau bệnh tật gì. Điều anh mong muốn nhất chính là nhân được giống ong vò vẽ để không phải đi bắt giống ngoài tự nhiên nữa.

Nửa tỷ đồng xây “bệnh viện phụ sản” cho ong

Để đến gần đám ong, Ly sắm bộ đồ bảo hộ với giá gần 2 triệu đồng. Khi mặc bộ đồ này vào, nom thợ nuôi ong tựa như các nhà du hành vũ trụ. Vừa phát hiện có người đột nhập, đám ong vò vẽ bắt đầu nổi xung. Vốn hiểu tính nết của đám ong, Ly nhẹ nhàng đi qua tổ mà không đụng đến chúng, đàn ong lại quay về làm việc cần mẫn như một cái máy.

Đầu tháng 3, anh Ly vào rừng để tìm kiếm những tổ ong vò vẽ vừa hình thành rồi đưa về vườn. Khi ong chúa bắt đầu xây tổ vào mùa xuân, tổ của chúng chỉ to bằng quả óc chó. Con ong chúa cứ 25 – 28 ngày đẻ 1 lứa. Tổ của chúng có sức chứa bao nhiêu, thì ong chúa sẽ đẻ ra nhiều con đến đó. Số lượng ong đực luôn chiếm nhiều hơn ong cái.

Khi mùa hè trôi qua, tổ sẽ lớn lên rất nhanh, vì số lượng ong vò vẽ trong đàn đã tăng cao. Tổ cũng to dần bằng nồi cơm điện, thậm chí có tổ to bằng cái thùng phi. Điều đó cho thấy sức sinh sản vô địch của con ong chúa.

Đi trong khu vực “chết chóc” mà anh Ly – tổng tư lệnh của đám ong như đi dạo trong vườn nhà. Vừa đi thăm đám ong, anh Ly vừa nói như một chuyên gia: “Một con ong vò vẽ trưởng thành dài đến 5,5cm. Nhiều loài côn trùng bị nhầm với ong vò vẽ. Tôi có đọc tài liệu nghiên cứu thì thấy, trên thế giới chỉ có khoảng 20 loài ong vò vẽ được xếp theo tính hung hãn và có nọc độc cao. Ngòi của loài ong này khác với ong mật, nó không có ngạnh, nhờ đó chúng có thể đốt nhiều lần mà không bị mất ngòi”.

Đám ong hung dữ sẽ hoạt động hết tốc lực trong vòng đời ngắn ngủi chưa đến 1 năm. Từ khi con ong sinh ra đến 28 ngày là chúng có thể bay và đi kiếm ăn. “Cuối tháng 11 tổ ong “đóng băng” – tức là mọi thành viên trong tổ đều tự chết, chỉ còn lại duy nhất con chúa đi tìm nơi trú đông để mùa sau nhân giống” – anh Ly cảm thấy tiếc nuối khi nói về vòng đời của loài sát thủ rừng già.

Tìm hiểu cặn kẽ về đường đi, nước bước của đàn ong vò vẽ, mục đích của anh Ly là nhân giống và thuần hóa chúng. Suốt mấy năm qua, anh đã đầu tư công sức và tiền của, hy vọng trở thành “bà đỡ” mát tay cho loài ong này.

Năm 2021, anh đã bước đầu thành công khi nhân giống được 45 tổ. Nếu như ngoài tự nhiên, con ong chúa sẽ tìm hang đá hoặc chui vào cây tre, cây gỗ để ngủ đông. Khi muốn giữ chúng lại, anh Ly cũng phải tạo điều kiện tốt nhất để những cỗ máy siêu đẻ này vượt qua mùa đông rét mướt.

“Năm nay tôi quyết tâm chơi lớn, đầu tư nửa tỷ đồng để làm “bệnh viện” phụ sản cho đám ong này. Tôi tin năm nay, việc nhân giống ong sẽ khá hơn năm trước” – anh Ly tự hào khoe.

Bài viết cùng chủ đề: